Phim hành động Việt: Đầu tư lớn nhưng vẫn chưa ăn khách

04/01/2023 - 06:49

PNO - Đầu tư lớn hơn, diễn viên đánh đấm “ra trò” hơn, các phân cảnh hành động đạt được đến độ khó hơn, khâu kiểm duyệt cũng thoáng hơn. Thế nhưng dòng phim hành động Việt vẫn khó có tác phẩm ăn khách.

Xô đổ rào cản

Nhắc đến dòng phim hành động, đa số các nhà làm phim đều ngán ngại vì chi phí sản xuất cao. Thể loại này cũng không được số đông khán giả ưa chuộng bằng hài hoặc kinh dị. Đến nay, dù trở ngại về kinh phí vẫn lớn nhưng điện ảnh Việt đã có khả năng xuất xưởng nhiều bộ phim hành động được đầu tư tốn kém. Sau phim Hai Phượng (2019) - tác phẩm tạo cột mốc cho dòng phim hành động Việt - tiêu tốn 23 tỉ đồng, các phim về sau ngày càng được đầu tư “khủng” hơn. Các phim Lật mặt 5: 48 giờ, Thanh Sói, Sám hối, 578: Phát đạn của kẻ điên lần lượt có mức đầu tư 43, 46, 50 và 60 tỉ đồng.

Thanh Sói dù mạnh về các pha hành động nhưng vẫn không hút khách, cho thấy phim hành động ngày càng khó ăn
Thanh Sói dù mạnh về các pha hành động nhưng vẫn không hút khách, cho thấy phim hành động ngày càng khó ăn

Vượt qua trở ngại về tiền, những nỗi lo trước đây về khả năng đánh đấm của diễn viên hay khâu dàn dựng các cảnh hành động cũng đã được giải quyết. Trước khi bấm máy, các diễn viên đều trải qua khóa huấn luyện với các nhóm cascadeur. Sau thế hệ Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân, màn ảnh Việt có thêm những diễn viên diễn và thể hiện các pha võ thuật đều tốt như Hà Việt Dũng, Võ Thành Tâm, Katleen Phan Võ hay gần đây là Tóc Tiên. 

Các đoàn phim cũng sẵn sàng mời các chuyên gia hành động nước ngoài về, nâng chất hành động trong phim. Các phân cảnh hành động gây ấn tượng hơn về độ phức tạp. Khán giả được chiêu đãi những màn rượt đuổi dồn dập, gay cấn trên mọi địa hình (các con hẻm, ngoài đường phố, giữa đèo, bến cảng, trên sông nước, nhà sàn, xe lửa…) và bằng nhiều phương tiện (xe máy, xe hơi, xuồng máy, ca nô, xe lôi…).

Độ khó của hành động được nâng cao như các pha phóng mô tô từ máy bay xuống đất (Lật mặt 2), chạy xe máy rượt theo ghe (Hai Phượng), xe máy bay lên nóc nhà (Thanh Sói). Nhiều đoàn phim cũng chăm chút khâu bối cảnh để có được những đại cảnh hành động mãn nhãn. Trong 578: Phát đạn của kẻ điên, phân cảnh ẩu đả giữa ruộng đồng xanh mướt, màn rượt đuổi xe cheo leo trên đèo Đá Trắng hay cảnh giáp lá cà ở bến cảng chất chồng container tạo ấn tượng về thị giác. Xem Lật mặt 5: 48 giờ không thể quên cảnh hỗn chiến ở làng Chăm diễn ra trên dãy nhà sàn bị giật sập và có hơn 1.000 diễn viên quần chúng tham gia. 

Phim Lật mặt 5: 48 giờ có nhiều cảnh hành động ấn tượng
Phim Lật mặt 5: 48 giờ có nhiều cảnh hành động ấn tượng

Thách thức lớn từ kịch bản 

Dù sản xuất tốn kém, doanh thu phim hành động Việt hiếm khi tương xứng với số tiền đầu tư. Trong số 10 phim ăn khách nhất điện ảnh Việt, thể loại hành động chỉ góp mặt với 3 phim gồm Hai Phượng và 2 phần phim Lật mặt 4, 5. Danh sách phim thua lỗ, ế ẩm trong 10 năm trở lại đây dài như “sớ”: Võ sinh đại chiến, Sám hối, Lôi báo, Đỉnh mù sương, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu, Liên minh huyền thoại, Truy sát, Găng tay đỏ, Siêu nhân X, Hiệp sĩ mù, Hương Ga… Năm nay 2 “bom tấn” hành động 578: Phát đạn của kẻ điên Thanh Sói đều không thể thành bom tấn ở phòng vé như mong đợi, nối tiếp thêm nỗi đau của dòng phim này. Tính đến nay Thanh Sói chỉ mới thu gần 16 tỉ đồng còn 578: Phát đạn của kẻ điên chỉ thu được 3,5 tỉ đồng.

Thất bại của 2 phim này chủ yếu do khâu kịch bản. Với Thanh Sói, quá trình hắc hóa của nữ phản diện không thuyết phục khán giả về mặt logic. Người xem cũng thấy xa lạ với một bộ phim xây dựng tuyến chính là một nhân vật phản anh hùng. Hành trình cảm động về người cha đi tìm con gái trong 578: Phát đạn của kẻ điên chẳng thể chạm đến trái tim người xem vì cách kể rối rắm, các nhân vật thiếu tính kết nối, lời thoại khó hiểu.

Trailer phim Thanh Sói:

 

Lý do kém ăn khách của phim hành động ngoài chuyện thị hiếu còn là tâm lý người xem. Khán giả Việt có thể dễ chấp nhận xem một bộ phim ngoại mạnh hành động, yếu nội dung nhưng lại rất khắt khe với phim Việt tương tự. Một khi mải chạy theo yếu tố hành động, bỏ quên cốt truyện, phim lập tức trả giá khi ra rạp.

Trình độ thưởng thức của khán giả ngày càng cao khiến họ yêu cầu cao hơn với phim hành động trong nước. Nếu nội dung không có tính bứt phá, phim rất chật vật bán vé. Bằng chứng là Thanh Sói không thua gì Hai Phượng ở khoản hành động nhưng không thể gây ra cơn sốt phòng vé bằng vì những pha đánh đấm trong phim không còn gì mới mẻ với khán giả. Tương tự, mô típ hành trình đi tìm con của nhân vật chính trong Hai Phượng khi bị lặp lại trong 578: Phát đạn của kẻ điên (chỉ khác ở chỗ cha tìm con) chẳng còn gì thú vị với người xem dù phần hành động trong phim cũng khốc liệt không kém Hai Phượng. 

So với trước đây, phim hành động Việt đã có nhiều tiến bộ, nhất là về mặt kỹ thuật nhưng vẫn trầy trật chinh phục công chúng so với thể loại hài hay kinh dị. Sau Dòng máu anh hùngHai Phượng, hầu như không có phim hành động nào được xem là “đỉnh cao” của điện ảnh Việt. Sự cởi mở về khâu kiểm duyệt thời gian gần đây vẫn không thể giúp các nhà làm phim cho ra lò một tác phẩm hành động đủ gây sốt phòng vé. Thể loại này đã khó nay càng gặp nhiều thử thách hơn, nhất là sau thất bại phòng vé của Thanh Sói.

Kịch tính, mãn nhãn là chưa đủ. Trên đường dài, phim hành động Việt còn phải đầu tư mạnh về nội dung mới mong thu hút người xem. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI