Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối: Kỳ công công đoạn quay phim

18/04/2025 - 09:28

PNO - Làm việc 14-15 tiếng/ngày trong không gian chật hẹp chỉ có thể ngồi xổm, có lúc phải treo mình ngược trên dây, vác chiếc máy quay nặng gần 20kg… là những ấn tượng nhớ đời của 2 tay máy Quan Lâm Ngọc Duy và Trần Đăng Thái với phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.

Đến nay, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã thu hơn 130 tỉ đồng. Trong thành công của phim, khán giả dành nhiều sự quan tâm đến đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng dàn diễn viên và đặc biệt nể phục trước quá trình đóng phim nhiều gian khổ vì phải ghi hình trong bối cảnh hầm tối chật hẹp.

Tuy nhiên, như chia sẻ của nam chính Thái Hòa (vai Bảy Theo), quay phim mới là những người cực nhất vì vừa vác máy móc nặng vừa phải đi lùi trong đường hầm địa đạo. Còn theo đạo diễn hình ảnh của phim - Nguyễn K’linh - quá trình quay phim tốn thời gian gấp 6 lần so với những phim điện ảnh khác vì không gian hạn chế khiến mọi công đoạn đều bị kéo dài. Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với 2 quay phim Quan Lâm Ngọc Duy và Trần Đăng Thái về trải nghiệm đáng nhớ này.

Quan Lâm Ngọc Duy (trái) và  Trần Đăng Thái (phải) - 2 tay máy làm nên những thước phim đẹp của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - Ảnh do nhân vật cung cấp
Quan Lâm Ngọc Duy (trái) và Trần Đăng Thái (phải) - 2 tay máy làm nên những thước phim đẹp của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - Ảnh do nhân vật cung cấp

Quay phim phải tự xoay xở mọi thứ

Phóng viên: Các diễn viên kể khá nhiều với công chúng về quá trình tập luyện thể lực, chuẩn bị trước khi phim bấm máy. Còn với người quay phim, quá trình đó diễn ra như thế nào?

Quan Lâm Ngọc Duy: Tôi làm nghề 12 năm và quay hơn 20 phim điện ảnh nhưng đây là lần đầu tiên quay phim đề tài chiến tranh và lần đầu tiên quay trong không gian hẹp. Trước khi quay, tôi cùng các diễn viên ra phim trường tập đi trong địa đạo dài 250m suốt 1 tháng. Tập từ 9g sáng đến 3 - 4g chiều. Diễn viên đi 2 vòng, quay phim đi gấp đôi, tập cả việc đi lùi. Tôi còn có 3 ngày tập cầm máy trong tư thế treo ngược trên dây. Về nhà, tôi tập thêm ngồi xổm để có thể ngồi lâu hơn 1 tiếng.

Trần Đăng Thái: Tôi quay phim chính từ năm 20 tuổi, theo nghề được 17-18 năm và đã quay hơn 30 phim nhưng đây cũng là lần đầu quay phim chiến tranh. Ngoài tập chung với diễn viên, quay phim còn có bài tập riêng cho cơ đùi, cơ vai; tập quen với tiếng súng, đạn để không giật mình. Diễn viên chỉ tập đi hết chiều dài địa đạo nhưng quay phim còn phải tập leo trèo giữa các tầng hầm.

* Trước khi bắt tay vào quay phim, hẳn các anh đã hình dung ra những khó khăn của việc quay trong hầm và đến khi ra thực tế, dường như điều kiện làm việc còn khắc nghiệt hơn?

Quan Lâm Ngọc Duy: Tôi biết sẽ rất vất vả nhưng không nghĩ phức tạp đến vậy. Có 2 mô hình địa đạo dựng trong phim trường ở Củ Chi. Một cái dài 100m, cái kia 150m. Địa đạo có chiều cao chỉ tầm 1m, bề ngang vừa vặn cho 1 người đến mức dang rộng cùi chỏ cũng vướng. Mỗi cửa hầm có trang bị quạt vì thời điểm ghi hình vào tháng Tư rất nóng nhưng do đường hầm dài, luồng gió không thể thổi tới. Ban đầu, để quay phim đỡ mệt, ê kíp chế ra khung sắt để bợ đỡ thân nhưng hầm chật đem theo càng vướng víu nên không dùng đến.

Trần Đăng Thái: Tôi sinh ra và lớn lên ở Củ Chi. Nhà tôi cũng có hầm nên từ nhỏ đã quen với việc chui xuống hầm. Khi phim ở giai đoạn tiền kỳ, tôi cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đến địa đạo thật và tôi chui xuống quay thử. Đi đến tầng thứ ba, tôi thực sự ngộp thở, không thể quay lâu. Những ngày đầu quay phim, hình ảnh bị rung lắc không sử dụng được vì cơ thể chưa quen, tay chân run.

Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối
Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối

* Trên trường quay, 2 anh phân chia công việc thế nào?

Trần Đăng Thái: Mỗi ngày, đoàn làm việc 14-15 tiếng. Chúng tôi chia nhau mỗi người quay 2 tiếng/lần. Có những cú máy chuyển cảnh giữa 2 tầng hầm lên phim thấy liền mạch nhưng thực tế 2 người cùng quay. 1 người ở trên, 1 người ở dưới chuyền máy cho nhau chứ không thể leo trèo. Trong hầm chỉ có diễn viên và 1 quay phim nên quay phim phải tự xoay xở mọi thứ.

* Phim có nhiều cảnh súng bắn đạn nổ trong hầm, cảnh hầm ngập nước, quay những cảnh như vậy chắc hẳn rất khó?

Quan Lâm Ngọc Duy: Từng đi quay nhiều phim nên tôi cũng quen với âm thanh tiếng súng nổ nhưng vẫn không hình dung ra sức ép khi quay những cảnh có tiếng súng, tiếng đạn trong hầm. Không gian chật hẹp nên khi diễn viên bắn súng, tai tôi lùng bùng, ngực đau tức. Khói mù mịt không nhìn thấy gì…

Trần Đăng Thái: Phim quay trong hầm với nguồn sáng là đèn dầu nên chúng tôi bị hít nhiều khói đen. Mỗi ngày quay xong, mặt mũi chúng tôi bám đầy khói đèn, khói lựu đạn, bụi đất. Cảnh quay hầm ngập nước do hầm làm từ bùn non nên rất trơn trợt. Diễn viên, quay phim bị té liên tục. Ngoài ra, cảnh ngập còn khó ở chỗ phải tính toán mực nước chính xác để giữ rắc co (sự tương thích giữa các cảnh - PV).

Không hiểu sao lúc đó có thể làm được vậy

* Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là phim hiếm hoi được sử dụng các khí tài quân sự thật. Việc quay phim với đạo cụ là “hàng thật” gây áp lực ra sao?

Quan Lâm Ngọc Duy: Ngoài đường hầm địa đạo ở phim trường, các cảnh trên mặt đất được quay ở Củ Chi. Đoàn phim được Bộ Quốc Phòng hỗ trợ cho mượn xe tăng, máy bay, súng ống. Ra trường quay cầm máy đứng trước “hàng thật”, cảm giác vừa háo hức vừa lo lắng vì phải làm việc với độ chính xác cao, nếu sơ suất khó quay lại do phải thiết kế sắp đặt mọi thứ rất kỳ công.

Trần Đăng Thái: Phim may mắn có được sự ủng hộ lớn của Bộ Quốc phòng và các cơ quan ban ngành đoàn thể, được hỗ trợ các phương tiện cơ giới hạng nặng phục vụ quá trình quay. Nhưng các phương tiện này cũ, chẳng hạn những chiếc xe thiết giáp bọc thép đã hư hệ thống làm mát từ lâu. Ngồi lên đó quay như ngồi trên lửa. Tôi phải đem theo 3 bọc đá để trải ngồi lên cho đỡ nóng.

* Các anh có kỷ niệm đáng nhớ gì khi quay bối cảnh ngoại?

Quan Lâm Ngọc Duy: Trên mặt đất, có những cảnh đoàn phim đánh dấu chỗ đặt kíp nổ và quay phim phải ghi nhớ để tránh giẫm. Đôi khi tôi quên, phải có người trong đoàn ra túm áo kéo lại. Cảnh Tư Đạp (Quang Tuấn đóng) bỏ chạy sau cú cháy nổ, tôi tiến quá gần kíp nổ nên bị sức nóng làm bỏng rát người. Với cảnh quay dưới nước, quay phim phải đi chân trần vì mang giày dép di chuyển rất khó nên chân tay thường bị trầy xước, ngâm nước lâu da nhăn nheo.

Trần Đăng Thái: Phim quay ngoài trời trong điều kiện thời tiết nắng nóng nhưng quay phim không thể mặc nhiều lớp vì dễ vướng víu. Cũng không thể dùng kem chống nắng bảo vệ da vì mồ hôi dễ làm trơn trợt khi vác máy. Có 1 cảnh quay trên chiếc thuyền máy, tôi đứng gần chỗ chất nổ. Dù đã được cảnh báo nhưng tôi vẫn giật mình trước sức nổ quá lớn, làm cho cá và lục bình bị bắn lên cao.

Quan Lâm Ngọc Duy treo ngược người và vác máy quay để thực hiện 1 cảnh phim - Ảnh do nhân vật cung cấp
Quan Lâm Ngọc Duy treo ngược người và vác máy quay để thực hiện 1 cảnh phim - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Những ngày quay phim, sinh hoạt thường ngày của các anh ra sao?

Quan Lâm Ngọc Duy: Việc chui ra chui vào địa đạo vất vả nên giữa các cảnh quay, tôi ở luôn tại chỗ; chỉ đến bữa cơm, tôi mới ra ngoài. Kết thúc ngày quay, tôi ngủ luôn ở khách sạn gần đó vì không đủ sức chạy về nhà dù nhà chỉ cách tầm 15 phút đi xe. 3 tháng quay phim, tôi sút 10kg, đầu gối trái bị dãn dây chằng, chân run mỗi khi đi thẳng người. Tôi phải ở nhà nghỉ ngơi, uống thuốc 1 tháng.

Trần Đăng Thái: Tôi cũng chỉ ra khỏi hầm vào giờ ăn. 2 tuần đầu, tôi ăn không nổi do làm việc quá sức, mỗi lần cầm chén cơm tay run run. Đoàn phim đóng máy tôi cũng sụt 10kg. Do hít khói bụi suốt mấy tháng nên tôi đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe, kết quả phổi bị ảnh hưởng.

* Cảm xúc của các anh thế nào trước thành công của phim và khi xem lại những thước phim mình đã quay?

Quan Lâm Ngọc Duy: Tôi từng làm việc với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khi quay phim Tro tàn rực rỡ. Anh khó tính trong công việc, luôn có yêu cầu cao. Nhiều khi anh đưa ra ý tưởng về khung hình muốn có, quay phim chúng tôi rất chật vật mới thể hiện đúng ý đồ đạo diễn. Vì vậy, xem lại phim, tôi thấy hài lòng, đôi lúc tự hỏi không hiểu sao lúc đó có thể làm được vậy.

Trần Đăng Thái: Quay phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là trải nghiệm đặc biệt với tôi vì được làm phim về quê hương mình. Từ nhỏ, tôi đã nghe những câu chuyện về du kích Củ Chi. Xem phim, tôi thấy rất tự hào vì đã góp phần vào bộ phim đầy ý nghĩa này.

* Cảm ơn 2 anh đã chia sẻ.

Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI