Phim độc lập: Đường dài còn lắm gian nan

10/05/2022 - 18:32

PNO - Sau "Ròm", điện ảnh Việt lại có thêm một tác phẩm độc lập gây tiếng vang là "Đêm tối rực rỡ". Thành công mới nhất này cho thấy phim độc lập vẫn có thể “sống” được ở quê nhà, nhưng để sống khỏe, đi được đường dài không dễ.

Mới lạ nhưng phải gần gũi

Sau bốn tuần công chiếu, bộ phim Đêm tối rực rỡ đã thu về 25 tỷ đồng - một con số rất ý nghĩa đối với một tác phẩm độc lập. Càng ý nghĩa hơn khi bộ phim có cú lội ngược dòng ở phòng vé mới chạm đến cột mốc doanh thu đó. Điều này chứng tỏ chất lượng phim là yếu tố quyết định sự ăn khách.

Sức hút của Đêm tối rực rỡ nằm ở sự độc đáo, khác biệt - đặc trưng của phim độc lập. Phim khai thác chủ đề văn hóa ma chay mà trước giờ chưa có nhà làm phim nào làm, và thông qua đó nói lên những vấn đề như nạn bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em, bệnh trầm cảm, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Những tình trạng nhức nhối trên không phải chưa từng được đưa lên màn ảnh, nhưng để chạm vào cảm xúc người xem, chỉ Đêm tối rực rỡ mới làm được.

Thành công thương mại của phim Đêm tối rực rỡ chứng tỏ phim độc lập sống được ở quê nhà, nhưng để đi đường dài vẫn rất gian nan
Thành công thương mại của phim Đêm tối rực rỡ chứng tỏ phim độc lập sống được ở quê nhà, nhưng để đi đường dài vẫn rất gian nan

Sở dĩ phim làm được điều này là vì câu chuyện đậm chất đời. Mọi thứ được nhìn thấy trên màn ảnh, từ cách bài trí, nghi lễ cúng bái, văn hóa đám tang của người miền Nam, cho đến tình huống nhân vật gặp phải, tâm lý hành động của họ đều rất thực.

Phim độc lập không thiếu những tác phẩm độc đáo, khác biệt, nhưng làm sao để vừa mới lạ mà vẫn gần gũi, thuyết phục người xem rất khó. Điển hình như Ròm, phim độc lập có doanh thu cao nhất lịch sử (55 tỷ đồng), khi chiếu lại gây ra hai luồng khen chê trái chiều, vì đề tài gần gũi nhưng cách phản ánh bị làm quá lên, một số chi tiết người xem cảm thấy xa lạ khó đồng cảm. Hay phim Vợ ba có nhiều chi tiết không chính xác về phong tục tập quán, xã hội Việt Nam. 

Cần dấu ấn cá nhân, nhưng góc nhìn riêng đó phải tiệm cận với đại chúng, nói cách khác phải vừa lạ vừa quen, là yêu cầu khá khó dành cho phim độc lập. Rào cản này cũng từng khiến một số phim độc lập như Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, Sài Gòn trong cơn mưa dù được làm tử tế, chỉn chu nhưng vẫn không sống nổi ở rạp. Kịch bản là thứ duy nhất để phim níu chân người xem chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật - thứ mà một số nhà làm phim độc lập cũng hay dùng để tạo nét độc, lạ. Một khi kịch bản có lỗ hổng thì mọi nỗ lực dùng kỹ thuật để khỏa lấp đều không hiệu quả, bởi không phải khán giả nào cũng rành chuyên môn để nhận ra dụng ý trong góc máy, khung hình, âm thanh, ánh sáng…

Trailer Đêm tối rực rỡ: 

 

Chông gai vẫn ở phía trước 

Phim độc lập bắt đầu nhen nhúm được đường sống ở Việt Nam, nhưng hành trình ra đời một phim độc lập chưa bao giờ hết gian nan. Hiện nay, hầu hết các bộ phim độc lập đều có chung phương thức thực hiện, đó là tác giả gửi dự án đến các liên hoan phim, chợ dự án để tìm nhà đầu tư, hoặc xin tiền từ các quỹ hỗ trợ làm phim. Sau khi phim hoàn thành, đưa đi tham dự các liên hoan phim quốc tế và mới trở về phát hành tại quê nhà.

Vì là phim độc lập nên nhà làm phim phải tự thân vận động, trong đó vất vả nhất là khâu xin tiền làm phim. Vài năm gần đây, dòng phim độc lập Việt Nam đi ra thế giới ngày càng nhiều, tạo được sự chú ý nhất định với khán giả quốc tế qua nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cơ hội cho các nhà làm phim Việt xin tài trợ thuận lợi hơn. 

Đạo diễn trẻ nổi tiếng với dòng phim độc lập Lê Bình Giang cho biết: “Không phải từng có phim hay thì xin tiền của các quỹ dễ hơn, vì nhiều nhà làm phim khác cũng có phim hay. Đối với những người làm phim độc lập, thì việc làm tác phẩm tiếp theo cũng là bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Hiện nay, với các quỹ điện ảnh trên thế giới, Việt Nam không còn nằm trong diện ưu tiên như trước nữa, vì còn nhiều nền điện ảnh nghèo hơn. Tiền xin được từ một quỹ nhiều lắm chỉ 50.000 euro. Xin ba, bốn quỹ mới được vài tỷ đồng, mà để có một bộ phim đầy đủ “tầm” về mặt thị giác để đem ra quốc tế, tối thiểu phải cần 5 triệu USD. Theo tôi, giờ Việt Nam phải tự lực, không thể trông chờ vào quỹ thế giới nữa”. 

Vào đời, bộ phim thực hiện từ nguồn tài trợ trong nước
Vào đời, bộ phim thực hiện từ nguồn tài trợ trong nước

Trông chờ vào những nguồn tài trợ từ trong nước, cụ thể là các tập đoàn tư nhân lớn như cách mà nhà làm phim Síu Phạm thực hiện với bộ phim Vào đời (T&T Group tài trợ), là hướng đi khả thi hơn cả trong lúc quỹ điện ảnh vẫn còn trên giấy. Dựa vào nguồn tiền trong nước cũng có thể giúp dòng phim này khắc phục hạn chế tình trạng quốc tế khen, trong nước chê, bởi lâu nay vì xin tiền nước ngoài nên nhiều phim chạy theo gu ngoại, ưa những câu chuyện tối tăm, gai góc đến mức có phần khiên cưỡng, rời xa thực tế.

Theo đạo diễn Lê Bình Giang, với những tập đoàn lớn, số tiền chục tỷ đồng đầu tư không phải là con số đáng kể, quan trọng là làm sao các nhà làm phim kết nối được với họ. Anh chia sẻ: “Phim Việt hiện nay chỉ đang đầu tư ngắn hạn, bỏ 10 tỷ làm phim chỉ nghĩ đến việc lời 10 tỷ. Để có được một phim Ký sinh trùng đoạt giải Oscar, Hàn Quốc mất 20 năm đầu tư cho đạo diễn Bong Joon Ho. Các phim của ông làm ra đều lỗ, nhưng họ vẫn đầu tư vì biết có lúc sẽ gặt hái thành công. Thành công đó là thương hiệu. Đã đến lúc điện ảnh Việt Nam cần phải nghĩ đến đầu tư dài hạn, đầu tư cho thương hiệu, có vậy mới đi xa. Nhà đầu tư phải nghĩ đến đầu tư cho con người, chứ không phải đầu tư cho một bộ phim”. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI