Phim cổ tích: Niềm hy vọng mới

12/10/2021 - 11:24

PNO - Vài tháng qua, những kênh chiếu phim cổ tích nhận được nhiều quan tâm của người dùng trên YouTube. Tín hiệu này tạo thêm niềm hy vọng cho một mảng nội dung hiện vẫn chưa được phát triển mạnh.

Thêm một lối đi cho phim cổ tích

Phim cổ tích Trần Trung kỳ án nói về hành trình xử án oan của quan huyện Trần Trung đang được nhiều khán giả yêu thích nồng nhiệt trên YouTube. Mỗi tập phim thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, dẫu kéo dài từ ba đến bốn tiếng đồng hồ. Trong đó, có tập đạt gần hai triệu lượt xem, trụ lại trong bảng xếp hạng thịnh hành YouTube tại Việt Nam trong hơn một tuần.

Đây là một trong những dự án phát trên kênh THVL cổ tích, do Đài truyền hình Vĩnh Long (THVL) phát triển thời gian gần đây. Trên kênh này, còn có nhiều phim cổ tích khác như: Khuôn đúc người, Thoại Khanh Châu Tuấn, Chàng ngốc học làm khôn...

Hình ảnh trong phim Cậu bé nước Nam

Hình ảnh trong phim Cậu bé nước Nam

Kênh Cổ tích Việt Nam cũng có nhiều phim hấp dẫn như: Cái giếng thần, Chúa nợ, Chồng khờ, Đứa con bất hiếu... Trong đó, có những phim làm lại dựa trên những chuyện cổ tích đã có sẵn, cũng có những kịch bản được sáng tác mới. Mỗi tập phim đều thu hút hàng trăm ngàn đến hơn một triệu lượt xem.

Chỉ sau ba tháng, THVL cổ tích, Cổ tích Việt Nam lần lượt có 135.000 và 110.000 người theo dõi, con số mơ ước của nhiều kênh trực tuyến. Kênh Yêu cổ tích xuất hiện từ đầu tháng Tám cũng có gần 40.000 người theo dõi. Bên cạnh truyền hình, YouTube tạo thêm một hướng đi tốt cho những sản phẩm này.

Loạt phim cổ tích đã góp một màu sắc thú vị trong đời sống giải trí thời gian qua. Sau khi chiếu trên THVL, phim sẽ có mặt trên YouTube. Các bộ phim đều gửi gắm những thông điệp, bài học tích cực như: sự trả giá của lòng tham, đề cao chính nghĩa trong cuộc sống... Phim cổ tích không chỉ là thế giới của trẻ thơ, mà còn cuốn hút cả người lớn. 

Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài THVL - cho rằng việc tận dụng nền tảng số cũng là cách tiếp cận khán giả dễ dàng hơn, bởi họ có thể theo dõi những sản phẩm này chủ động hơn. Đạo diễn Quách Khoa Nam (người sản xuất ba series cổ tích nổi tiếng Cậu bé nước Nam, Hai chàng hảo hớn, Gái khôn được chồng (phát trên THVL) chia sẻ: “Đây là niềm vui lớn với chúng tôi. Giữa bối cảnh nhiều nội dung nhảm, bạo lực phát triển rầm rộ trên YouTube, một bộ phận không nhỏ khán giả vẫn tin, ủng hộ giá trị giáo dục từ cổ tích. Điều này động viên chúng tôi phải cố gắng làm tốt hơn nữa”.

Phim Trần Trung Kỳ Án
Phim Trần Trung Kỳ Án

Gian nan giữ cổ tích giữa đời sống hiện đại

Ông Tuấn cho biết nội dung giải trí cho thiếu nhi là một trong những ưu tiên hàng đầu của THVL. Bên cạnh phim cổ tích do người đóng, đài THVL cũng có phim cổ tích hoạt hình 3D, phát vào thứ Hai đến thứ Tư mỗi tuần. Các phim này sau đó cũng được đăng tải lại trên kênh YouTube chính thức của đài, có vài triệu đến hơn 10 triệu lượt xem/phim. 

Theo kế hoạch, năm 2022, mảng cổ tích sẽ tiếp tục được đẩy mạnh phát triển và sẽ khai thác kho tàng cổ tích thế giới. Đạo diễn Khoa Nam cho biết, sau khi dịch ổn định anh sẽ tiến hành bấm máy loạt Vua dế, dự kiến phát sóng tháng 4/2022. Theo anh, với kỹ thuật hiện tại, việc đầu tư mạnh phần bối cảnh của phim cổ tích cũng sẽ là một trong những kênh quảng bá cảnh đẹp Việt Nam. 

Thực tế, mảng nội dung cho thiếu nhi không phải là đối tượng các nhãn hàng hướng đến, trong khi kinh phí sản xuất lại không nhỏ. Nhưng các đơn vị thực hiện này sẵn sàng lấy nguồn thu từ những chương trình khác để bù đắp, nhằm đảm bảo cho trẻ có được món ăn tinh thần hấp dẫn. 

Giữ cổ tích giữa nhịp sống hiện đại cũng còn nhiều khó khăn. Thường mỗi tập phim sẽ mất thời gian gấp rưỡi so với phim có nội dung hiện đại, nên chi phí vận hành, cát-sê diễn viên cũng tăng theo, trong khi kinh phí có hạn. Việc tìm được bối cảnh ưng ý, đáp ứng tính chất của phim cũng là thử thách cho các đạo diễn, nhà sản xuất (NSX). Ngoài ra, ê-kíp cũng phải mất chi phí để phục dựng, đầu tư nhằm đảm bảo ra được chất xưa cần có. 

Để tránh lặp lại những câu chuyện cổ tích từng được khai thác nhiều lần trong những năm qua, NSX có xu hướng tạo thành series dài tập, xâu chuỗi nhiều câu chuyện gắn với một nhân vật. Chẳng hạn, Cậu bé nước Nam dựa trên hình tượng trạng nguyên Nguyễn Hiền và những câu chuyện về nạn tham quan, lộng quyền... Tuy nhiên, lượng tác giả mặn mà với mảng nội dung này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên kịch bản vẫn chưa thực sự đa dạng, nhiều màu sắc để các NSX, ê-kíp có cơ hội được chọn lựa nhiều hơn.

Trích đoạn Vụ án nàng Thị Lựu (phim cổ tích Trần Trung kỳ án)

 

Được lòng khán giả, có những tín hiệu khả quan hơn trên thị trường, nhưng các phim cổ tích vẫn còn lỗi, hạn chế nhất định. Trang phục trong một số phim có màu sắc quá sặc sỡ như: đỏ tươi, xanh neon, vàng chanh... Trong một lần trao đổi, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết đây là lỗi mà nhiều NSX dễ mắc phải khi làm các phim xưa. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng để tái hiện trang phục thời xưa, phải mất chi phí lớn, các ê-kíp có thể không kham nổi. Bối cảnh phim đôi khi còn lọt vào những chi tiết bất hợp lý của đời sống hiện đại như: gạch men bóng loáng, chậu trồng cây bằng xi măng... Từ ngữ xưng hô trong phim còn lộn xộn, không đồng nhất. Chẳng hạn, trong một tập phim Trần Trung kỳ án, cách xưng hô với một cô gái lúc chị, lúc đại tẩu, cô nương... 

Sự cố gắng duy trì mảng nội dung cổ tích giữa bối cảnh khan hiếm sản phẩm giải trí dành cho thiếu nhi là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc khắc phục những hạn chế là cần thiết, để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh hơn. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI