Philippines: Trẻ em thoát khỏi đường dây khiêu dâm qua mạng khó trở về nhà

07/05/2019 - 06:00

PNO - Được giải cứu khỏi các đường dây khiêu dâm qua mạng, nhiều thanh thiếu niên tại Philippines không thể trở về nhà, phần vì xấu hổ, phần vì nguy cơ bị lôi kéo vào lại con đường tội lỗi.

Chang không muốn về nhà với bố mẹ, ít nhất là vào lúc này. Cô gái 18 tuổi vẫn sống tại trung tâm bảo trợ kể từ khi được giải cứu bốn năm trước, khỏi tay một người hàng xóm đã ép cô thực hiện hành vi tình dục trước webcam cho “khán giả” ở nước ngoài.

Xấu hổ vì sai lầm, Chang nói: “Tôi sẽ về nhà khi sẵn sàng đối mặt với cha mẹ, nói với họ rằng tôi đã thay đổi và tự lập”. Đối với Chang, trung tâm bảo trợ đã cho cô cuộc sống mới. Cô gái trẻ đang đứng đầu các lớp học, làm nhóm trưởng một đoàn nhảy và đi đến nhiều nơi để kể lại câu chuyện của mình, nhằm mang lại ánh sáng hàng nghìn cô gái vẫn bị mắc kẹt trong hoàn cảnh tương tự.

Chang là một trong hàng trăm cô gái và phụ nữ trẻ đang ở tại các tổ chức từ thiện sau khi được giải cứu khỏi nạn buôn người, nô lệ tình dục trên mạng, với hơn 60.000 trường hợp được báo cáo tại Philippines vào năm 2018, tăng gấp năm lần trong vòng bốn năm.

Philippines: Tre em thoat khoi duong day khieu dam qua mang kho tro ve nha
Nhiều thanh thiếu niên không dám trở về nhà vì xấu hổ. Trong khi một số trường hợp khác, việc trở về nhà có thể đẩy các em quay lại làm nạn nhân của tội phạm tình dục qua mạng.

Dẫn đầu bởi cảnh sát Philippines, một lực lượng đặc nhiệm toàn cầu đã theo dõi và giải cứu hàng trăm trẻ em bị lạm dụng tình dục trực tuyến trong năm nay.

Với sự trợ giúp của các nhà điều tra từ Anh và Úc, Philippines cố gắng kìm hãm ngành công nghiệp bất hợp pháp dựa trên nền tảng internet giá rẻ, trình độ tiếng Anh cao của người dân và tình trạng nghèo đói tràn lan.

Tuy nhiên, những cuộc truy bắt dẫn đến việc số trẻ em cần được bảo vệ tăng vọt, khiến các trung tâm bảo trợ tụt lại phía sau.

Kể từ năm 2011, Phái đoàn Công lý Quốc tế (IJM), một tổ chức từ thiện chống buôn người đã giải cứu hơn 400 trẻ em khỏi các vụ lạm dụng tình dục trực tuyến và đưa chúng vào 25 nơi trú ẩn được chứng nhận chăm sóc đặc biệt.

Sau khi trẻ phục hồi, nhân viên sẽ tìm kiếm một thành viên gia đình được coi là phù hợp và đáng tin cậy để tiếp tục nuôi dạy đứa trẻ. Nếu không thành công, một số trẻ tiếp tục sống tự lập sẽ được các tổ chức từ thiện giúp đỡ, hoặc ở lại trong các trung tâm bảo trợ và số ít khác được nhận nuôi.

Philippines: Tre em thoat khoi duong day khieu dam qua mang kho tro ve nha
Internet giá rẻ, tỷ lệ nghèo đói cao cùng khả năng sử dụng tiếng Anh tương đối khiến nhiều trẻ em tại Philippines trở thành con mồi cho tội phạm tình dục qua mạng.

Nhiều nạn nhân muốn được đoàn tụ với cha mẹ trong khi vẫn sẵn sàng nhận tiền từ người lạ để ép buộc trẻ thực hiện hành vi tình dục trực tuyến.

Những kẻ lạm dụng có thể kiếm tới 100 USD cho mỗi đoạn ghi hình, tại một quốc gia nơi có khoảng một phần năm trong số 105 triệu người sống ở mức nghèo đói, thu nhập ít hơn 2.000 USD mỗi năm.

Vì người thân hoặc bạn bè của gia đình là người “dắt mối” trong hầu hết các trường hợp, lạm dụng tình dục trên mạng trở nên bình thường đến mức nhiều nạn nhân, có tuổi trung bình là 12, từ chối việc chăm sóc tại các trung tâm hỗ trợ.

Delores Rubia, Giám đốc Trung tâm chăm sóc trẻ em IJM cho biết: “Rất khó để chúng tôi giải thích với những đứa trẻ này rằng chúng phải ở nhà trú ẩn vì sự an toàn của bản thân”.

Dù không có dữ liệu chính xác về số trẻ em bị buôn bán trên mạng, theo Chỉ số nô lệ toàn cầu của Tổ chức từ thiện Walk Free Foundation, khoảng 784.000 người ở Philippines đang sống trong cảnh nô lệ hiện đại.

Mối liên kết gia đình cũng biến thành trở ngại cho luật pháp. Vào năm 2018, một cô gái, người được cho là bị lạm dụng trong nhiều năm từ lúc 8 tuổi, đã từ chối làm chứng chống lại mẹ, khiến vụ án đi vào bế tắc.

Sherryl Loseno, giám đốc hoạt động tại Voice of the Free, một tổ chức từ thiện điều hành trung tâm bảo trợ cho nạn nhân lạm dụng tình dục trực tuyến cho biết: “Cô con gái vẫn ở với chúng tôi, chờ lệnh của tòa án cho phép đoàn tụ với mẹ mình”.

Giống như hầu hết các trung tâm bảo trợ, Voice of the Free thường chỉ phục vụ cho các bé gái, nhưng vào năm 2016, một cậu bé 5 tuổi cùng với em gái 2 tuổi được đưa khỏi gia đình vì bị lạm dụng. Cả hai phục hồi tương đối nhanh chóng, nhưng phải ở lại nơi trú ẩn thêm hai năm cho đến khi những người chăm sóc tìm thấy một ngôi nhà  phù hợp.

Sherryl kể: “Không phải ai cũng muốn nhận nuôi thêm hai đứa trẻ, nhưng điều quan trọng là chúng không thể bị tách rời hay trải qua một chấn thương tâm lý nghiêm trọng khác”.

Philippines: Tre em thoat khoi duong day khieu dam qua mang kho tro ve nha
Nhiều trẻ em không hề nghĩ rằng việc bị người thân, hàng xóm đưa vào con đường khiêu dâm qua mạng là sai trái.

Dù vậy, việc tìm thấy gia đình sẵn sàng cưu mang đứa trẻ từng trải qua nạn lạm dụng tình dục qua mạng là rất hiếm. Chỉ có 3 trong số 400 trẻ em do IJM giải cứu được nhận nuôi, và các tổ chức từ thiện lo ngại về khả năng duy trì của trung tâm bảo trợ.

Sherryl Loseno chia sẻ thêm: “Chúng tôi chỉ có thể phục vụ đến sức chứa tối đa của cơ sở”. Nơi tạm trú chính của Voice of the Free ở Manila chỉ có 50 giường cho 48 nạn nhân cần giúp đỡ.

Tấn Vĩ (Theo SCMP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI