Phim đề tài chiến sĩ công an, phòng chống tội phạm: Những sắc màu mới

18/12/2021 - 18:04

PNO - Những bộ phim truyền hình khai thác mảng đề tài về các chiến sĩ công an, về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm phát sóng thời gian gần đây có nhiều biến chuyển mới, bớt khô khan, nghiêm túc mà gần gũi, trẻ trung, khiến người xem hứng thú theo dõi hơn.

Thay đổi cách tiếp cận, khai thác

Sau hai tháng phát sóng, bộ phim Mặt nạ gương (đang phát trên VTV3 lúc 21g40) vẫn tiếp tục có mặt trong danh sách top 10 chương trình truyền hình được yêu thích nhất hằng tháng, chiếm luôn vị trí đầu bảng 10 phim truyền hình ăn khách nhất năm 2021.

Nằm trong chuỗi phim Cảnh sát hình sự, nhưng Mặt nạ gương lại mang một màu sắc khác hẳn các phim trước đây thuộc series này. Phim không khai thác chuyện của thế giới ngầm, tệ nạn buôn ma túy, tham ô, cờ bạc… cũng không có nhiều cảnh đánh đấm, máu me, chết chóc, mà đi vào khai thác những góc khuất trong cuộc sống gia đình, chuyện tình cảm của bố con bác sĩ Nghị và nhà văn Hoa. Nhịp phim không lê thê, giải quyết vấn đề gọn ghẽ. Các tình tiết được xây dựng hợp lý, khai thác các hiệu ứng tâm lý tạo cao trào khá hiệu quả, bí mật của các nhân vật dần được hé lộ, nhưng khán giả vẫn chưa thể đoán các diễn biến tiếp theo là gì. 

Hình ảnh các chiến sĩ công an trong phim hiện nay được khắc họa trẻ trung, đáng yêu hơn trước
Hình ảnh các chiến sĩ công an trong phim hiện nay được khắc họa trẻ trung, đáng yêu hơn trước

Phim Kẻ tàng hình (đang phát trên SCTV14 lúc 19g45) phản ánh cuộc đấu tranh chống tội phạm buôn ma túy của lực lượng cảnh sát cũng chọn hướng khai thác những bi kịch cuộc đời, những góc khuất tâm hồn, những cám dỗ vật chất, những khát khao thể chất sinh lý, sự thiếu thốn tình cảm gia đình… để lý giải động cơ xô đẩy con người vào tội ác. Nếu như Mặt nạ gương hay Kẻ tàng hình đảm bảo yếu tố ly kỳ, kịch tính, thì Phố trong làng (đang phát trên VTV1 lúc 21g) - một bộ phim mô tả về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ công an chống tệ nạn xã hội ở xã Tân Xuân - lại thu hút nhờ nội dung gần gũi, tình tiết chân thật, nhẹ nhàng. Riêng việc đặt bối cảnh làm việc của lực lượng công an vào một làng quê còn tồn tại nhiều lề thói, tập tục cũ cũng mang đến cho phim một màu sắc khác.

Biên kịch Tùng Dương Cola, “chuyên trị” dòng phim này (phim Vệt nắng sau song sắt, Vực thẳm vô hình, Kẻ tàng hình) cho biết: “Nội dung phim đòi hỏi phải bám sát thời sự, nắm bắt những vụ án nóng được dư luận quan tâm. Kết cấu truyện phải sắc bén, không được quá dễ đoán như trước. Tính gắn kết, logic phải nhuần nhuyễn hơn, tình tiết xây dựng phải tỉ mỉ. Kể chuyện nhanh, gọn nhưng phải giấu được câu chuyện và phải lật vấn đề liên tục. Xu hướng dòng phim tâm lý - hình sự được nhà làm phim chuộng hơn hình sự - hành động, vì dễ sản xuất hơn, và biên kịch cũng dễ viết hơn, do không cần phải đào sâu về mặt nghiệp vụ như các phim phá án”. 

Đổi thay tích cực từ hình tượng chiến sĩ công an 

Ngoài việc thay đổi cách tiếp cận đề tài, không còn dùng các yếu tố quen thuộc như các vụ án cướp của giết người, băng nhóm mâu thuẫn, ân oán giữa ông trùm - đàn em… mà chỉ dùng chúng làm cái cớ để đi vào khai thác khía cạnh tâm lý, tình cảm. Một thay đổi dễ thấy nữa ở dòng phim này là hình tượng người chiến sĩ công an trở nên đáng yêu hơn. Không còn vẻ ngoài đạo mạo, không còn phong thái lạnh lùng cứng rắn như công thức khắc họa trước đây, các nhân vật công an, cảnh sát hiện nay chiếm thiện cảm người xem nhiều hơn, khi được các biên kịch cho phép bộc lộ những cảm xúc, cho phép được mắc sai lầm trong công việc, trong cuộc sống như bao người khác.

Nhân vật các chiến sĩ công an trong phim Việt hiện nay được khắc họa thêm khía cạnh đời thường tạo được thiện cảm với người xem
Nhân vật các chiến sĩ công an trong phim Việt hiện nay được khắc họa thêm khía cạnh đời thường tạo được thiện cảm với người xem

Việc lồng ghép tuyến tình cảm của đối tượng này vào phim đem đến những khoảnh khắc đời thường thú vị. Xem Phố trong làng, người xem thích thú mỗi khi đến cảnh gặp gỡ giữa anh công an Đông và cô bán quạt Hải, hay chiến sĩ công an Hoàng và Hoài “hot girl”, vì sự lúng túng đáng yêu của các anh khi đối diện người đẹp. Các phân đoạn đối đáp hài hước giữa Đông và Hải thu hút vài triệu lượt xem trên Facebook, TikTok. Nhân vật nam chính - cảnh sát hình sự Tùng - trong Mặt nạ gương cũng được yêu thích vì ngoài sự tận tụy, nghiêm túc với nghề, còn được khắc họa là một chàng trai hiếu thảo với mẹ, và có những nét ấm áp, trẻ trung khi đứng trước người con gái mình yêu. 

Biên kịch Vũ Liêm - tác giả kịch bản Hành trình bí ẩn thuộc series phim Cảnh sát hình sự (năm 2008) và phim Mặt nạ gương - nói: “So với các phim làm về mảng đề tài công an, đấu tranh phòng chống tội phạm trước đây, dòng phim này hiện nay đòi hỏi thay đổi về mặt kết cấu, ngôn ngữ để phù hợp với tính thời đại và thị hiếu người xem. Kịch bản cần thêm thắt những yếu tố đời thường, những tình huống hiện có trong cuộc sống đương đại, do đó hình tượng nhân vật chiến sĩ công an cũng gần gũi hơn. Họ không nhất thiết phải khô cứng, lạnh lùng, chuẩn chỉnh, cũng không cần phải luôn kiềm chế cảm xúc như trước nữa”.

Trailer Phố trong làng:

 

Biên kịch Tùng Dương Cola cũng chung nhận định: “Chiến sĩ công an cũng là con người, ngoài sự dũng cảm, mưu trí, họ cũng phải có những giây phút yếu mềm trước những mất mát, đau thương, và có cả những sai lầm, vấp váp trong công việc. Khắc họa nhân vật theo hướng này đảm bảo tính hợp lý, chân thật”. 

Trong dòng chảy của phim truyền hình, bên cạnh những bộ phim đề tài gia đình đang “hot”, thì các tác phẩm tâm lý - hình sự khai thác hình ảnh người chiến sĩ công an cũng dần chinh phục người xem, bởi những nỗ lực làm mới từ chính các nhà làm phim, từ cách tiếp cận đề tài cho đến khắc họa nhân vật. Sự trở mình của những bộ phim ở mảng đề tài khó nhằn này đang đem đến hơi thở mới cho màn ảnh nhỏ nói chung và dòng phim này nói riêng. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI