Kéo dài tuổi thọ của đêm nhạc
Phim âm nhạc hay phim tài liệu âm nhạc đang là hình thức được một số ca sĩ lựa chọn, nhằm kéo dài tuổi thọ của các đêm nhạc lớn, các liveshow đánh dấu cột mốc mới trong hành trình làm nghệ thuật của họ. Mới đây, rapper Đen Vâu cho biết đêm nhạc Show của Đen năm 2019 của anh sẽ được ra mắt theo hình thức phim âm nhạc, như một món quà tri ân tình cảm của khán giả.
Trong hai năm qua, Đen Vâu đăng tải “nhỏ giọt” một vài màn trình diễn trong Show của Đen, nhằm đáp lại sự chờ đợi của các khán giả không tham dự sự kiện. Dù người hâm mộ yêu cầu được xem nhiều hơn, nam rapper cũng không tiết lộ thêm các phần trình diễn. Đến khi Đen Vâu cho biết sẽ ra mắt phim âm nhạc vào ngày 1/10 sắp tới trên Netflix và các nền tảng khác, khán giả mới hiểu vì sao nam rapper giữ kín hình ảnh liveshow suốt hai năm qua.
|
Đen Vâu trong đêm nhạc Show của Đen vào năm 2019 |
Cách làm của rapper Đen Vâu khá khác so với một số ca sĩ Việt trước đây. Ca sĩ Hoàng Dũng, Đông Nhi hay nhóm Cá Hồi Hoang, sau các đêm nhạc, họ chọn cách đăng tải ngay một số phần trình diễn lên YouTube và sau đó, sẽ chia sẻ toàn bộ liveshow để khán giả thưởng thức. Việc ghi hình và đăng tải này khá đơn giản, được nhiều ca sĩ Việt lựa chọn với mục đích duy trì sức nóng của đêm nhạc khi sự kiện kết thúc.
Còn với hình thức phim âm nhạc, sự chuẩn bị kỳ công hơn, đặc biệt ở khâu hậu kỳ, dựng phim. Phía ca sĩ Đen Vâu cho biết nếu đêm nhạc thực tế kéo dài vài giờ đồng hồ, với khoảng 20 ca khúc được trình diễn, thì ở phim, thời lượng “gói gọn” trong gần 90 phút, với 15 ca khúc. Show của Đen trên phim sẽ cô đọng và nhiều cảm xúc hơn, vì khán giả được nghe thêm các chia sẻ của nam rapper.
Với các phim âm nhạc, “công thức” hiện tại gồm hai phần chính, phần chia sẻ của chủ nhân đêm nhạc hoặc khách mời và thời lượng dành cho các màn trình diễn trong liveshow. Tùy vào mục đích của ca sĩ mà phần tự sự trong phim sẽ nhiều hay ít, khâu biên tập cắt dựng cần dụng công nhiều hay không.
Trước Đen Vâu, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng khai thác đêm nhạc theo hình thức phim, nhưng anh chọn thể loại tài liệu. Hướng phát hành của Sơn Tùng M-TP cũng hoàn toàn khác với các ca sĩ, bởi trước khi đưa lên Netflix, phim tài liệu âm nhạc Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie được chiếu tại rạp trong khoảng thời gian ngắn, và phim không đăng tải lên YouTube như Đen Vâu.
So với nghệ sĩ quốc tế, tại Việt Nam, số lượng ca sĩ khai thác liveshow theo hướng phim âm nhạc chưa nhiều. Đa phần, các ca sĩ ghi lại theo hình thức kỷ niệm, đăng tải để người hâm mộ được theo dõi là chính, chưa tận dụng để khai thác nội dung nhằm thu về các nguồn lợi cộng thêm.
Trailer Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie :
Có thể hái ra tiền từ sản phẩm hậu liveshow
Thời điểm Sơn Tùng M-TP ra mắt phim tài liệu Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie tại rạp, bộ phim sớm lập kỷ lục khi chỉ trong ba ngày bán được 58.000 vé, thu về hơn 5 tỷ đồng. Với kỷ lục này, phim của Sơn Tùng trở thành phim tài liệu âm nhạc có doanh thu mở màn cao nhất doanh thu rạp chiếu tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại (theo số liệu của Box Office Vietnam).
Kết quả Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie đạt được tại rạp là thành tích phụ thuộc nhiều yếu tố, từ lượng fan hùng hậu cho đến chiến lược truyền thông, sự mới mẻ về mặt thể loại… Trước phim tài liệu của Sơn Tùng, phim ca nhạc Truyện ngắn của ca sĩ Hà Anh Tuấn được truyền thông chú ý, nhưng khi ra rạp, phim không đạt doanh thu ấn tượng, chỉ như một sản phẩm cộng thêm từ các đêm nhạc của anh đã diễn ra trước đó. Một phần, Truyện ngắn được thực hiện theo hình thức thể nghiệm, thể loại khá mới so với khán giả trong nước, phần khác do chất lượng phim không thật sự ấn tượng nên khó tạo được cú hích phòng vé.
Tại Việt Nam, ngoài Sơn Tùng M-TP, chưa có ca sĩ nào thu lợi nhiều từ một sản phẩm hậu liveshow. Tuy nhiên, với nghệ sĩ các nước, đặc biệt ở thị trường giải trí Hàn Quốc, phim âm nhạc hay phim tài liệu âm nhạc được khai thác một cách triệt để. Cho đến nay, nhóm BTS của Hàn đã ra mắt bốn phim tài liệu khác nhau, mỗi phim đều thu về số tiền “khủng”. Trong đó, bộ phim tài liệu Bring the Soul: The Movie (phát hành tháng 8/2019) đạt doanh thu cao nhất với hơn 24 triệu USD, xếp thứ hai là phim Burn the Stage: The Movie (2018) thu về hơn 20 triệu USD. Đây là con số không hề nhỏ cho một sản phẩm cộng thêm sau liveshow của nhóm, dù các sản phẩm này đều không cần quá dụng công thực hiện. Phim là sản phẩm tổng hợp có chủ đề của các phần trình diễn trên sân khấu, clip hậu trường đêm nhạc và một vài hình ảnh về cuộc sống của các thành viên trong thời gian lưu diễn.
Nối gót BTS, phim tài liệu của nhóm nhạc Black Pink, ra mắt nhân kỷ niệm 5 năm thành lập nhóm cũng được chú ý, thu về hơn 4,8 triệu USD doanh thu toàn cầu. Sau khi chiếu rạp, các phim tài liệu này tiếp tục được bán cho các nền tảng chiếu phim trực tuyến, thu thêm nguồn lợi từ tiền bản quyền.
Trailer Show của Đen:
Đương nhiên, sự thành công về mặt doanh thu của các phim tài liệu từ BTS, Black Pink hay Sơn Tùng M-TP phụ thuộc phần lớn vào cộng đồng fan hùng hậu và danh tiếng của nghệ sĩ. Tuy nhiên, với bất kỳ ca sĩ nào, dù số lượng fan khiêm tốn hơn cũng đều có thể nghĩ đến việc thực hiện phim tài liệu âm nhạc từ chính các liveshow vì hình thức này vừa không quá khó thực hiện, lại vừa tận dụng chất liệu sẵn có. Đơn cử như các đêm nhạc ấn tượng của ca sĩ Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn hay Vũ Cát Tường… thời gian qua đều có thừa chất liệu để thực hiện.
Dòng phim âm nhạc hay tài liệu âm nhạc đã được khai thác từ lâu tại các thị trường giải trí Âu - Mỹ, hay nở rộ tại Hàn Quốc trong những năm gần đây. Ở Việt Nam, dòng phim này còn khá mới mẻ, nhưng cũng đã có những sản phẩm đầu tiên mang tính chất “mở đường”, hoàn toàn có thể trở thành xu hướng trong thời gian tới, đặc biệt sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều ca sĩ ấp ủ thực hiện sản phẩm kỷ niệm một chặng đường hoạt động nghệ thuật.
Diễm Mi