Phim "Cám" cải biên chuyện cổ tích táo bạo

20/09/2024 - 15:45

PNO - Phim vẫn có những chi tiết quen thuộc trong truyện như hình ảnh trái thị, con cá bống, ngày hội thử hài, nhiệm vụ nhặt thóc gạo, bắt tôm bắt tép, Tấm leo cây cau, mẹ kế ăn hũ mắm… nhưng có cách lý giải, xử lý tình huống theo hướng tối tăm khó ngờ.

8 năm sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể, điện ảnh Việt có thêm một phiên bản mới lấy cảm hứng từ chuyện cổ tích Tấm Cám. Phim Cám (khởi chiếu 20/9) do đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện vẫn giữ nguyên hệ thống nhân vật nhưng diễn biến câu chuyện đậm màu “đen tối”, máu me. Chưa hết, kèm theo đó là một cái kết đảo lộn nguyên tác khiến người xem bất ngờ.

Phim Cám xoay quanh câu chuyện hắc hóa của 2 chị em Tấm. Cám.
Phim xoay quanh câu chuyện "hắc hóa" của 2 chị em Tấm, Cám

Thay vì Tấm như trong truyện, phiên bản điện ảnh chọn Cám làm nhân vật trung tâm. Trong phim, Cám sinh ra đã mang dung mạo “trời hành” nên bị cha mẹ và người làng hắt hủi. Khi lớn lên Cám bị cha là Hai Hoàng, trưởng làng Hương mang đi hiến tế để thực hiện giao kèo từ đời xưa của dòng tộc với thế lực huyền bí Bạch lão.

Tương tác diễn xuất của Lâm Thanh Mỹ (trái) và Rima Thanh Vy (phải) trong phim tốt, thể hiện tình chị em gắn bó
Tương tác diễn xuất của Lâm Thanh Mỹ (trái) và Rima Thanh Vy (phải) trong phim tốt, thể hiện tình chị em gắn bó

Sau khi bị hiến tế, Cám được hồi sinh. Từ đây Cám bắt đầu hành trình trả thù đẫm máu nhắm vào những kẻ từng hắt hủi, xa lánh mình. Nhưng kể cả những người yêu thương cô, Cám cũng không nương tay.

Phim tạo dựng tốt không khí rùng rợn, huyền bí thông qua bối cảnh. phục trang, hóa trang, ánh sáng...
Phim tạo dựng tốt không khí rùng rợn, huyền bí thông qua bối cảnh, phục trang, hóa trang, ánh sáng...

Phim tạo dựng được không khí dân gian cổ xưa, huyền bí thông qua bối cảnh. phục trang, đạo cụ, tạo hình nhân vật, màu phim. Làng Hương nơi câu chuyện diễn ra gây ấn tượng với những ngôi nhà rường cổ tối tăm, giếng nước phủ đầy rêu, khu rừng đầy những thân cây hình thù dị dạng.

Phục trang trong phim phong phú, thực hiện kỳ công
Phục trang trong phim phong phú, thực hiện kỳ công

Phần trang phục là các cổ phục Việt như áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm… được chăm chút từng họa tiết, phụ kiện, cách phối màu và cả cách mặc. Trong đó ấn tượng nhất là phần phụ kiện dành cho Tấm lúc vào cung gồm các trang sức như trâm cài chạm khắc công phu bằng vàng, khăn nhiễu, ngọc bội.

Dù chỉ diễn xuất bằng nửa bên mặt, nữ chính Lâm Thanh Mỹ vẫn lột tả thành công nội tâm phức tạp của nhân vật
Dù chỉ diễn xuất bằng nửa bên mặt, nữ chính Lâm Thanh Mỹ vẫn lột tả thành công nội tâm phức tạp của nhân vật

Điểm cộng cho phần nhìn còn nằm ở khâu hóa trang kỳ công. Gương mặt của Cám hiện ra như quái thai với làn da gồ ghề, một nửa mặt biến dạng gây chảy xệ con mắt. Tạo hình của Bạch lão với gương mặt đỏ chót, đôi mắt thứ ba và cái lưỡi dài trông đầy quỷ dị. Cũng nhờ hóa trang, thay vì dùng kỹ xảo mà hiệu ứng máu me trong cảnh hiến tế, cảnh Cám lột da mặt, róc thịt các nạn nhân đạt độ chân thật.

Trailer phim Cám:

Về tuyến nhân vật, vẫn có 4 nhân vật quen thuộc gồm hai mẹ con Cám, Tấm và thái tử. Nhưng trong phim cha Tấm còn sống và có thêm nhân vật bà Ba Tầm - cô của Tấm, Cám và thằng Bờm - nhân vật dân gian quen thuộc.

Phim cũng giữ nhiều chi tiết, tình tiết đặc trưng trong truyện như quả thị, cá bống, hũ mắm tặng mẹ kế, thử hài, lựa thóc gạo, bắt tôm tép, Tấm trèo cây cau nhưng được biến tấu trái ngược với truyện. Chẳng hạn Cám mới là người bị mẹ kế bắt lựa thóc gạo, Cám trút giỏ đầy tôm tép của mình sang cho chị, Cám làm mắm tặng mẹ kế, Cám chặt cây cau nhưng Tấm không ngã chết.

Phim có thêm nhân vật Bờm và tuyến tình cảm giữa Bờm với Cám
Phim có thêm nhân vật Bờm (phải) và tuyến tình cảm giữa Bờm với Cám

Phim tập trung khai thác tâm lý nhân vật phản diện Cám để lý giải quá trình biến đổi từ người hiền sang kẻ ác. Kể cả mẹ kế cũng có những phân cảnh giúp người xem hiểu được nỗi niềm của bà khi sống với người chồng gia trưởng, vô tâm.

Cùng với đó kịch bản lật mở những bí mật trong dòng tộc khiến cho câu chuyện có chiều sâu và khó đoán hơn chứ không đơn giản, kết thúc có hậu như truyện cổ tích. Yếu tố ác trong truyện như cách mẹ kế hành hạ con, hũ mắm gửi mẹ kế lên phim được đẩy cao bằng những hình ảnh ghê rợn tạo ra một dị bản tối tăm, đáng sợ.

Nhân vật Bà Kế trong phim cũng được xây dựng có những ẩn tình riêng
Nhân vật mẹ kế được xây dựng có những ẩn tình riêng

Về diễn xuất, Lâm Thanh Mỹ tỏa sáng trong vai Cám. Diễn xuất của cô thể hiện được sự khác biệt rõ rệt giữa nét hiền và ác mặc dù cô chỉ có thể bộc lộ cảm xúc với một nửa mặt. Rima Thanh Vy (vai Tấm) và Thúy Diễm (vai Bà kế) ở mức tròn vai. Diễn viên Quốc Cường (vai Hai Hoàng) có phong độ diễn xuất ổn định, lột tả nội tâm phức tạp của nhân vật.

Tuyến thuyện nhân vật Bạch lão chưa được khai thác sâu
Tuyến nhân vật Bạch lão chưa được khai thác sâu

Khá tiếc khi tuyến truyện của quỷ 3 mắt Bạch lão - nhân vật giữ vai trò quan trọng trong câu chuyện phim -chưa được khai thác sâu. Nhịp phim khá chậm, một số đoạn diễn tiến dài dòng, một số câu thoại sử dụng ngôn ngữ thời nay nên lạc quẻ. Dù vậy trong mặt bằng chung của phim kinh dị, phim có chất lượng tốt, mang tính đột phá bởi dám cải biên táo bạo một câu chuyện dân gian quen thuộc.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI