Tác phẩm điện ảnh Việt Nam ăn khách nhất mọi thời Hai Phượng (thu hơn 200 tỷ đồng, tức gần 9 triệu USD) như một cú bật của dòng phim hành động - thể loại vẫn hiện diện trên màn ảnh Việt, nhưng chưa bao giờ thắng nổi dòng phim hài ở phòng vé.
Hành động “nửa vời”
Hài và hành động là hai thể loại phim được khán giả Việt Nam yêu thích nhất. Những phim Việt ăn khách từ trước đến nay hầu hết là tác phẩm hài hoặc có yếu tố hài (Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố, Để mai tính 2, Lật mặt 3, Tèo em, Chàng vợ của em), còn những phim nước ngoài thắng lớn tại thị trường Việt là những “bom tấn” hành động Hollywood (Avengers: Infinity War, Fast and furious 8, Aquaman). Phim hành động trong nước cũng có những tác phẩm tạo được ấn tượng như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Hương ga, nhưng chưa có phim hành động nào thắng ở phòng vé.
|
Trong Hai Phượng, qua sáng tạo của ê-kíp từ Hollywood, những vật dụng như búa, cờ lê cũng biến thành vũ khí |
Công bằng nhìn nhận, càng ngày phim hành động hoặc có yếu tố hành động của Việt Nam càng chất lượng hơn, nhờ sự trưởng thành của đội ngũ cascadeur chuyên nghiệp, cách xử lý góc máy quay, công nghệ hậu kỳ... Khán giả Việt Nam bao lần thót tim với những cảnh rượt đuổi trên mái nhà trong Lôi báo, những màn đấu súng trong Người bất tử, ô tô bay từ trên cầu xuống sông trong Tèo em, nhân vật treo mình lơ lửng giữa hai vách núi ở độ cao 40m trong Lật mặt 3…
Tuy nhiên, để có một sản phẩm thuần hành động, đạt đỉnh cao, chinh phục cả khán giả nước ngoài như Hai Phượng thì chưa. Các phim, dù gắn mác hành động, yếu tố hành động gần như chỉ mang tính phụ trợ, chưa kể phần kịch bản còn nhiều lỗ hổng, tạo nên tổng thể kém sức hút.
Không khó để thấy lý do khiến các nhà làm phim không dám “mạnh tay” với những cảnh hành động trong phim là khâu kiểm duyệt. Nếu làm “tới”, phim sẽ bị hạn chế độ tuổi người xem, dẫn đến việc khó thu hồi vốn, chưa kể có thể bị cấm phát hành như trường hợp Bụi đời Chợ Lớn.
“Ngoại binh” đã sẵn việc gì chẳng xong?
Thành tích phòng vé của Hai Phượng, dù phim bị dán nhãn ở mức cao nhất - C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) cho thấy: phim hành động chất lượng cao, dù bị hạn chế độ tuổi, vẫn sẽ hút khán giả. Để tạo nên những cảnh đánh đấm “hạng nặng” trong phim, đạo diễn Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã mời ê-kíp Hollywood, đứng đầu là đạo diễn hành động Samuel Kefi Abrik đến làm việc cùng các cascadeur Việt Nam.
Kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài đã tạo ra những pha hành động lạ mắt, độc đáo, thú vị với vũ khí thay đổi linh hoạt: búa, cờ lê, bình hoa, thậm chí là lục bình hay… 3 cây nhang, địa hình, phương tiện chiến đấu đa dạng.
Đạo diễn Lương Đình Dũng - người đang thực hiện bộ phim hành động 578 có sự giúp đỡ của đạo diễn hành động Alain Figlarz (phụ trách hành động của loạt phim Taken) - chia sẻ: “Có hai yếu tố quyết định thành công của phim hành động. Thứ nhất là trên nền kịch bản hay, phải có ý tưởng cho những cảnh hành động mới mẻ, trong đó sự khác biệt là quan trọng nhất, để người xem không cảm thấy cũ mòn. Nếu không có yếu tố sáng tạo này thì phim cũng đánh đấm ầm ĩ là xong. Yếu tố thứ hai là ê-kíp chuyên nghiệp để thực hiện tới nơi tới chốn yêu cầu của đạo diễn. Nhiều người nghĩ, khi làm phim hành động, cần diễn viên giỏi võ hay đạo diễn phải tự dàn dựng. Đó không phải cách làm chuyên nghiệp. Chuyên gia võ thuật sẽ đảm nhiệm ý tưởng sáng tạo của đạo diễn chứ đạo diễn không phải làm việc đó. Diễn viên không biết võ thì tập năm bảy tuần cũng đủ thành siêu sao võ thuật trong phim, vì có công nghệ hỗ trợ và người đóng thế”.
Ngoài 578, sắp tới, phim Đặc vụ ngầm cũng hứa hẹn có những màn võ thuật “liều cao”, nhờ có võ sư gốc Việt Cung Lê đảm nhiệm phần hành động. Nói về hiệu quả của các chuyên gia hành động nước ngoài trong phim Việt, anh Nguyễn Anh Tuấn - chủ nhiệm câu lạc bộ cascadeur Team X, đồng đạo diễn hành động phim Hai Phượng - cho biết: “Các chuyên gia nước ngoài làm việc rất nghiêm túc nên khó có chuyện thay đổi kế hoạch như đã thỏa thuận ban đầu. Nếu chỉ có ê-kíp Việt Nam làm với nhau, giả sử một phân cảnh yêu cầu phải quay trong bốn ngày, nhà sản xuất có thể viện đủ lý do yêu cầu nhóm hành động chỉ thực hiện trong nửa ngày, để tiết kiệm chi phí. Tôi tin, nếu các nhà sản xuất chịu đầu tư, ê-kíp Việt Nam đủ khả năng làm tốt những cảnh hành động, như các chuyên gia nước ngoài. Ví như phim Hai Phượng, các diễn viên có thời gian tập luyện ba tháng, sau đó có 10 ngày để “vỡ bài”, thêm một tuần quay thử, rồi mới ghi hình”.
Nhận định của anh Tuấn hoàn toàn có cơ sở, bởi chỉ có sự “chịu chơi” của nhà sản xuất mới có việc sau khi phim đóng máy một thời gian, Ngô Thanh Vân và Thanh Hoa phải trở lại trường quay, thực hiện thêm 17 tiếng, để cho ra phân cảnh hành động đỉnh cao cuối phim Hai Phượng, khiến khán giả phải vỗ tay thán phục.
Thị trường phim Việt lâu nay chỉ một màu hài hước, trong khi khán giả cần những màu sắc khác mà hành động là lựa chọn hợp gu nhất. Thành công của Hai Phượng dự báo sẽ giúp dòng phim này rộng cửa hơn tại thị trường Việt Nam.
Hương Nhu