Thời gian qua, dòng phim độc lập tuy đã vượt qua cánh cửa hẹp ở khâu “đầu ra” nhờ sự hỗ trợ từ phía các đơn vị phát hành tại Việt Nam, nhưng đến khi công chiếu vẫn phải rất chật vật để tồn tại. Nút thắt của tình trạng này nằm ở đâu, và liệu ai sẽ là người tháo gỡ?
Sống nhờ thương hại
Chỉ một ngày sau khi phim vừa có lịch chiếu ở rạp, đạo diễn phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi Chung Chí Công đã lên tiếng kêu gào cần 150.000 khán giả để “cứu” tác phẩm khỏi nguy cơ bị biến mất khỏi các rạp sau ba ngày chiếu. Trước đó không lâu, một phim khác cũng mang tinh thần độc lập là Thưa mẹ con đi cũng khiến đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh có hành động tương tự để mong khán giả chung tay giúp phim thoát cảnh chết yểu.
|
Phim độc lập Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi trong trẻo, dễ thương, nhưng chừng đó chưa đủ để khán giả phát sốt |
Phim độc lập khó sống ngoài rạp là tình trạng chung ở các nền điện ảnh, nhưng ở Việt Nam, đời sống của dòng phim này lại càng bấp bênh khi không có hệ thống chiếu bóng dành riêng cho phim độc lập như các nước tiên tiến khác. Cả nước hiện có mười hai đơn vị nhập khẩu và phát hành phim trong, ngoài nước. Phần lớn những đơn vị này - nhất là đơn vị có vốn nước ngoài mạnh như CGV, Lotte - cũng sở hữu hệ thống chiếu bóng trên toàn quốc, nên mục đích thương mại được đặt lên hàng đầu. Trong khi phim độc lập thể hiện sự tìm tòi, nhãn quan riêng của đạo diễn, rất khó tiệm cận với gu thưởng thức của số đông.
Anh Xuân Phúc, từng phụ trách truyền thông cho phim độc lập Tháng Năm để dành ra rạp hè qua, cho biết: “Xét về tính cạnh tranh thị trường thì các rạp khó ưu ái cho phim độc lập. Vì họ có nhiều lựa chọn để bán vé tốt hơn nên cứ xếp đại suất chiếu cho xong. Khán giả ra rạp vẫn xem phim bom tấn vì đa phần suất chiếu cho phim độc lập đều nằm vào “giờ chết”, mà như vậy thì truyền miệng, truyền thông tốt đến cỡ nào, phim độc lập cũng không có nhiều khách”.
Lịch chiếu ảnh hưởng đến truyền thông hay ngược lại? Phim độc lập thường là sản phẩm đầu tay của các đạo diễn trẻ, hãng phim mới, kinh phí hạn chế, nên các khâu từ sản xuất đến phát hành khó chuyên nghiệp như những phim thuần giải trí của các hãng tư nhân lớn. Trong khi phim thương mại “dội bom” thông tin từ khi chưa bấm máy, cho đến khi ra rạp, thì phim độc lập thường rất kín tiếng, nhiều lúc sát ngày chiếu, khán giả mới được biết đến.
Trailer phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi:
Bản thân dòng phim này vốn đã là những tác phẩm hướng đến việc tìm tòi những khía cạnh mới trong sáng tạo, những thứ đòi hỏi người xem phải có sự chia sẻ và kiến thức nhất định để đồng cảm, nghĩa là đối tượng khán giả đã rất hẹp, mà người làm phim còn không tích cực đẩy thông tin về phía người xem, nên khó trách sự xếp lịch một cách dè dặt của các rạp.
Việc lịch chiếu Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi hay Thưa mẹ con đi được cải thiện theo hướng có lợi hơn cho bộ phim, sau những lời “năn nỉ khán giả xem giùm” của đạo diễn. Điều này cho thấy yếu tố truyền miệng có thể tác động đến lịch chiếu thế nào.
Chia sẻ về khó khăn của việc truyền thông phim độc lập, đạo diễn Chung Chí Công - người từng sản xuất phim độc lập Nhắm mắt thấy mùa hè nói: “Phim độc lập khó có những yếu tố hấp dẫn bề nổi để gây chú ý khi quảng bá, truyền thông hiền lành quá dễ bị chìm lấp, bởi ngoài rạp hiện nay luôn có cả chục phim cùng lúc để chọn lựa”.
Ai cứu, cứu ai?
Tuy nhiên, lịch chiếu thuận lợi, truyền thông tốt chỉ là bước đệm để khán giả tìm đến phim, còn chất lượng mới là yếu tố quyết định phim tồn tại ở rạp trong bao lâu. Bởi khán giả chỉ quan tâm phim hay, dở, chứ không phân biệt phim độc lập, thương mại, giải trí hay nghệ thuật. Thẳng thắn nhìn nhận thì phim độc lập Việt Nam hiện chỉ dừng ở mức chỉn chu chứ không thể gọi là hay, đặc sắc, bởi hầu hết đều là tác phẩm đầu tay và mang tính tìm tòi thể nghiệm.
|
Phim Thưa mẹ con đi |
Nhìn lại ba phim độc lập phát hành từ đầu năm đến nay có thể thấy điều đó. Tháng Năm để dành trong trẻo nhưng tình tiết đơn điệu, thoại gượng, đậm tính kịch, diễn xuất của hai diễn viên chính thiếu cảm xúc. Thưa mẹ con đi kết cấu phim còn lỏng lẻo, đạo diễn chỉ hướng tới sự nhẹ nhàng, nhiều chỗ có thể đẩy cao trào cảm xúc hoặc xử lý quyết liệt thì làm chưa tới, nên người xem không thấy “đã”. Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi lại đậm chất ngẫu hứng, bỏ qua nhiều tình tiết không được giải quyết đến nơi đến chốn.
Thiếu số lượng, yếu chất lượng là tình trạng chung của phim độc lập Việt Nam. Để giải bài toán này, không chỉ cần nỗ lực tự thân của người làm phim, mà còn thêm sự tiếp sức từ phía Nhà nước, cộng đồng.
Đạo diễn Lương Đình Dũng, đã làm hai phim độc lập Cha cõng con, Thành phố ngủ gật nói: “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ này cũng nên coi là một giai đoạn mới cho sự hội nhập với các nền điện ảnh tiên tiến thế giới, do đó rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ sản xuất, phát hành với số lượng khoảng mười phim mỗi năm. Không phân biệt thành phần, miễn là dự án hay thì đầu tư hỗ trợ. Công việc nào cũng thế, một người trẻ mở công ty kinh doanh cũng nên có chính sách miễn thuế hoặc hỗ trợ họ giai đoạn đầu, lâu dài chúng ta sẽ có một thế hệ các nhà kinh doanh giỏi. Làm phim cũng vậy”.
Phim độc lập là dòng chảy không thể thiếu trong bất kỳ nền điện ảnh nào, và những tiếng nói mới mẻ, độc đáo của dòng phim này chính là “kho báu” để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, “kho báu” này gần như bị bỏ rơi. Để mỗi khi phải lựa chọn một đại diện thi thố ở sân chơi tầm cỡ, thì Nhà nước luôn phải vin vào những sản phẩm nặng tính thương mại, và kết quả luôn là rớt từ vòng loại vì chẳng có nét riêng. Cứu nhà làm phim độc lập, nói cách khác cũng chính là cứu bộ mặt của điện ảnh Việt, bởi một nền điện ảnh chỉ rặt những bộ phim được nhào nặn theo công thức chiều gu khán giả là một nền điện ảnh không thể tiến xa.
Hương Nhu