Phim độc lập- Dòng chảy ngầm cô đơn

26/10/2018 - 18:52

PNO - Cộng đồng phim độc lập ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới, có tư duy điện ảnh rành mạch và 'lì lợm' với nghề . Tuy nhiên,đường dài ra sao để các tài năng điện ảnh làm được phim dài vẫn là câu hỏi lớn.

Phim độc lập: Tiếng nói của thế hệ mới

Trong dòng chảy ngầm của phim độc lập, một thế hệ mới đã và đang trưởng thành. Họ là những đạo diễn trẻ bước ra từ liên hoan phim ngắn Yxineff, đến với Gặp gỡ mùa thu - khóa học phi lợi nhuận dành cho các nhà làm phim độc lập do đạo diễn Phan Đăng Di tổ chức. Họ có những tác phẩm, có thể là phim ngắn, có thể là phim dài góp mặt tại các liên hoan phim quốc tế uy tín. Họ không ai khác, là tương lai của điện ảnh Việt.

Sau những cái tên quen thuộc tại các liên hoan phim quốc tế như Nguyễn Vinh Sơn, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… cộng đồng phim độc lập ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới, có tư duy điện ảnh rành mạch và “lì lợm” với nghề.

Phim doc lap- Dong chay ngam co don
Một khu đất tốt - dự án phim ngắn của Phạm Ngọc Lân lọt vào top 5 Dự án phim ngắn CJ 2018

Không chỉ làm phim cho mình, các đạo diễn, người quay, dựng phim, tổ chức sản xuất trẻ còn liên kết với nhau, tạo thành một cộng đồng sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần. Họ làm những công việc khác nhau để nuôi thân, chăm sóc gia đình và nuôi… tình yêu phim ảnh.

Những tiếng nói mới

Một trong những dự án độc lập gây được tiếng vang thời gian gần đây là Người vợ ba của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh, do Trần Thị Bích Ngọc sản xuất. Dài 96 phút, Người vợ ba kể về Mây - cô gái 14 tuổi chấp nhận về làm vợ lẽ cho ông chủ đất giàu có trong một cuộc hôn nhân sắp xếp. Tham dự liên hoan phim Toronto, Canada và San Sebastián lần 66, Người vợ ba gặt hái được nhiều giải thưởng cũng như lời khen của giới phê bình quốc tế như: Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC - mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á tài trợ, dành cho những bộ phim ra mắt thế giới tại Toronto, hạng mục TVE - Another Look - tôn vinh các bộ phim liên quan đến giới nữ, có nghệ sĩ nữ viết kịch bản, đạo diễn hay đóng chính.

Trong nước, tại cuộc thi Dự án phim ngắn CJ 2018 do CJ CGV tổ chức, xuất hiện hai gương mặt cực kỳ quen thuộc với cộng đồng phim độc lập: Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân. Thiên Ân sinh năm 1989, tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Hoa Sen và từng giành chiến thắng tại cuộc thi 48 Hours - liên hoan phim ngắn dành cho người trẻ ở TP.HCM năm 2014.

Phim doc lap- Dong chay ngam co don
Phim Another city

Một năm sau, Ân đến Houston (Texas, Hoa Kỳ) tiếp tục làm phim tự do. Phim ngắn dài 15 phút của Ân với tên gọi The Mute (tựa Việt: Câm lặng) đã được chọn trình chiếu tại liên hoan phim Palm Spring và lọt vào Short list của Cannes 2018The Mute xoay quanh chuyện hôn nhân đồng giới - đề tài không xa lạ trên màn ảnh, nhưng vẫn chưa được thừa nhận một cách nghiêm túc tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bộ phim chỉ ra sự xung đột ý thức hệ, giữa đức tin và vai trò quyết định tối thượng của cha mẹ mà tình yêu đó dần bóp nghẹt tâm hồn, quyền được sống thật của con cái.

Cùng với Vị của Lê Bảo, Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân vinh dự lọt vào top 14 dự án tham dự giải L’Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation, hạng mục giới thiệu các dự án phim mới từ khắp nơi trên thế giới tại Cannes 2017 để gặp gỡ các nhà làm phim và đầu tư uy tín. Các dự án được chọn sẽ có nhiều cơ hội có nguồn tài chính tốt cũng như cơ hội xuất hiện tại các liên hoan phim uy tín thế giới khi hoàn thành. Từ khi thành lập vào năm 2005, giải thưởng này đã chọn 186 dự án. Đến nay, có 145 dự án đã hoàn thành và 14 dự án đang ở giai đoạn tiền kỳ. Trước đây, Việt Nam mới chỉ có một đại diện có mặt ở hạng mục này là dự án Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di.

Vị kể về Bassley - cầu thủ bóng đá người Nigeria bị chấn thương, vất vả mưu sinh giữa Sài Gòn và vướng trong mối quan hệ rời rạc với những người phụ nữ Việt Nam. Culi không bao giờ khóc là câu chuyện về người vợ Việt lặn lội sang châu Âu, đưa xác chồng là nhân viên bảo vệ của một vườn thú về nước. Vườn thú rơi vào cảnh phá sản, chỉ còn một con culi. Tương tự như Ân, Bảo và Lân đều là hai tay ngang, đam mê phim ảnh rồi rẽ vào, mày mò, học hỏi, trưởng thành từ những cuộc thi phim ngắn trong nước. Nếu như trước Vị, Bảo có Cục than, Mùi (giải Trái tim vàng, YxineFF 2014, phim truyện hay nhất, hạng mục quốc tế) thì Lân có Chuyện của mọi nhà, Another City.

Trần Dũng Thanh Huy, từng gây dấu ấn tại liên hoan phim YxineFF với dự án 16:30 (đoạt 4 giải và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của Cannes 2013), đang chạy nước rút với dự án phim dài Thằng Ròm sau nhiều năm không tìm được lối ra. Lê Bình Giang đã tổ chức được 2 buổi chiếu lẻ dành cho những khán giả trong nước quan tâm đến Kfc - bộ phim dài đầu tay của anh sau khi đem phim chinh chiến qua nhiều nước.

Trailer Another city: 

 

“Các bạn quan tâm đến phong cách làm phim, đổi mới ngôn ngữ… Phim có dấu ấn cá nhân rõ nét. Đó là điều những nghệ sĩ trước đây không có cơ hội quan tâm, vì thời điểm đó, điện ảnh thuộc về Nhà nước - phim không dựa trên sáng tạo cá nhân mà dựa trên đề tài, phải chuyên chở một thông điệp nào đó. Tất nhiên, cũng có vài cá nhân tài năng có cơ hội làm phim thường xuyên và tạo ra những lối làm phim mang dấu ấn riêng như đạo diễn Đặng Nhật Minh. Nhưng không có ai đặt vấn đề đổi mới ngôn ngữ điện ảnh, hình tượng nghệ thuật, cách tiếp cận vấn đề, phong cách làm phim… trong khi đó đều là những thứ rất quan trọng trong nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng” - đạo diễn Phan Đăng Di nhận định.

Cô đơn trên sân nhà

Khi YxineFF ngừng lại là lúc các đạo diễn bước ra từ đó trưởng thành. Một thế hệ làm phim trẻ khác tiếp tục lớn lên từ những liên hoan phim ngắn khác như cuộc thi do HTV tổ chức, 48 Hours, FY Film Fest… Những tổ chức phi lợi nhuận như Xinê House, Okia Cinema, Café thứ Bảy… trở thành điểm hẹn của người trẻ yêu điện ảnh. Cánh cửa đến các quỹ hỗ trợ điện ảnh cũng rộng mở hơn. Tuy nhiên, nói như đạo diễn Phan Đăng Di, thời đại mang đến cơ hội lẫn thách thức. Khi thế giới ngày một nhanh và phẳng, điện ảnh cũng mất dần sự háo hức, trở nên đơn giản hơn. Nhu cầu xem một tác phẩm điện ảnh có ngôn ngữ mới, phong cách mới, đòi hỏi sự kiên trì không còn được chú trọng. Cơ hội để các nhà làm phim độc lập tìm được nguồn đầu tư từ các quỹ điện ảnh khó hơn rất nhiều.

Phim doc lap- Dong chay ngam co don
Hậu trường phim ngắn Một khu đất tốt

Đạo diễn Phan Đăng Di:

“Ngày nay, khán giả có quá nhiều thứ để giải trí. Nhu cầu xem một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật cần sự kiên nhẫn, chấp nhận suy tư ít dần. Khi Việt Nam bắt đầu có thế hệ quan tâm đến nghệ thuật thì cũng là lúc nghệ thuật dần bị xem nhẹ và vì thế, rất khó tìm được nguồn vốn hỗ trợ như trước. Nếu có bỏ tiền, họ cũng sẽ tìm những tên tuổi lớn thay vì những người làm phim đầu tay. Thế hệ của Lân, của Bảo và những bạn trẻ sau này phải đối mặt với sự thực dụng của thế giới mà không tránh được”.

Ngay trên sân nhà, đáng buồn là những tài năng này gần như bị bỏ rơi và phải tự thân vận động. Những nguồn lực hỗ trợ các dự án phim ngắn đều của các đơn vị tư nhân, chỉ đóng vai trò ươm mầm, tạo cơ hội mở đường. Còn đi đường dài ra sao để các tài năng điện ảnh làm được phim dài vẫn là câu hỏi lớn.

Cách đây hơn 10 năm, Nhà nước đã thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh, nhưng đến nay, quỹ vẫn giậm chân tại chỗ vì… vướng thủ tục. So với những quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Trung Quốc… chỉ cần một đạo diễn trẻ có dự án tiềm năng góp mặt đến các liên hoan phim uy tín, lập tức sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.

“Thời điểm rất quan trọng. Nếu không hỗ trợ kịp thời, những tài năng ấy sẽ thui chột hoặc mất đi hứng khởi trước quá nhiều khó khăn. Ai biết được 2 hoặc 3 năm nữa, gánh nặng kinh tế, những mối bận tâm từ gia đình sẽ kéo những tài năng đó đi đâu” - đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh. Đạo diễn Lê Bình Giang cùng quan điểm: “Ở các nước, một đạo diễn có kịch bản độc lập thì sẽ có nhà sản xuất nhảy vào giúp ngay. Tại Việt Nam, số lượng đạo diễn ngày một nhiều, nhưng các nhà sản xuất phim độc lập gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà dự án, nếu không có nhà sản xuất, sẽ chững lại rất lâu”.

Từ góc nhìn của người từng sản xuất khá nhiều dự án của các đạo diễn trẻ, Phan Đăng Di cho rằng, mỗi dòng phim sẽ có cách đầu tư, sản xuất khác nhau. Việt Nam hầu như chưa ai có kinh nghiệm sản xuất chuyên nghiệp, vì cơ hội đến với thế giới rất ít.

Phim doc lap- Dong chay ngam co don
Đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy trên phim trường thực hiện phim dài đầu tay - Thằng Ròm - phát triển từ phim ngắn 16:30

Do đó, cứ phải học từ đầu rồi làm và vừa làm vừa học: “Ai cũng phải vật lộn để sống. Nếu là phim thương mại trong nước, mọi thứ nhẹ hơn nhiều. Còn tập trung cho một dự án nghệ thuật rất mất thời gian. Nó đòi hỏi người làm sản xuất phải hiểu cặn kẽ về hệ thống phim quốc tế, đường đến với các quỹ điện ảnh, phải xây dựng mối quan hệ, phải nhanh trí và tỉ mẩn, thậm chí đôi khi còn cần cả sự hy sinh”.

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI