Phim Địa Đạo - Mặt trời trong bóng tối: Đẹp và “đời”

02/04/2025 - 06:30

PNO - Cuộc chiến tranh nhân dân ở vùng đất thép thành đồng Củ Chi (TPHCM) được tái hiện chân thực, khốc liệt nhưng không khô khan mà rất đời thường trong Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Những thước phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là khúc tráng ca về bản lĩnh và trí tuệ, lòng yêu nước và khát vọng sống của dân tộc.

Nghẹt thở với từng khung hình

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối lấy bối cảnh năm 1967, kể về cuộc sống và chiến đấu của đội du kích 21 người ở thôn Bình An Đông do Bảy Theo đứng đầu. Họ được giao nhiệm vụ hỗ trợ cán bộ cách mạng Hai Thưng bảo vệ các thiết bị quân y và thuốc men cho bệnh viện dã chiến. Thực chất nhiệm vụ này nhằm giúp nhóm tình báo chiến lược của Hai Thưng hoàn thành việc truyền đi những tài liệu mật quan trọng bằng sóng vô tuyến.

Các cảnh  chiến tranh trong phim được dàn dựng hoành tránh, chân thực - Ảnh do nhà sản xuất cung cấp
Các cảnh chiến tranh trong phim được dàn dựng hoành tránh, chân thực - Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Ngay từ đầu phim, cuộc sống căng thẳng của những du kích địa đạo đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả bằng hình ảnh những đường hầm ngoằn ngoèo u tối, không gian chỉ vừa đủ 1 người di chuyển trong tình trạng khom lưng, có lúc phải bò trườn. Góc quay chật hẹp cùng nhiều khuôn hình bắt cận nhân vật khiến người xem như ngộp thở. Cách chuyển cảnh từ trên mặt đất xuống hầm khá mượt cho thấy sự phức tạp hiểm trở của “mê cung” sâu 3 tầng dưới lòng đất, thông ra sông.

Sự sống nơi hầm tối càng trở nên mong manh hơn khi phía trên đầu, mặt đất luôn rung chuyển vì bom đạn, xe tăng di chuyển. Trên trời, trực thăng không ngừng tuần tra còn trên sông, tàu chiến túc trực càn quét. Trong phim, các phương tiện vũ khí hạng nặng của Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam như xe tăng M-48 Patton, trực thăng UH-1, tàu chiến Swift Boat, tàu đổ bộ LCM-8, xe bọc thép M113 đều là “hàng thật” (do Bộ Quốc phòng hỗ trợ) nên những cảnh chiến tranh tạo cảm giác mạnh. Nhiều khung hình bắt trọn cảnh các cánh rừng cháy trụi chỉ còn trơ những thân cây đen ngòm, tro tàn phủ kín khắp nơi, không gian đặc quánh khói bụi…, mô tả chân thực và sinh động sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Tần suất các cảnh bom rơi đạn nổ diễn ra dày đặc cộng với hiệu ứng âm thanh, cháy nổ hoành tráng xứng đáng với tầm vóc 1 bộ phim chiến tranh kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Gần 15 phút cuối phim là trường đoạn đặc sắc nhất, khi lính Mỹ đột nhập vào hầm và bị tiêu diệt. Người xem nín thở theo chân Ba Hương và đồng đội chạm trán giặc. Cảnh cô dùng cây tre vót nhọn đâm xuyên qua vách hầm “xiên” giặc gây bùng nổ về mặt cảm xúc vì khắc họa ấn tượng sức mạnh phi thường của những người dân bình thường thời chiến.

Góc nhìn lạc quan từ một phía

Tác phẩm mới của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn giữ được sự duy mỹ, chỉn chu trong mọi khâu. Điều này làm nên quy mô, tầm vóc của 1 bộ phim mang tính chất chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên điều giúp Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối để lại ấn tượng mạnh là cách khắc họa về cuộc sống thời chiến rất “đời”. Giữa khung cảnh tang thương, khốc liệt của chiến tranh, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, những người lính vẫn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời, bữa cơm luôn có nhiều tiếng cười. Họ chọc quê Ba Hương chuyện tình cảm với Tư Đạp, reo vui như con nít thấy quà khi được ngắm nhìn súng ống chiến đấu hiện đại. Những lúc tạm yên tiếng súng, họ cùng nhau quây quần xem phim, nghe Út Khờ hát vọng cổ… Trước kẻ địch, chẳng ai sợ chết nhưng thấy Tư Đạp ngồi cưa đầu đạn lấy thuốc nổ, 2 anh lính trẻ len lén rút lui để bảo toàn tính mạng. Phân cảnh hài hước tái hiện câu chuyện “huyền thoại” cưa đầu đạn, lấy thuốc nổ chế tạo bom gạt mìn của anh hùng Tô Văn Đực - nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp - càng làm tăng tính “đời” của phim.

Việc khắc họa cuộc sống tình cảm của những du kích giúp 1 phim chiến tranh như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối mềm mại, đời hơn (ảnh: NSX)
Việc khắc họa cuộc sống tình cảm của những du kích giúp 1 phim chiến tranh như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối mềm mại, đời hơn. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng khắc họa đời sống tình cảm của những người hùng trong phim, nhất là tình đồng đội như việc Bảy Theo chấp nhận nên duyên cùng Út Khờ để giữ danh dự cho cô gái trẻ trót dại.

Ngoài tình đồng đội, phim còn khắc họa tình yêu nam nữ. Ở các chiến sĩ trẻ cũng có những khát khao tình yêu, những phút giây yêu đương ngọt ngào lẫn ghen tuông giận hờn trẻ con. Như tình huống Ba Hương bất thình lình tát Tư Đạp vì phát hiện anh nói dối chuyện cả hai được gia đình hứa gả hay cảnh “nóng” của Tư Đạp và Ba Hương cuối phim. Diễn xuất nhập vai của dàn diễn viên khiến người xem đồng cảm hơn với nhân vật, nổi bật là bộ ba Thái Hòa (vai Bảy Theo), Quang Tuấn (vai Tư Đạp), Hồ Thu Anh (vai Ba Hương).

Trong đó, Thái Hòa vẫn chứng minh đẳng cấp diễn xuất bằng ánh mắt, nhất là qua phân cảnh Bảy Theo biết tin chú Sáu và đồng đội đã hy sinh. Các diễn viên trẻ vào vai du kích cũng hoàn thành tốt vai diễn. Chỉ hơi tiếc hệ thống nhân vật nhiều nên thời lượng dành cho các nhân vật du kích trẻ không đủ dày, dẫn đến một số tuyến truyện bị mờ nhạt, chẳng hạn chuyện tình cảm của Út Khờ.

Với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn phản ánh góc nhìn từ phía những người dân du kích. Lựa chọn này giúp phim tiết kiệm kinh phí mà vẫn làm nổi bật sức mạnh của những du kích “chân trần chí thép” trong cuộc đối đầu với quân đội Mỹ tinh nhuệ hiện đại. Bỏ qua vài chỗ còn hơi giáo điều, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là tác phẩm điện ảnh có tâm, có tầm. Ra rạp giữa những ngày tháng cả nước rộn ràng mừng 50 năm non sông thu về một mối, bộ phim như lời tri ân thế hệ cha ông đã đổ biết bao máu xương vì sự thống nhất của đất nước.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI