Phim "Đất rừng phương Nam" lại gây chú ý trong hội thảo điện ảnh

23/11/2023 - 15:18

PNO - Trong hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam", bộ phim "Đất rừng phương Nam" được nhắc đến khi bàn về yếu tố con người trong công nghiệp điện ảnh và công tác lý luận phê bình phim.

 

Ngày 23/11, đã diễn ra hội thảo thứ 2 trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam chủ đề "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam".

Trong số các phát biểu tại hội thảo, ý kiến của những người làm phim thu hút nhiều quan tâm nhất, vì tính thực tế và có yếu tố câu chuyện.

Liên quan vấn đề nước ngoài vào Việt Nam làm phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn đem đến câu chuyện xảy ra khá lâu nhưng vẫn khiến ông trăn trở: “Năm 1993 có một nhà sản xuất người Mỹ sang đây, chúng tôi hỏi ông làm sao để phim Việt Nam ra được thế giới, thì được khuyên nên xem Trung Quốc đi. Ông nói họ cũng như các bạn cách đây 10 năm, nhưng họ có những cánh chim đầu đàn là những đạo diễn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, nên được thế giới biết đến.

Ông nói đã được xem bản dựng đầu tiên của phim Xích lô và nhận định Trần Anh Hùng sẽ là cánh chim đầu đàn. Rốt cuộc phim Xích lô bị cấm ở Việt Nam. Đạo diễn Trần Anh Hùng sau vụ việc đó đã quay về lại với dòng phim êm ả, lãng mạn như Mùa hè chiều thẳng đứng.

Trường hợp này, câu hỏi đặt ra liên quan đến các nhà làm chính sách. Hiện nay trong liên hoan phim có nhiều tác phẩm tốt, Việt Nam đang có nhiều đạo diễn tài năng dũng cảm, có ý thức vượt qua dòng phim giải trí để tiếp cận vấn đề lớn hơn. Tiếc rằng lại gặp những tranh cãi trong dư luận”.

Hội thảo thu hút hơn 10 ý kiến của các nhà làm phim, người làm công tác quản lý ...
Hội thảo thu hút hơn 10 ý kiến của các nhà làm phim, người làm công tác quản lý...

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng dẫn chứng bộ phim Đất rừng phương Nam để cảnh báo các nhà làm phim có yếu tố lịch sử:

“Ý kiến đa chiều đã đẩy sự việc đi quá xa, dẫn đến sự chia rẽ về thẩm định một tác phẩm nghệ thuật, đem lại nhiễu loạn thông tin lớn. Điều này cảnh báo với người làm phim, nhất là khi làm phim chuyển thể, phim có yếu tố lịch sử. Đây cũng là bài học thiết thực khi làm phim, bởi cái bại đầu tiên là doanh thu, hai là danh tiếng. Bên cạnh đó, có những nhà sản xuất gặp tôi than thở phim vừa mới ra mắt ngày đầu đã có bài vùi dập phim, đưa ra những ý kiến cực đoan. Tiếp theo là sự hùa vào của nhiều người, trong đó có những người chưa coi phim”.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc – người đứng sau nhiều phim lớn như Tro tàn rực rỡ, Vợ ba, Người bất tử… làm nóng hội thảo với vấn đề khó khăn khi tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài:

“Có một bộ phim điện ảnh trên thị trường nhận vốn đầu tư nước ngoài đã phát hành chiếu rạp năm 2019, đến nay 5 năm vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục để hoàn vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Với đặc thù sản xuất phim vòng đời dự án chỉ từ 12-14 tháng, thì thời gian kéo dài nhiều năm với những thủ tục không rõ ràng đã khiến hãng phim và nhà đầu tư đều gặp khó khăn. Điều này tạo nên rủi ro lớn, khiến các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt khi tham gia vào thị trường sản xuất phim Việt Nam. Hiện nay 10 phim chiếu, thì may ra 2 phim có lời, 5-6 phim lỗ, còn lại huề vốn”.

Sau 3 tiếng bàn luận, hội thảo đã khép lại với nhiều đề xuất, kiến nghị từ chính người trong cuộc. Tuy nhiên, những vướng mắc được nêu khó thể giải quyết sớm, vì còn nhiều khoảng cách từ hành lang pháp lý đến thực tiễn. Trong đó, nổi cộm nhất như chuyện quỹ hỗ trợ điện ảnh, ưu đãi thuế.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI