Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Hàn Quốc
Không còn nằm ngoài cuộc chơi, Trung Quốc và Hàn Quốc đang cho thấy tiềm lực phát triển ngành công nghiệp phim hoạt hình của mình vô cùng mạnh mẽ.
Mới đây nhất, bộ phim khai thác lịch sử triều đại nhà Đường Chang An (tựa Việt: Trường An) dài 3 tiếng đồng hồ đã trở thành tác phẩm hoạt hình thành công thứ hai mọi thời đại của Trung Quốc tại phòng vé nội địa. Phim đã thu về 242 triệu USD, tính đến ngày 14/8. Đáng chú ý, đây chỉ là một trong loạt phim hoạt hình nội địa ăn khách trong những năm gần đây của đất nước tỉ dân, bên cạnh Pleasant Goat and Big Big Wolf, Boonie Bears…
Những tín hiệu tích cực này cho thấy sự lột xác, khẳng định tầm nhìn đúng đắn của các nhà hoạch định chiến lược phim ảnh xứ Trung. Các bộ phim thành công gần đây hầu hết đều là sản phẩm của thế hệ các nhà làm phim được đào tạo trọng điểm. Cùng với đó là sự hỗ trợ của chính phủ khi yêu cầu các đài truyền hình đảm bảo khung giờ phát sóng phù hợp cho các bộ phim hoạt hình trong nước.
Các “ông lớn” về công nghệ như Tencent, Baidu và NetEase đã đầu tư vào hơn chục công ty truyện tranh và hoạt hình, khởi động hàng trăm dự án trong thập niên qua. Điều đó đã góp phần giúp các tác phẩm nội địa xứ Trung đạt tiêu chuẩn tương đương với những bom tấn do Disney, các hãng phim Hollywood hay Nhật Bản sản xuất.
Với màn bứt tốc mạnh mẽ, ngành công nghiệp phim hoạt hình của Trung Quốc đã đạt trị giá hơn 20 tỉ USD vào năm 2022, trở thành thị trường lớn thứ hai ở châu Á. Nếu giữ đà phát triển này, các chuyên gia nhận định, việc các tác phẩm hoạt hình xứ Trung đạt thành công quốc tế tương tự như của Hollywood, Nhật Bản và hơn thế nữa chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khác với Trung Quốc phải tốn khá nhiều thời gian để đầu tư về mặt con người và kỹ thuật, Hàn Quốc đã có sẵn lợi thế trong việc thực hiện những dự án hoạt hình bom tấn. Tuy nhiên, vì ngành công nghiệp phim ảnh nước này không quá chú trọng đến mảng phim hoạt hình khiến nó tỏ ra thua kém so với các nước trong khu vực Đông Á.
Mọi chuyện đã xoay chiều trong 2 năm trở lại đây. Kim Nam Hee - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hoạt hình Hàn Quốc - cho biết môi trường truyền thông thay đổi đã cho phép các nhà làm phim hoạt hình Hàn Quốc tìm kiếm các nền tảng khác ngoài các đài truyền hình lớn.
“Hoạt hình chưa bao giờ là trung tâm của sự chú ý trong ngành giải trí, nhưng giờ đây mọi người đã nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng từ thế hệ trẻ. Vì vậy, các công ty đã tung ra ngày càng nhiều phim hoạt hình. Các hãng phim hoạt hình Hàn Quốc đang tìm cách đưa các bộ phim của họ lên các dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu. Tôi tin tưởng rằng hoạt hình Hàn Quốc sẽ vượt qua anime Nhật Bản trong 4-5 năm nữa” - Kim Nam Hee nói.
Cuộc đua tranh hấp dẫn
Ngành công nghiệp hoạt hình gần đây đang phát triển mạnh mẽ và có một số yếu tố đứng sau sự tăng trưởng ấn tượng của nó. Nhờ công nghệ tiên tiến, việc tạo ra những hình ảnh động tuyệt đẹp chưa bao giờ dễ dàng hơn thế.
Theo thống kê của Yahoo Finance, vào năm 2022, quy mô thị trường hoạt hình toàn cầu được định giá lên đến 259 tỉ USD. Hiện Mỹ vẫn đang là nhà sản xuất phim hoạt hình hàng đầu và chiếm khoảng 50% tổng doanh thu thị trường. Tuy nhiên châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, lại đang là thị trường tăng trưởng nhanh nhất và dự kiến sẽ vượt qua Bắc Mỹ vào năm 2026 (theo hãng nghiên cứu thị trường Statista).
Trung Quốc và Hàn Quốc đang vươn lên mạnh mẽ trong khi Hollywood đang phải trải qua đợt khủng hoảng nghiêm trọng, khiến toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh ngừng hoạt động. Các chương trình trò chuyện đêm khuya và nhiều tác phẩm truyền hình, điện ảnh đều bị gián đoạn dài hạn do cuộc đình công của các biên kịch, diễn viên… Cụ thể, những tác phẩm hoạt hình bom tấn như Paddington 3, Spider-Man: Beyond the Spider-Verse, Ghostbusters: Afterlife 2… dự kiến sẽ bị hoãn ra mắt, khi cuộc đình công vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Với tình hình căng thẳng này, theo Hollywood Reporter, sớm nhất là quý IV năm nay hoặc có thể đến đầu năm 2024, các phim bom tấn của Hollywood mới có thể bắt đầu bấm máy trở lại. Nhiều dự án được lên lịch chiếu vào năm 2024 sẽ phải dời đến năm 2025 mới được ra mắt, trong khi nguồn cung các phim ăn khách sẽ giảm hẳn vào năm 2024-2025.
Nếu các nước châu Á tận dụng được khoảng thời gian này, phát hành những sản phẩm hoạt hình chất lượng, chắc chắn sẽ có sự đảo chiều vị thế ngoạn mục. Thị trường phim hoạt hình toàn cầu trong 2 năm tới sẽ diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt.
Chung Thu Hương