Phim “Đất rừng phương Nam” tốt nhưng xem vẫn tiếc

13/10/2023 - 09:02

PNO - Phim "Đất rừng phương Nam" ghi điểm ở nội dung nhân văn, hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, diễn xuất đồng đều. Tuy vậy bản điện ảnh chưa lột tả được không khí ngột ngạt của cuộc sống người dân miền Tây bị đô hộ, áp bức thời kỳ đó.

Trước khi ra rạp, Đất rừng phương Nam đã hứng chịu nhiều tranh cãi, hoài nghi từ phía công chúng. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng ê kíp vẫn làm tốt hơn mong đợi.

Phim mở ra với tình huống 2 mẹ con An chạy trốn khỏi bọn mật thám Pháp đang truy lùng cha An. Và trong khung cảnh hỗn độn của cuộc chạy loạn, An trở thành đứa trẻ mồ côi. Cuộc đời An từ đó kết thân với Út lục lâm, một thanh niên hành nghề ăn cắp vặt. Trên bước đường phiêu bạt tìm cha, An còn nhận được sự cưu mang của 2 cha con ông Tiều- bé Xinh.

Nhân vật Út lục lâm và An là tuyến chính của phim
Nhân vật Út lục lâm và An là tuyến chính của phim

Cốt truyện vẫn kể về hành trình đi tìm cha của An, nhưng thay đổi nhiều tình tiết, tuyến nhân vật chính - phụ. Các nhân vật gắn bó với An như bà Tư Ù, Út Trong, Võ Tòng, thầy giáo Bảy, bác Ba Phi ít được nhắc đến, thậm chí Út Trong đến cảnh cuối phim mới xuất hiện. Việc đẩy nhân vật Út lục lâm lên tuyến chính là sáng tạo của ê kíp, và cách xây dựng nhân vật này là thành công của phim.

Trailer phim Đất rừng phương Nam:

 

 Út lục lâm ban đầu là một kẻ không gia đình, lang thang, hành nghề trộm cắp vặt. Y sống bất cần đời. Nhưng từ khi gặp An, và cả 2 nhiều lần lâm vào cảnh nguy khó, Út lục lâm trở thành một người trọng tình nghĩa, sẵn sàng hy sinh để cứu giúp người tốt, bảo vệ An. Qua hành trình đổi thay từ kẻ xấu thành người tốt của nhân vật này, người xem nhận ra yếu tố tuyên truyền về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc được cài cắm mượt mà, khéo léo.

Phần hình ảnh của phim rất đẹp, thể hiện cảnh sắc miền Tây
Phần hình ảnh của phim rất đẹp, thể hiện cảnh sắc miền Tây

Đoạn Út lục lâm ngửa mặt lên trời reo lên “cám ơn má” vì phát hiện kỷ vật của ba má An giúp anh không bị trúng đạn là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất phim. Bởi từ đây, một chàng trai tứ cố vô thân, không biết cha mẹ mình là ai, đã tìm thấy được người thân, là An.

Tương tác ăn ý của Tuấn Trần (vai Út lục lâm) và bé Hạo Khang (vai An) giúp các phân cảnh của 2 nhân vật này luôn hài hước, đáng yêu. Bản tính ranh mãnh, lắm mưu nhiều kế của Út lục lâm đối nghịch với sự non nớt, ngây thơ của An, khiến hành trình đi tìm cha của An nhiều màu sắc.

Bối cảnh phim được đoàn phim chăm chút
Bối cảnh phim được đoàn phim chăm chút

Để tăng tính giải trí cho một phim ra rạp, Đất rừng phương Nam tập trung khai thác yếu tố hành động. Các cảnh hành động dàn dựng kịch tính, đẹp mắt và diễn ra khá thường xuyên.

Ngay cảnh đầu phim, đã có phân đoạn rượt đuổi, nổ súng trên cầu và tình huống thót tim khi An bị Út lục lâm ném thẳng từ trên cầu xuống sông. Cảnh Võ Tòng sắp bị xử tử nhưng được giải cứu, cảnh Út lục lâm và An phá ngục cứu 2 cha con ông Tiều - bé Xinh, cảnh lính Pháp tấn công gánh hát, cảnh Tư Mắm truy cùng giết tận nhóm người của An trên cánh đồng ngập bùn đất... cũng được dàn dựng gay cấn, đẹp mắt.

Phim chú trọng nhiều đến yếu tố hành động
Phim chú trọng nhiều đến yếu tố hành động

Tính giải trí còn được thấy ở những phân cảnh Út lục lâm giả dạng làm Bạch công tử, ở việc sử dụng những từ ngữ thời nay như “thân ai nấy lo”. Có điều những sáng tạo này thừa thãi, làm phá vỡ màu sắc hương xưa của phim. Mải chạy theo yếu tố hành động, phim bỏ quên việc miêu tả số phận lầm than của người dân dưới ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Trong phim, dân chúng ăn vận tươm tất, họp chợ sôi nổi, tụ tập ăn nhậu, xem hát.

Vai Bác Ba phi của Trấn Thành xuất hiện rất ít
Vai Bác Ba phi của Trấn Thành xuất hiện rất ít

Do đó, người xem chưa thấy được không khí loạn lạc thời chiến, chưa cảm nhận được khát khao vùng lên giành lấy độc lập tự do của người dân. Những hoạt động chống chính quyền của các hội nhóm thuộc lực lượng quân kháng chiến vì vậy cũng trở nên lạc lõng trong bối cảnh đời sống sung túc được thấy trên phim. Cảnh cao trào ở gánh hát với những lời tuyên bố đanh thép của bác Ba Phi bỗng thành một khoảnh khắc đậm tính hô hào khẩu hiệu và “kịch” vì lối diễn của Trấn Thành.

Diễn xuất của Băng Di là một trong những điểm sáng của phim
Diễn xuất của Băng Di là một trong những điểm sáng của phim

Bỏ qua những điều chưa được đáng tiếc trên, bản điện ảnh Đất rừng phương Nam vẫn đáng xem bởi sự đầu tư chỉn chu, câu chuyện cũ nhưng mang màu sắc mới, cái kết có hậu. Từng khung hình miền Tây đều hớp hồn người xem. Âm nhạc, âm thanh chăm chút, phù hợp.

Các diễn viên đều hóa thân tốt, trong đó nổi bật nhất là Tuấn Trần và Băng Di. Tuấn Trần lột tả nét láu cá, tốt bụng của Út lục lâm, trong khi Băng Di thể hiện vẻ sắc sảo, gian manh, nham hiểm của một ả Việt gian chỉ điểm. Diễn viên Tiến Luật vai ông Tiều, Huỳnh Đông vai Hai Thành - cha của An và Mai Tài Phến vai Võ Tòng tuy đất diễn ít, nhưng thần thái mỗi khi xuất hiện đều khiến người xem hài lòng.

Phim Đất rừng phương Nam chiếu sớm từ ngày 13/10 và khởi chiếu rộng rãi từ ngày 20/10.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI