Phim Đất rừng phương Nam có bị vùi dập?

08/11/2023 - 21:40

PNO - Sau bao tranh cãi thì nay phim Đất rừng phương Nam đã lên đến bàn nghị sự của quốc hội. Có ý kiến cho rằng phim đã bị vùi dập và cần có biện pháp xử lý.

Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam được Đoàn Giỏi viết theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 1957. Những nhân vật được nhà văn hư cấu chỉ để dẫn người đọc đến với những điều kỳ thú có thật của đất rừng phương Nam.

Phim Đất phương Nam chuyển từ rừng là đối tượng thu hút bạn đọc sang lấy tập quán, phong tục, thơ ca, hò vè… đặc trưng của phương Nam làm dữ liệu chính để làm phim. Đặc biệt, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, cũng là người biên kịch, đã đưa vào phim những nhân vật không có trong truyện như bác ba Phi, gia đình ông Tám Luông. Những nhân vật hư cấu trong truyện kết nối với nhân vật có thật không hoàn toàn đúng với lịch sử, nhưng khán giả vẫn chấp nhận và khen ngợi vì nó tượng trưng cho con người và xã hội phương Nam, đã được phản ảnh trong các nghiên cứu của các học giả hoặc thể hiện trong tiểu thuyết của các nhà văn phương Nam.

hồn cốt phương Nam đã mất sạch trong phim Đất rừng phương Nam
Hồn cốt phương Nam đã mất nhiều trong phim Đất rừng phương Nam

Khi phim là phiên bản phim nhựa lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, nhưng rừng phương Nam hiện đã không còn nhiều điều kỳ thú như nhà văn Đoàn Giỏi mô tả. Những nét đặc sắc của phong tục, cách sống và đời sống tinh thần của người phương Nam đã được phim truyền hình sử dụng, không còn có thể làm hơn được nữa. Ê kíp đành phải làm phim trên một kịch bản phim hành động và hài hước. Không còn nhiều những cánh rừng nguyên sinh, không có người thông hiểu văn hóa người phương Nam, từng trải cuộc sống ở rừng phương Nam làm cố vấn, hồn cốt phương Nam đã mất nhiều trong phim Đất rừng phương Nam.

Công tác quan hệ công chúng của nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam rất xuất sắc. Từng bước, từng bước một, họ giới thiệu dự án, rồi tiết lộ diễn viên, tung trailer. Đến trước ngày ra rạp còn phát hành MV nhạc phim.

Có lẽ nếu như không có tên phim Đất rừng phương Nam thì sản phẩm thương mại này đã không bị soi xét cặn kẽ ngay từ những ngày đầu phim ra rạp. Nếu nó có tên gì khác thì người ta đi xem đánh đấm cho đã con mắt, cười thả ga với những tung hứng của các diễn viên, để có gần 2 giờ thư giãn rồi thoải mái ra về.

Khi phim đã mượn danh tiếng của những tác phẩm đi trước thì phải chịu sự xem xét, so sánh của công chúng.

Bác Ba Phi trong phim truyền hình do nghệ sĩ Mạc Can thủ vai là một bác nông dân mộc mạc, hóm hỉnh, tuy không phải là điền chủ, tài chủ như người thật, nhưng giữ được sự gần gũi, thích nói láo để gây cười cho bà con lối xóm. Vai bác ba Phi trong phim điện ảnh làm cho nhiều người cảm thấy "khó ưa" có lẽ vì đã đánh mất cốt cách của một ông già phương Nam, gần gũi, vui tính, lạc quan, lanh trí, thông minh nhưng cư xử “có chừng có mực”.

Nhưng vì ghét ai đó hay ghét cả cách làm phim mà muốn “phong sát” bộ phim thì quá tàn nhẫn và tôi không nghĩ phần lớn những người chỉ trích nội dung phim vì mục đích này. Chúng ta cũng thấy, khi được góp ý, những người có trách nhiệm đã nhận định “thấu tình đạt lý”, kịp thời chỉnh sửa và cho ê kíp làm phim tiếp tục chiếu.   

Truyền thống chống xâm lược của dân ta bao gồm việc phải luôn cảnh giác. Vì vậy, trách làm sao được khi người ta lên tiếng phản đối khi thấy trong phim xuất hiện nhiều yếu tố ngoại lai, từ việc nhỏ như cái nút áo đến việc lớn như tên của một tổ chức chống Pháp. Trách là trách biên kịch, đạo diễn không huy động được những chuyên gia am hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội của phương Nam để cố vấn cho mình nên đã để tồn tại trong phim những yếu tố lai căng. Trách là nên tự trách bản thân mình còn non nớt về chính trị đã bỏ qua những yếu tố nhạy cảm xuất hiện trong phim.

Câu chuyện bác Ba Phi và vụ án đồng Nọc Nạng trong Đất phương Nam không hoàn toàn đúng lịch sử nhưng những bản chất tinh túy có thật trong lịch sử vẫn được gìn giữ. 

Dựng những cảnh đánh nhau cướp xe tù, cướp pháp trường giống như những phim võ hiệp kỳ tình hay phim chống Nhật ở Trung Hoa đại lục, những cảnh như vậy không thể có ở phương Nam, khi những năm đầu kháng chiến người phương Nam còn dùng tầm vông vạt nhọn để chiến đấu chống Pháp.  

Phân tích ưu, khuyết của bộ phim để thấy khán giả có công tâm góp ý hay cố tình vùi dập phim. Và nói như đại biểu quốc hội Trịnh Xuân An: "Không nên đánh đồng dư luận, nhất là các ý kiến để bảo vệ tính chân thực, giá trị lịch sử. Cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe để điều chỉnh, nếu cần thiết, bởi "không có lửa sao có khói"". 

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI