Sau những ý kiến phản đối từ dư luận về nội dung tập 1 phim Người phán xử tiền truyện do VTV sản xuất và công chiếu trên website giải trí của đài, dàn diễn viên và nhà sản xuất bộ phim đã lên tiếng cho rằng những cảnh bạo lực, máu me cùng lời thoại văng tục trong phim là nhằm thể hiện được sự chân thật về cuộc sống của giới giang hồ mà thực tế đời sống đang diễn ra.
Trước những tranh cãi trên, báo Phụ Nữ Online đã liên hệ với một số đạo diễn Việt để có câu trả lời cho vấn đề: “Có nhất thiết phải đâm chém, máu me, thanh trừng bạo lực và văng tục, chửi thề thì mới thể hiện được chất giang hồ trong phim đề tài tội phạm?”, bởi suy cho cùng, những câu chuyện trên phim ảnh cũng chỉ phản chiếu góc nhìn của xã hội và con người tại thời điểm đó.
|
Một cảnh bạo lực trong Người phán xử tiền truyện |
Đạo diễn Phương Điền: Đừng so sánh văn hoá Việt với văn hoá Mỹ
Đề tài phim về tội phạm, giang hồ có nhiều góc cạnh, tùy theo định nghĩa của mỗi người. Thật ra trong giang hồ, ngoài việc đánh đấm thì còn có tình bằng hữu, anh em... rất nhiều mà người ta hay gọi là giang hồ nghĩa khí, chứ không chỉ có mỗi giang hồ tội phạm. Chuyện đánh đấm, đâm chém... của giới giang hồ chỉ là một khía cạnh thôi nên không thể nói làm phim về đề tài giang hồ là phải dùng đến bạo lực.
Về lời thoại trong phim, để tiện cho việc kiểm duyệt, chúng tôi thường điều chỉnh những câu chửi tục tĩu đời thường thành các câu nói nhẹ nhàng hơn như: “má”; “đồ chó chết”; “quân mất dạy”... vậy thôi. Vì phim được chiếu ở cộng đồng, trong đó có trẻ em nên mình cần tránh văng tục quá đà, chứ không thể miêu tả đúng bản chất sự việc là phải thốt lên những câu chửi tục tĩu. Tôi nghĩ chúng ta nên tính đến chuyện con em mình sẽ xem được nội dung phim và như thế sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý các bé.
Chúng ta đừng nên lấy phim Việt so sánh với phim Mỹ bởi những câu chửi của họ vốn dĩ được xem là bình thường và khá nhẹ nhàng trong xã hội họ, nó khác với văn hóa Việt Nam, tránh được thì nên tránh.
Chúng ta cần nhìn thấy mức độ bạo lực trong phim ảnh Việt đến chừng đó là vừa phải rồi và không nên lạm dụng bởi nhân vật mang tính cách ác, khán giả có thể nhận thấy cái ác qua nét diễn, ánh mắt, thần thái... chứ không nhất thiết phải văng tục hay đâm chém máu me. Theo nguyên tắc trong phim ảnh, những cảnh bạo lực máu me chỉ được xuất hiện thoáng qua trong vài giây thôi, nên việc phim có nhiều cảnh bạo lực hay không là do nghiệp vụ đạo diễn và khâu kiểm duyệt của nhà đài.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Nếu có giới hạn độ tuổi thì không cần quá tiết chế
Chuyện thể hiện chất giang hồ trong phim ảnh còn tùy vào thể loại phim, quan trọng là đạo diễn muốn mang lại điều gì cho khán giả. Tuy nhiên, có những phim đạo diễn cần phải làm chân thật để chạm đến cảm xúc khán giả thì mới thuyết phục và khiến họ tin vào câu chuyện, nhân vật để tập trung vào nội dung phim, còn không thì họ cứ cảm thấy không giống và không tập trung vào phim được.
Tôi nghĩ thật ra việc phim về đề tài tội phạm có những cảnh máu me hay thoại chân thật thì cốt yếu và quan trọng nhất vẫn nhằm mang lại độ tin cậy, hấp dẫn khán giả. Nếu chúng ta cứ né tránh vấn đề này mãi thì cũng rất là khó, vì trong các cảnh cần làm khán giả sợ hãi, cảm giác gần với đời thì phim cần những điều đó. Tôi thấy bây giờ chúng ta cũng đã có việc đặt giới hạn độ tuổi người xem cho MV ca nhạc như 16+, 18+... rồi thì với phim ảnh cũng vậy thôi, đã giới hạn rồi thì còn tiết chế làm chi nữa.
Nếu làm an toàn để chiếu rộng rãi hơn thì cũng tốt nhưng có những thể loại phim, nếu chúng ta không làm như thật thì sẽ không ra được. Chẳng hạn như khi chúng ta xem Deadpool hay Trùm Hương Cảng, nếu không có những cảnh máu me và lời thoại như vậy thì đâu ra chất của thể loại phim đó.
Dù phim được phát trên truyền hình hay online thì tôi thấy người ta cũng đều có khuyến cáo về giới hạn độ tuổi người xem, chứ bây giờ mình có hạn chế mà ý thích khán giả muốn xem thì họ cũng đi tìm để xem thôi.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Phát ở đâu thì cũng cần tiết chế lời thoại sao cho phù hợp với văn hóa người Việt
Các cảnh quay trong phim về đề tài tội phạm, giang hồ như thế nào thì còn tùy vào mảng phim là điện ảnh hay truyền hình mà cách thể hiện của đạo diễn sẽ khác. Tuy nhiên, thể loại này vốn có một số hạn chế về mặt duyệt phim và việc dán nhãn 16+ hay 18+ cũng là điều khó khăn với các nhà đầu tư phim.
Việc các bạn muốn làm xem cho ai xem, thể hiện với tầng lớp nào thì là do cách của mỗi người xử lý. Và dù phim được phát ở đâu thì cũng cần tiết chế lời thoại sao cho phù hợp với văn hóa người Việt. Chứ hiện nay, phim truyền hình hay phim online đang chạy theo nhu cầu khán giả, nghĩa là khán giả cần gì thì họ cung ứng cho khán giả thôi chứ họ không nghĩ là cách cung ứng đó sẽ như thế nào?
Với phim phát hành online, do tránh được khâu kiểm duyệt nên nhiều người có phần thoải mái hơn trong cách thể hiện. Đó là cách làm của mỗi người, tôi không đả phá nhưng với con cháu trong gia đình, tôi sẽ không cho các bé xem những phim đó bởi các cháu chưa đủ tuổi nhận thức nên sẽ dễ học và làm theo những điều chưa đúng.
Chuyện văng tục trong phim đề tài tội phạm ở Việt Nam, tôi thấy quan trọng nhất là xem xét xem câu thoại đó đặt trong tình huống đó thì có đáng hay không? Khán giả bây giờ họ có nhận thức rất tốt nên nếu đạo diễn đặt để tình huống hợp lý thì sẽ được công chúng chấp nhận. Còn nếu đạo diễn lạm dụng chuyện văng tục, bạo lực trong phim thì sẽ bị công chúng phản ứng.
Quang Hùng