Phim "Cát Đỏ": Vì mộc nên thô?

14/08/2020 - 07:30

PNO - Bốn năm sau "Thương nhớ ở a"i, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho ra mắt bộ phim truyền hình mới "Cát đỏ" (30 tập, phát sóng trên VTV3 thứ Năm, Sáu hằng tuần).

Vẫn giữ lối làm phim riêng biệt từ cách chọn đề tài gai góc, bối cảnh đẹp, cho đến việc chọn diễn viên toàn gương mặt mới, Cát đỏ đem đến một phong vị lạ cho chương trình phim Việt giờ vàng trên VTV. Phim làm người xem háo hức với “phần nhìn” ngay từ những phút đầu tiên, bởi khung hình rất “điện ảnh” cùng việc khai thác dấu ấn văn hóa đời sống đặc trưng của những con người ở xứ cồn cát như chăn nuôi bò, cừu, làm gốm, nước mắm… và cốt truyện gây tò mò về ba người phụ nữ chửa hoang. 

Nhân vật chàng nhạc sĩ lãng tử Quang (trái) trong Cát đỏ khiến người xem “xốn” mắt vì hành xử cục súc, nói năng thô lỗ
Nhân vật chàng nhạc sĩ lãng tử Quang (trái) trong Cát đỏ khiến người xem “xốn” mắt vì hành xử cục súc, nói năng thô lỗ

Kể câu chuyện về những con người nơi miền gió cát, nên Cát đỏ mang màu sắc rất “mộc”. Chất “mộc” không chỉ toát lên từ bối cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, tạo hình của các diễn viên, mà còn từ cách ăn nói hành xử của nhân vật.

Tuy nhiên, nếu sự “mộc” trong bối cảnh, tạo hình được người xem đánh giá cao, thì “mộc” trong lời thoại, hành động của nhân vật gây khó chịu vì quá “thô”. Không khỏi giật mình khi nghe nhân vật buông chữ cục c.., con đĩ trên một bộ phim phát sóng giờ vàng.

Đàn ông dùng những từ như nó, con, con mụ để chỉ phụ nữ, thậm chí nói về vợ mình. Nói năng cục súc, hành động lỗ mãng. Chàng chăn cừu Nguồn dùng roi da quật Nhớ và mắng cô trong lần đầu chạm mặt: “Mày thật khốn nạn”, khi bị Nhớ hiểu lầm là kẻ hám tiền. Chàng nhạc sĩ Quang quát mắng đuổi bạn gái chỉ vì vừa về nhà đã thấy cô ngồi chờ mình. Trong một cảnh khác, Quang giật lấy cây đàn từ tay người bạn đang ngồi trò chuyện với ba cô gái và hát như hét vào mặt các cô câu “Đàn bà là những niềm đau…” nhằm đuổi họ đi chỗ khác. 

Phụ nữ trong phim khiến người xem “à, ố” với những hành xử ngược đạo đức. Như Nhớ khi giáp mặt vợ Hai Ngò đã hỏi bằng giọng thách thức: “Đã bao giờ bà hỏi ông ấy yêu tôi hay yêu bà chưa?”, trong khi cô chỉ là tình nhân. Vợ Hai Ngò gọi mẹ chồng và chồng bằng cụm từ các người.

Oái oăm thay, người tích cực “đẩy” Nhan đến với trai lạ là Đủ và Nhớ, trong khi lẽ ra với sự từng trải của những người nếm trái đắng chửa hoang, hai cô phải quyết liệt ngăn cản chuyện “tình một đêm” này. Tuy để cho các nhân vật hành xử khá “thô”, nhưng thỉnh thoảng thoại trong phim lại tỏ ra hoa mỹ một cách khó hiểu, đối lập với hình ảnh lam lũ quê mùa, chân chất của họ.

Chẳng hạn, khi Hai Ngò nghe Nguồn nói chuyện, liền buông câu cảm thán: “Tôi không thể để lạc mất ánh cười trong mắt em”.

Không thể phủ nhận Lưu Trọng Ninh luôn để lại dấu ấn cá nhân độc đáo ở từng tác phẩm, và với Cát Đỏ là sự gai góc, mộc mạc, nhưng sự “mộc” trong phim dường như đang bị “thô hóa”. Nếu như trong một phim điện ảnh - dòng phim có phân loại độ tuổi người xem - sự “mộc” là thô được chấp nhận, thì trong phim truyền hình điều này lại gây tranh cãi, vì đây là dòng phim phát sóng phục vụ số đông, trong đó có cả khán giả trẻ em, nên mọi thứ cần có một chuẩn mực, ranh giới nhất định. Làm được điều này không dễ, nhưng xử lý tốt sẽ chứng minh được đẳng cấp tay nghề. 

Nguyễn Ngọc 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI