Phím đàn dìu dặt tay tiên

06/12/2015 - 08:12

PNO - Không phải là sự ảo tưởng, dưới gầm trời này, “trần gian điên dại này” ở đâu đó lại có những mầm xanh đang nhú, lộc nõn đang tươi...

Những ngày này, có ai tịnh tâm, lắng nghe trong nhịp sống mỗi ngày, có gì khác lạ không? Tùy vào cảm nhận và góc nhìn, với nhiều người, không thể không nhớ đây là “Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du”, kỷ niệm 250 năm ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).

Những ai đau đáu với linh hồn tiếng Việt, quan tâm đến những sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng trong từng câu thơ, giọng nói hẳn có dịp chiêm nghiệm lại sức sống của một tác phẩm đã vinh danh tinh hoa Việt: Truyện Kiều.

Phim dan diu dat tay tien
Ảnh: Internet

Nói như thế, ắt có người tặc lưỡi, đời sống có nhiều bận rộn, lo toan, gam màu u ám, làm sao có thể yên tâm ngồi đọc những vần điệu sáu tám du dương? Đi ra đường, chỉ cần va chạm nhau, chưa kịp phân trần, xin lỗi đã thấy những ánh mắt long sọc, tay chân như động thủ “thay lời muốn nói”.

Chuyện cơm áo gạo tiền đè nặng đôi vai, vật giá leo thang vùn vụt, đồng lương cầm trên tay nhẹ hều, há nào có thể nhìn thấy cuộc đời yên bình như mơ ước? Rồi nữa, mà thôi... Còn quá nhiều chuyện phải lo lắng, phải quan tâm trong sinh hoạt mỗi ngày, làm sao có thể ngâm nga: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”?

Suy nghĩ ấy cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, mỗi người có một lựa chọn.

Trong tác phẩm Câu chuyện dòng sông, nhà văn Hermann Hesse (1877-1962), giải Nobel Văn chương 1946, có viết một câu: “Dù đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”. Yêu, bởi lẽ, dù muốn dù không vẫn phải chấp nhận, đối diện với hiện thực đang xảy ra, chứ không thể né tránh.

Đọc Truyện Kiều, ai lại không xót xa, thương cảm Thúy Kiều, một số phận mà nhà sư Giác Duyên phải thốt lên: “Người sao hiếu nghĩa đủ đường/ Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?”. Kiếp đoạn trường ấy, dằng dặc trong 3.254 câu thơ đã thể hiện qua năm lần Kiều đánh đàn.

Mỗi lúc mỗi khác, thể hiện tâm lý, tâm trạng khác nhau. Nhiều người đã lau nước mắt, cất tiếng reo ca khi nghe Kiều đàn cho Kim Trọng sau 15 năm phiêu bạt. Lạ thay, lúc ấy, không còn tiếng nấc, tiếng khóc than nức nở canh dài mà réo rắt vui tươi, Kim Trọng ngạc nhiên: “Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?”.

Điều gì đã thay đổi khiến nàng có được: “Phím đàn dìu dặt tay tiên”? Kim Trọng ngạc nhiên, bạn đọc nhiều thế hệ đã yêu Kiều cũng ngạc nhiên. Chỉ Thúy Kiều mới có thể trả lời chính xác nhất: “Nàng rằng: Ví chút nghề chơi/ Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!”.

Chính cung đàn “đoạn trường bạc mệnh” như một sự thống khổ đã dằn vặt, đeo đuổi bấy lâu, ám ảnh nàng. Và nay, nàng đã thoát ra ngoài, đã gạt bỏ để tìm đến sự hoan lạc, reo vui của âm thanh khác, âm thanh réo rắt: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?/ Khúc đâu êm ái xuân tình...”.

Dù rằng, sự sum họp, đoàn viên của Kiều, nói như danh sĩ Phạm Quý Thích: “Bạc mệnh cầm chung oán hận trường” (Tiếng đàn bạc mệnh đã dứt mà oán hận vẫn còn ngân dài).

Nhưng rõ ràng, Kiều đã có một sự lựa chọn khác.

Lại nhớ khi đọc các tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông thường nói đi nói lại, nhắc tới nhắc lui bốn chữ “tưới tẩm hạt giống”. Hạt giống hướng thiện ấy, mình gieo ngay trong tâm hồn chính mình. Gieo lấy niềm vui, sự trong sáng để thấy cuộc sống không chỉ rặt những điều không tồi tệ như vốn có.

Không phải ngẫu nhiên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghĩ đến: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười”. Cũng là một nghệ thuật sống. Một khi nuôi dưỡng “hạt giống tâm hồn” bằng sự lạc quan, ắt cái nhìn sẽ thay đổi theo hướng tích cực đó.

Không phải là sự ảo tưởng, dưới gầm trời này, “trần gian điên dại này” ở đâu đó lại có những mầm xanh đang nhú, lộc nõn đang tươi, có điều ta có nhìn ra và lựa chọn lấy nó?

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI