Nghị định 24/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Phim điện ảnh, truyền hình: tuân thủ trong hoang mang

28/02/2020 - 15:11

PNO - Nghị định mới không chỉ làm các đạo diễn, nhà sản xuất gặp khó khăn trong quá trình sáng tạo, mà còn chất thêm cho họ gánh nặng kiểm duyệt lâu nay vốn đã nhiêu khê

Hơn nửa năm sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành, công cuộc đẩy lùi tác hại của rượu, bia trong cuộc sống vừa tiến thêm một bước nữa với sự ra đời của Nghị định số 24/2020/NĐ-CP. Lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, truyền hình cũng chịu tác động của nghị định mới này với quy định: hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm nằm ở điều 4, chương II. 

Theo đó, những người làm nghệ thuật không được đưa hình ảnh rượu bia vào các tác phẩm dành cho người dưới 18 tuổi trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này; không được để hình ảnh diễn viên uống rượu, bia xuất hiện tại cơ sở y tế, giáo dục, nơi cai nghiện, trung tâm bảo trợ xã hội, nơi làm việc cơ quan nhà nước và các điểm công cộng như công viên, nhà chờ xe buýt, rạp chiếu phim, nhà hát; không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Đáng chú ý là quy định sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia cho mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia.

Ngoài các trường hợp quy định tại điểm c khoản này ra, các cảnh rượu bia khác phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thông qua quá trình thẩm định, cấp phép, phê duyệt tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình theo quy định của pháp luật và bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Cảnh quay ở quán bar xuất hiện thường xuyên trong phim truyền hình
Cảnh quay ở quán bar xuất hiện thường xuyên trong phim truyền hình

Vậy là sau quy định hạn chế cảnh hút thuốc trên màn ảnh, sân khấu, những người làm nghệ thuật lại có thêm điều cần lưu ý trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Bất cứ quy định nào khi đi vào cuộc sống cũng đều gây ra tranh cãi lúc ban đầu.

Chuyện hạn chế hình ảnh rượu bia trong các tác phẩm nghệ thuật bao gồm lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, truyền hình cũng không ngoại lệ. Nhưng không như chủ trương hạn chế hút thuốc vốn nhanh chóng được các nhà làm phim tuân thủ triệt để, vì hình ảnh điếu thuốc chỉ gắn với cá tính nhân vật cụ thể, hình ảnh rượu bia ảnh hưởng phổ quát hơn đến bối cảnh, câu chuyện, nhân vật trong phim.

Biên kịch gặp khó

Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương hiện đang nhận dự án Việt hóa phim Trái tim trong sáng (từ kịch bản Hàn Quốc, Hãng phim M&T Pictures mua bản quyền và sản xuất). Trong phiên bản gốc, có nhiều cảnh nhân vật vì say nên nảy sinh nhiều vấn đề.

“Có một phân cảnh nữ chính chưa từng biết uống rượu trước đó, nhưng trong một lần quá buồn bã tuyệt vọng, cô đã uống say và được nam chính cõng về. Một phân cảnh thật ngôn tình và cảm động, khắc họa hình ảnh, cảm xúc đắt giá của nhân vật. Giờ tôi chưa biết sẽ thay đổi nó thế nào. Cho uống rượu vang thì chắc chắn là không rồi. Hay cho cô ấy say vì uống một loại nước… lên men nào đó?” - biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương băn khoăn.

Hình ảnh thường thấy trong phim Hàn Quốc là các nhân vật nam nữ thất tình hay buồn bã đều đi uống rượu. Bắt chước “văn hóa uống rượu” của xứ sở kim chi trên màn ảnh Việt là điều không nên khích lệ. Nhưng cũng có những đề tài, nhân vật cần thiết phải khắc họa bối cảnh như trong quán bar, hầm rượu, nhà hàng, karaoke… khiến nhiều biên kịch, nhà làm phim hoang mang chưa biết xử lý thế nào. 

“Khi có quy định cấm hút thuốc trên phim ảnh, nếu để ý bạn sẽ thấy có những nhân vật được biên kịch cho… ngậm cọng cỏ để suy tư. Nhưng không cho nhân vật hút thuốc thì dễ dàng hơn cấm họ uống bia, rượu mỗi khi cần phản ánh đời thực và tính cách nhân vật. Tôi đọc rất kỹ nội dung nghị định và thấy quả thật biên kịch gặp khó rồi. Không lẽ chuyển hết các cảnh bia rượu sang quán cà phê; hay cho nhân vật giang hồ, tội phạm ở bãi vàng, các doanh nhân làm việc trong nhà hàng mà ngồi uống nước lọc với nhau?” - biên kịch Trần Thị Bảo Châu tư lự.

Bà có kịch bản Từ biệt những đêm hoang đang chuẩn bị khởi quay, trong đó có một vài cảnh liên quan đến bia rượu, nhưng vẫn chưa biết chỉnh sửa thế nào cho phù hợp. 

Quy định mới hạn chế những cảnh bia rượu như thế này trên phim
Quy định mới hạn chế những cảnh bia rượu như thế này trên phim

Ngay sau khi thông tin Nghị định 24 được phổ biến, một nhóm những người làm nghề đã bàn luận xôn xao. Có ý kiến cho rằng các nhà làm phim sẽ tìm cách “lách luật” bằng việc không quay cảnh uống rượu, nhưng sẽ quay cảnh… nhân vật say.

“Hình ảnh nhân vật khật khà khật khưỡng hay ói mửa trên đường nhiều khi còn xấu xí hơn cả việc nhân vật ngồi uống rượu và trò chuyện cùng nhau” -  một bình luận. “Không phải tự nhiên mà chúng tôi viết kịch bản có cảnh các nhân vật uống rượu bia hay say xỉn, tất cả đều có ý đồ kết nối các tình tiết, diễn biến câu chuyện.

Có những phân cảnh thật khó thay đổi nếu liên quan đến công việc, lối sống của các nhân vật, nhân viên tiếp thị hoặc cảnh giới trẻ trong quán bar chẳng hạn” - một biên kịch phân trần. 

“Nghị định ban hành chắc chắn hạn chế một phần sáng tạo của biên kịch trong việc khắc họa chân dung những nhân vật giang hồ hay những ông trùm. Nếu phim có hình ảnh sòng bài, phản ánh những góc cạnh đen tối của xã hội mà thiếu cảnh uống rượu bia sẽ thấy rất giả tạo” - đạo diễn Nhâm Minh Hiền nhìn nhận. 

Đạo diễn Trần Ngọc Phong tâm tư trước quy định mới vì sắp làm phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm Cơn giông của nhà văn Lê Văn Thảo, nói về đời sống Nam bộ thập niên 1980 với kịch bản có cảnh các ông già ngồi khề khà “đối ẩm” trên ghe: “Nhậu rượu đế cũng là đặc trưng văn hóa Nam bộ, đâu thể nào không có cảnh uống rượu được. Nhưng ngay với những phim thời hiện đại, cảnh đám cưới hoặc gặp gỡ tiệc tùng không lẽ chỉ uống nước suối, rất khiên cưỡng và xa rời thực tế. Lâu nay với những cảnh xuất hiện bia rượu, các nhà sản xuất, đạo diễn trong nước đều đã ý thức che chắn nhãn hiệu, thương hiệu trên sản phẩm để không mang tiếng quảng cáo rượu bia”.

Khai thác cẩn trọng, có trách nhiệm 

Bộ phim Vua bánh mì phiên bản Việt đang quay của đạo diễn Nguyễn Phương Điền cũng có một số phân cảnh nhân vật uống rượu. Anh cho biết: “Chúng tôi đã quay xong rồi, nhưng nghị định đã ban hành nên khi dựng phim, tôi sẽ hạn chế tối đa, hoặc sẽ cắt bỏ luôn những cảnh quay này. Cũng có hụt cảm xúc một chút, nhưng phải tuân thủ thôi”.

Trong bộ phim Lời nguyền lúc 0 giờ (đang phát sóng lúc 20g trên kênh THVL1, đạo diễn Quách Khoa Nam) có nhân vật Kơ Mên (do diễn viên Linh Tý đảm nhận) sáng say chiều xỉn. Tuy nhiên, sau gần mười tập, chỉ một hai phân cảnh là nhân vật có “cầm ly uống rượu”, còn lại được diễn tả qua lời nói, thái độ, dáng đi đứng… của nhân vật. Đây cũng là một cách xử lý khéo léo của đạo diễn.

Lâm Vinsay trong một buổi tiệc, phim Lời nguyền gia tộc.
Lâm Vinsay trong một buổi tiệc, phim Lời nguyền gia tộc.

“Cũng không hẳn là hạn chế sáng tạo, mà là người đạo diễn phải biết sáng tạo theo cách nào, xử lý cảnh quay ra sao. Tôi ví dụ, muốn thể hiện cảnh người chồng say, thay vì quay anh ta uống rượu trong quán bar, thì đổi lại bằng cách cho người vợ gọi điện và anh ta về nhà với khuôn mặt đỏ gay. Nghị định cũng có nói rõ, nếu đặt để đúng chỗ vẫn có thể cho nhân vật uống rượu, bia được. Chỉ có điều, không quay cận cảnh hoặc phải vô cùng tiết chế thời lượng của những phân cảnh ấy” - đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói thêm.

Có nhiều bình luận, phản ứng của một số người làm nghề trên mạng dễ hướng người đọc cho rằng Nghị định 24 cấm hình ảnh diễn viên uống bia, rượu trên phim. Chính xác là “hạn chế uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình”.

Với những quy định cụ thể, có cho phép sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật “trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia”.

Điều gây hoang mang là giới hạn cho phép đến đâu? Trong phạm vi phim truyền hình và điện ảnh lâu nay, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đã tự ý thức được việc tiết chế những hình ảnh không hay này. Nói như đạo diễn Phương Điền thì đối tượng của phim truyền hình rất đa dạng, có cả trẻ con nên hầu hết các phim của anh đều vô cùng tiết chế những cảnh bia rượu, bạo lực. Ngay cả phim Con gái bố già, với đề tài hình sự, tội phạm, xã hội đen thì cũng rất hạn chế cảnh rượu, bia, bắn giết… 

Biên kịch Trần Khánh Hoàng nêu quan điểm: “Ly bia, chén rượu trong hoàn cảnh cụ thể là khởi nguồn hoặc giúp câu chuyện có chiều sâu, sống động, chân thật hơn, và có khi phải cho nhân vật say thì mới đẩy kịch tính câu chuyện lên được, nên nếu áp dụng cứng nhắc theo quy định cũng khó cho người làm phim. Từ “hạn chế” nên được hiểu theo hướng nhắc nhở đừng lạm dụng thái quá, và nên có hướng dẫn cụ thể hơn như ra quy định thời lượng cảnh uống rượu bia chẳng hạn, để người làm phim có mốc mà soi chiếu”. 

Nhìn một cách tổng thể, Nghị định 24 mang ý nghĩa tích cực, hạn chế rượu bia trên phim ảnh cũng là điều nên làm. Nhưng theo tinh thần chung của người làm nghề, vẫn cần có thời gian để làm quen, thích nghi, hiểu và áp dụng đúng theo những quy định đã được ban hành.

“Theo tôi cần phải làm rõ thêm nội dung nghị định, về việc quy định chi tiết thế nào là hạn chế, từ khung hình, bố cục đến liều lượng cho phép; chọn lọc một số nhân vật điển hình từ đời thực vẫn thường dùng rượu, bia để giải quyết những mối quan hệ để cho phép được khai thác trên phim truyền hình.

Nên có công văn hướng dẫn rõ ràng, cụ thể riêng cho phim điện ảnh và phim truyền hình. Chúng ta không cổ xúy cho việc uống rượu bia trên màn ảnh, nhưng nhà làm phim cũng thật sự cần những phân cảnh như vậy để lột tả nội tâm, cảm xúc cần thiết cho nhân vật” - đạo diễn Nhâm Minh Hiền nêu ý kiến.

Nghị định 24/2020/NĐ-CP là một phần trong chương trình phòng chống tác hại bia rượu của quốc gia do chính phủ đề xướng, là một hành động trong chuỗi nỗ lực kéo giảm tác động tiêu cực của rượu bia trong đời sống nên rất cần sự chung tay phối hợp của các ban ngành liên quan, trong đó có cả ngành công nghiệp phim ảnh.

Cần phải thừa nhận sự ra đời của Nghị định 24/2020/ NĐ-CP là cần thiết, bởi phim ảnh ở chừng mực nào đó cũng tạo ra tác động xã hội. Nhưng một khi quy định đề ra lại gây khó cho những người thực hiện vì chưa có sự minh bạch, chi tiết thì tự khắc sẽ làm giảm đi giá trị, mục tiêu tốt đẹp của quy định đó.

Nghị định mới không chỉ làm các đạo diễn, nhà sản xuất gặp khó khăn trong quá trình sáng tạo, mà còn chất thêm cho họ gánh nặng kiểm duyệt lâu nay vốn đã nhiêu khê do những điều luật cấm còn nhiều yếu tố mơ hồ định tính. 

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Hãng phim TFS:
Tôi nghĩ chúng ta không nên hiểu nghị định này một cách máy móc. Trước đây phim ảnh có nhiều cảnh quay nhân vật uống rượu bia tràn lan, tùy hứng, nhiều khi cũng chẳng vì lý do hay mục đích phục vụ cho chuyện phim. Nay có nghị định thì mình phải tự biết cẩn trọng, có trách nhiệm hơn khi đưa những hình ảnh này lên phim.
Ở TFS, chúng tôi có một Hội đồng nghệ thuật duyệt và thẩm định phim. Từ lâu, chúng tôi đã “soi” rất kỹ vấn đề này và hết sức cân nhắc, không chỉ là chuyện hút thuốc, bia rượu mà cả những cảnh nhạy cảm có yếu tố tình dục khi lên phim. 
Đứng ở góc độ nghệ thuật, có nhiều cách để thể hiện. Nếu cái này bị hạn chế ta phải sáng tạo ra cái khác. Đâu phải nhân vật giết người là ta cứ phải quay cận cảnh cầm dao đâm chém, máu me bê bết trước khung hình? Trong nghị định cũng có nêu rất cụ thể, nhà làm phim được khai thác chuyện uống bia rượu đến đâu, trong trường hợp nào rồi.
 
Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương:
Thành phố đang định hướng xây dựng phim ảnh trở thành nền công nghiệp văn hóa, lực lượng văn nghệ sĩ, những người làm nghề chúng tôi đang rất háo hức, cảm thấy được kích thích sáng tạo, sẵn sàng hun đúc nhào nặn nên những tác phẩm có chất lượng.
Nhưng chưa kịp mừng thì Nghị định 24 ra đời khiến những người đang làm nghề như thể bị kẹp tay kẹp chân sáng tạo. Theo tôi, nếu tuân thủ theo nghị định thì kịch bản có thể trở nên rất khiên cưỡng, nếu tránh né quá thì nhiều tình tiết có thể trở nên phi thực tế.

 

Lục Diệp - Nguyễn Ngọc

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phan Thị Hoàng Anh 01-03-2020 10:18:06

    Nghị định 24 ra đời là cần thiết, tôi tán thành! Phim ảnh VN rất nhiều cảnh quay tùy tiện về việc phản ảnh mặt trái xã hội, nên chăng ngày càng chắt lọc hơn...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI