Phim chân dung nhân vật âm nhạc Việt: Vùng trắng!

14/06/2019 - 07:17

PNO - So với nước ngoài, âm nhạc Việt Nam cũng có một lịch sử lâu dài và có nhiều tên tuổi để lại dấu ấn lớn qua từng thời kỳ, từng dòng nhạc, như: Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Lam Phương, Thanh Sơn…

Trong khi điện ảnh nước ngoài xem các huyền thoại, tài danh trong lĩnh vực âm nhạc là mỏ vàng để đưa lên phim thì ở nước ta, dù làng nhạc không thiếu những nhân vật hay, những câu chuyện tình đẹp giữa nhạc sĩ và giai nhân, điện ảnh Việt hầu như không có tác phẩm nào thuộc dòng phim chân dung tiểu sử về các nhân vật âm nhạc. Thể loại này như vùng trắng trong dòng chảy phim Việt.

Hôm nay (14/6), bộ phim Người hỏa tiễn (Rocketman) sẽ ra rạp tại Việt Nam. Như vậy, sau Bohemian Rhapsody (Huyền thoại ngôi sao nhạc rock) về thủ lĩnh nhóm nhạc Queen Freddie Mercury, khán giả Việt lại được thưởng thức một tác phẩm (cũng của đạo diễn Dexter Fletcher) về một huyền thoại khác trong làng âm nhạc thế giới: Elton John.

Trailer Rocketman:

Cuộc đời, sự nghiệp nhiều nhân vật âm nhạc lừng danh đã là cảm hứng để các nhà làm phim Mỹ, Anh, Pháp chuyển thể lên màn ảnh rộng, như: John Lennon (Nowhere boy), Tina Turner (What’s love got to do with it), Bob Dylan (I’m not there), Johnny Cash (Walk the line), Ray Charles (Ray), Édith Piaf (Lavie en rose), Dalida (Dalida)… Không chỉ ca sĩ, chân dung các nhà soạn nhạc cổ điển cũng đã lên phim, như: Mozart (phim Amadeus), Beethoven (Immortal beloved)…

So với nước ngoài, âm nhạc Việt Nam cũng có một lịch sử lâu dài và có nhiều tên tuổi để lại dấu ấn lớn qua từng thời kỳ, từng dòng nhạc, như: Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Lam Phương, Thanh Sơn… Bên cạnh các thăng trầm cuộc sống, nhiều nhân vật còn có chuyện đời éo le, nhất là chuyện tình với những người đẹp - nguồn cảm hứng để họ sáng tác. Những tưởng với bao nhiêu chất liệu đó, các huyền thoại âm nhạc Việt Nam sẽ dễ dàng được các nhà làm phim trong nước khai thác. Nhưng đến nay, ta gần như chưa có tác phẩm nào, trừ dự án về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa được hãng Galaxy công bố vào tháng Ba.

Nói về sự thiếu vắng của những bộ phim Việt Nam tái hiện cuộc đời những huyền thoại âm nhạc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - người đang thực hiện dự án phim về Trịnh Công Sơn - cho biết: “Nhìn chung, với thể loại chân dung tiểu sử, có hai dạng nhân vật rất thuận lợi để làm phim. Một là các gương mặt âm nhạc, vì ở họ có sự lãng mạn, nhiều cảm hứng để làm và hai là các danh tướng, thích hợp cho phim hành động. Cái khó là thuyết phục gia đình của nhân vật cho phép mình đưa nhân vật lên phim, vì họ lo lắng chân dung trong phim không giống người thân của mình.

Dalida: 

Với cố nhạc sĩ Trịnh ông Sơn, tôi có thuận lợi được tiếp xúc nhiều với chú, nên được gia đình tin tưởng. Cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trải qua nhiều biến cố. Tổng kết các chi tiết có thật đó cũng đã mệt rồi, không cần hư cấu thêm, mà có hư cấu cũng không hay, nên quan trọng nhất là phải tả được góc nhìn, ứng xử của ông”.

Có thể thấy, tâm lý từ phía gia đình là nguyên nhân lớn nhất khiến phim về nhân vật âm nhạc nói riêng và dòng phim chân dung tiểu sử “mác” Việt nói chung hết sức khan hiếm, trừ những bộ phim làm về Bác Hồ. Ngoài nguyên nhân chủ yếu đó còn có những lý do khác như khó tìm biên kịch hay, đạo diễn giỏi nghề để tạo nên một tác phẩm tương xứng với tầm vóc nhân vật. Đó là chưa kể việc phải tìm diễn viên hóa thân giống “bản gốc” cũng khá nhiêu khê. Kết quả: mảng phim chân dung về nhân vật âm nhạc trở thành “vùng trũng”, trong khi lẽ ra đó là mỏ vàng để khai thác.

Chia sẻ về triển vọng của những bộ phim chân dung âm nhạc “mác” Việt, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Gần đây, trên thế giới có nhiều phim nói về cuộc đời của các ca sĩ, nhạc sĩ khá thu hút, nên các nhà sản xuất trong nước cũng dự đoán 1, 2 năm nữa, xu hướng này sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Thời gian có thể sớm hay muộn hơn một chút, nhưng một khi nhà sản xuất quyết định đầu tư, nghĩa là họ đã nhìn thấy cơ hội. Thêm nữa, so với trước đây, việc làm phim về những chuyện liên quan đến thời cuộc trước năm 1975 cũng tương đối thoải mái hơn. Làm phim về những con người đã đi qua thời cuộc đó mà không nhắc đến thời đó sẽ mất hay”.

Sẽ rất thú vị khi được thưởng thức một bộ phim về người thật việc thật, bởi bản thân chất liệu từ cuộc đời nhân vật đã đủ lôi kéo khán giả. Trong khi chờ đợi xu hướng phim chân dung nhân vật âm nhạc sẽ nở rộ như dự báo của người trong cuộc, khán giả Việt Nam đành xem đỡ những gương mặt âm nhạc nước ngoài, như lâu nay đã từng. 

Phim chan dung nhan vat am nhac Viet: Vung trang!
Phim Em còn nhớ hay em đã quên thường bị nhầm lẫn là làm về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên (1992) vốn được cho là làm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng khẳng định tại buổi họp báo ra mắt phim năm đó rằng: “Đấy là cuộc đời do ông Phần bịa ra, nhưng nó rất giống với cuộc đời tôi. Ngay cả cậu Lê Công Tuấn Anh cũng giống hình dáng tôi ngày trước”.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI