Phim cung đấu - sức hút chưa bao giờ hạ nhiệt
Diên hy công lược là từ khóa đang gây sốt những ngày qua. Nội dung phim kể về cuộc tranh quyền, đoạt vị, những mưu mô của phi tần dưới thời vua Càn Long, nhằm giành sự ân sủng của đế vương, để có chỗ đứng vững chắc trong hậu cung.
Ngày 28/7, phim cán mốc 1 tỷ lượt xem, xếp hạng nhất trong tất cả các phim chiếu online trong cùng thời điểm tại Trung Quốc. Theo thông tin từ Vu Chính (biên kịch của Diên hy công lược), phim sẽ được TVB Jade Hồng Kông phát sóng từ 6/8 tới, dù ban đầu đây chỉ là dự án phát online.
|
Diên hy công lược - bộ phim cung đấu đang gây sốt những ngày qua tại Trung Quốc và những quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam |
Tại Việt Nam, Diên hy công lược cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ với cả triệu lượt xem cho mỗi tập. Ban đầu, chỉ có một đơn vị mua bản quyền phim để phát trên kênh YouTube với bản phiên dịch. Tuy nhiên, khi sản phẩm này trở nên hút khán giả, một đơn vị khác đã tiếp tục mua bản quyền để phát cạnh tranh.
Dòng phim cung đấu (phim nói về những cuộc tranh quyền, đoạt vị thời phong kiến) không còn xa lạ với khán giả Việt Nam. Trước Diên hy công lược, năm 2012, Chân hoàn truyện cũng từng gây sốt tại Trung Quốc và khu vực châu Á khi kể về cuộc tranh sủng dưới thời vua Ung Chính, nhà Thanh. Phim đạt rating đến 10% và có khoảng 2 tỷ lượt người xem online. Đặc biệt, đài Hắc Long Giang của Trung Quốc đã phát đi phát lại phim này đến 13 lần.
76 tập phim của Chân hoàn truyện còn được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia... Trên Douban - trang web đánh giá phim ảnh của Trung Quốc, Chân hoàn truyện được xem là tác phẩm cung đấu hay nhất mọi thời đại. Bộ phim được chấm đến 8,9 điểm. Tại Việt Nam, mỗi tập phim của Chân hoàn truyện phát trên YouTube đều thu hút trên 500 ngàn lượt xem.
|
Chân hoàn truyện được xem là bộ phim cung đấu hay nhất mọi thời đại của Trung Quốc |
Sắp tới, Như ý truyện - phần nối tiếp của Chân hoàn truyện - sẽ ra mắt khán giả. Với thành công của Chân hoàn truyện, tác phẩm của đạo diễn Uông Tuấn được kỳ vọng sẽ thắng lợi tương tự hoặc hơn thế. Nội dung của Như ý truyện cũng vào đời vua Càn Long, nhưng tập trung vào nhân vật Kế hoàng hậu, thay vì Lệnh phi Ngụy Giai Thị như Diên hy công lược.
Thâm cung nội chiến (2004), Cung tâm kế (năm 2009), Mỹ nhân tâm kế (2010), Vạn phụng chi vương (2011), Hiếu trang bí sử… cũng là những tác phẩm tiêu biểu của dòng phim cung đấu Trung Quốc, thu hút một lượng lớn khán giả trong nước và các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Thành công của những tác phẩm này đều dựa trên những tình huống kịch tính nghẹt thở bởi mưu mô, chiêu thức của các mỹ nhân chốn hậu cung. Trang phục, tạo hình nhân vật luôn được đầu tư chỉn chu, cầu kỳ, bắt mắt. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề truyền thống cùng những nét văn hóa đặc trưng của Trung Hoa về ẩm thực, may mặc, thơ, ca, nhạc, họa đều được thể hiện một cách thú vị, nhẹ nhàng lan tỏa trong lòng khán giả.
|
Cung tâm kế cũng là một trong những bộ phim cung đấu được khán giả Việt Nam yêu thích |
Sự thú vị của những câu chuyện, nhân vật trong phim cũng thôi thúc khán giả tìm hiểu về lịch sử Trung Hoa qua các triều đại. Từ khi Diên hy công lược lên sóng đến nay, từ các kênh truyền thông cho đến mạng xã hội, thông tin về Càn Long, Phú Sát hoàng hậu, Kế hoàng hậu, Lệnh quý phi… cũng như những nét sinh hoạt chốn cung cấm ngày xưa, quy định tuyển phi, chọn tú, phân hàm thứ bậc, giai cấp… đều được truyền tải cụ thể. Khán giả cũng tìm hiểu về chúng một cách chủ động. Dù là sản phẩm mang tính giải trí, nhưng hiệu quả về mặt quảng bá văn hóa, lịch sử là không thể phủ nhận trong dòng phim cung đấu này.
|
Nghề thêu, kinh kịch và nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của Trung Hoa được quảng bá khá hiệu quả trong phim Công hy diên lược đang phát sóng |
Phim cung đấu Việt Nam: Rào cản định kiến, dư luận
Việc thay đổi tình tiết, câu chuyện so với lịch sử đã trở thành mô-tuýp quen thuộc trong xây dựng kịch bản ở các phim cung đấu, nhằm thể hiện sự khốc liệt trong việc tranh sủng. Ngoài ra, để thỏa mãn phần nhìn, phục trang trong các phim này thường được thực hiện rất cầu kỳ, thậm chí không cần theo sát thực tế.
Cũng chính những đặc trưng này khiến dòng phim cung đấu khó phát triển tại Việt Nam, dẫu trong hơn một thập kỷ qua, thành công và sự ảnh hưởng của phim cung đấu đến khán giả Việt là điều dễ dàng nhìn thấy.
|
Các phim cung đấu thường có kịch bản, trang phục khác với lịch sử ít nhiều |
“Ngoài áp lực dư luận, kiểm duyệt, để sản xuất được phim mang tính lịch sử hoặc phim cung kế đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, sự đầu tư cho phim truyền hình những năm gần đây giảm mạnh. Phim trường chúng ta không có sẵn. Trang phục vẫn còn đi thuê, mướn hoặc thực hiện với chi phí cao. Vì thế, để làm được một tác phẩm có chất lượng như các nhà sản xuất Trung Quốc là bài toán nan giải”.
Đạo diễn
|
Thời điểm Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân ra mắt, khi trang phục được thực hiện cầu kỳ, bắt mắt hơn, một làn sóng dư luận đã nổi lên chỉ trích vì không giống với sử sách, không thuần Việt. Một loạt phim khác cũng rơi vào những lùm xùm tương tự như: Mỹ nhân kế, Thiên mệnh anh hùng… Không chỉ phục trang, chỉ cần tình tiết nhỏ sai lệch so với thực tế cũng bị phản ứng khá gay gắt. Tuy nhiên, những sai khác về mặt lịch sử trong các phim của Trung Quốc, khán giả Việt lại đón nhận rất nhẹ nhàng.
Nhiều nhà sản xuất, đơn vị truyền thông có xu hướng chạy theo dư luận mà chưa định hướng được chính xác những ý kiến phản bác, đả kích có đại diện cho số đông khán giả hay không. Chúng ta chưa có bất kỳ cuộc thăm dò thực tế nào để chứng minh được khán giả ủng hộ hay phản đối chuyện thay đổi một phần lịch sử trên phim ảnh. “Nếu đó là những ý kiến soi mói, suy diễn thì có nên chiều chuộng và nương theo họ? Nghệ thuật mà đi chiều những người soi mói thì chỉ có bước vào ngõ cụt” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói.
|
Trang phục trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể từng là chủ đề gây tranh cãi ngay sau khi phim ra mắt |
Theo cách phân loại của NSND Đào Bá Sơn, có ba dòng phim gắn với lịch sử: tái hiện trung thực lịch sử, hư cấu khoảng 30% và dựa vào lịch sử làm cớ để phóng tác. Tuy nhiên, chúng đều chưa có đất sống tại Việt Nam: “Nhà sản xuất tại Việt Nam ngại những vấn đề có liên quan đến lịch sử, vì quyền hư cấu không thoải mái, áp lực dư luận, truyền thông rất lớn. Năm 2010, 2011 nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta từng có cơ hội để khơi dậy những dòng phim này khi nhiều tác phẩm ra đời. Nhưng cuối cùng, với quá nhiều tác động, chúng không thể phát triển”.
Những câu chuyện về chốn hậu cung đã trở thành chất liệu cho văn học, nghệ thuật từ hàng ngàn năm nay. Với phim ảnh, từ thành công của dòng phim cung đấu Trung Quốc, càng cho thấy sức hút của chúng ở thời hiện đại. Để một tác phẩm tồn tại, việc mang hơi thở thời đại là điều hết sức quan trọng. Vì thế, việc cách tân, thay đổi để ý đồ của tác giả, nhà sản xuất được thể hiện trọn vẹn cũng là cần thiết.
Một mô hình sản xuất phim có liên quan đến lịch sử cần có sự xuất hiện của 4 thành phần: nhà văn hóa, sử gia, biên kịch và đạo diễn. Tuy nhiên, chúng ta dường như đang thiếu các nhà văn hóa. Trong khi đó, các sử gia lại thường muốn phản ánh sát thực tế, khiến cho các loại hình phim ảnh này chịu sức ép khá lớn. Việc này cũng dễ dàng kéo theo hội chứng đám đông thường thấy trong thời gian qua.
|
Trang phục của Vân Trang trong Thiên mệnh anh hùng bị chỉ trích vì bị cho là giống Trung Quốc |
“Câu chuyện lịch sử, nếu muốn chính xác 100% thì tìm đến sách vở. Còn với nghệ thuật, lịch sử phải mang âm hưởng của hôm nay. Mỗi thời, người làm nghệ thuật sẽ nhìn lịch sử khác nhau. Chúng ta có thể lấy chất liệu xưa, nhưng làm phim là cho người hiện đại thì bắt buộc phải có sự thay đổi để hấp dẫn, miễn không vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ.
Tuy nhiên, để dòng phim cung đấu Việt có thể đặt được những viên gạch đầu tiên vẫn còn là một quãng đường dài khi tư duy về văn hóa chưa thực sự cởi mở để tìm được tiếng nói chung giữa dư luận, nhà sản xuất.
Ngoài ra, công tác kiểm duyệt với sản phẩm phim ảnh tại Việt Nam vẫn còn khá gắt gao, đặc biệt với những đề tài có liên quan đến lịch sử hoặc nhân vật lịch sử. Nhà sản xuất gần như bị trói vào những câu chuyện có sẵn chứ không dám sáng tạo thêm nhiều.
Trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc đã và đang có những tác phẩm cung đấu ăn khách, hỗ trợ hiệu quả cho việc quảng bá văn hóa, ảnh hưởng sâu rộng đến khán giả Việt thì đến nay những nhà sản xuất trong nước vẫn còn bỏ ngỏ mảnh đất đầy tiềm năng này.
Thành Lâm