Philippines: Tài xế xe bus phải ra đường ăn xin vì COVID-19

16/08/2020 - 18:01

PNO - Hàng trăm tài xế Philippines đang rơi vào tình trạng túng quẫn do bị thất nghiệp, vô gia cư, và giờ phải ra đường ăn xin.

Bị buộc phải ra đường ngay cả khi đang thực thi lệnh cách ly bởi COVID-19, anh Daniel Flores - tài xế lái xe Jeepney (một loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại Philippines), đã phải quỳ gối trên một góc phố của thủ đô Manila nhằm nhặt nhạnh chút ít tiền bố thí của người đi đường để mua thực phẩm cho gia đình vốn đang bị đói mấy hôm nay. 

Một nhóm các tài xế lái xe jeepney trên đường phố thủ đô Manila, đeo trên người tấm bảng với dòng chữ Làm ơn. Chúng tôi đói - Ảnh: AFP
Một nhóm các tài xế lái xe jeepney trên đường phố thủ đô Manila đeo trên người tấm bảng với dòng chữ "Làm ơn. Chúng tôi đói" - Ảnh: AFP

Cậu thanh niên 23 tuổi này đã không bắt được cuốc khách nào kể từ hồi tháng Ba, khi toàn bộ hệ thống giao thông công cộng bị ngưng hoạt động và mọi người bị yêu cầu phải ở trong nhà trong nỗ lực làm chậm lại tốc độ lây lan quá nhanh của coronavirus ở nước này.

Jeepneys vốn là những chiếc xe được tân trang từ những chiếc jeep còn sót lại của quân đội Mỹ sau Thế chiến thứ II, được xem là nét văn hóa đặc trưng của Philippines, đồng thời đóng vai trò "xương sống" trong hệ thống giao thông công cộng của quốc gia này trong suốt nhiều năm liền với giá vé rất rẻ, chỉ khoảng 9 peso (tương đương 5.000 VND).  

Xe Jeepney từ lâu đã được xem là phương tiện giao thông công cộng rẻ và phổ biến nhất tại Philippines với hàng triệu lượt sử dụng mỗi năm - Ảnh: The Guardian
Xe Jeepney là phương tiện giao thông công cộng rẻ và phổ biến nhất tại Philippines với hàng triệu lượt sử dụng mỗi năm - Ảnh: The Guardian

Thế nhưng giờ đây, anh Flores cùng hàng ngàn tài xế khác đã mất việc làm sau vài tháng thực hiện cách ly khiến nền kinh tế của cả đất nước lao dốc không phanh.

Không có thu nhập trong khi những tờ hóa đơn và giấy thông báo nợ cứ dày lên mỗi ngày, hôm nay, Flores cùng vợ và hai con chính thức chuyển ra sống trên chiếc xe jeepney của mình bởi chủ nhà đã buộc họ phải trả lại căn hộ do không đóng tiền thuê nhà suốt mấy tháng liên tiếp.

Là một tài xế chuyên nghiệp, thế mà giờ đây, thay vì ngồi sau vô-lăng thì Flores lại đang phải quỳ mọp gối trên vỉa hè ngày qua ngày để xin từng đồng bạc lẻ của khách qua đường. Nhiều người cùng cảnh ngộ như Flores cũng đang làm như vậy.

"Chúng tôi chả còn có chút gì trong tủ lạnh cả", Flores trả lời phóng viên khi anh đang ngồi cạnh chiếc xe jeebney của mình đậu tạm trên một con phố trung tâm, bên trong lỉnh kỉnh nồi niêu xong chảo và áo quần cũ. Một vài tấm bìa bằng giấy các-tông che sơ sài quanh cửa sổ của chiếc xe không chỉ để giữ đôi chút riêng tư cho "căn phòng di động", mà còn giúp họ có thêm cảm giác được che chở khỏi sự tấn công của virus đang chực chờ ở bên ngoài.

Anh Flores cùng đứa con gái nhỏ của mình bên trong căn phòng tạm bợ được cải tạo từ chiếc xe jeepney của mình - Ảnh: AFP
Anh Flores cùng đứa con gái nhỏ của mình bên trong "căn phòng" tạm bợ được cải tạo từ chiếc xe jeepney của mình - Ảnh: AFP

"Giờ đây cả nhà tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa mà thôi. Thậm chí có khi chúng tôi còn không có gì để ăn nếu hôm đó không kiếm được việc làm hoặc không xin được đồng nào cả". Tình hình bi đát đến mức hôm qua, họ đã phải gửi đứa con gái 7 tháng tuổi của mình đến ở nhờ nhà một người quen ở ngoại ô Manila "để con bé còn có chút gì mà ăn". Khi mà số ca lây nhiễm ở Philippines đã vượt ngưỡng 157.000 người - cao nhất khu vực Đông Nam Á, và Manila thì đang trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt thì Flores không hề biết đến khi nào mình mới có thể lái xe đi làm trở lại được. 

Sesinando Bondoc, 73 tuổi, đã làm nghề tài xế jeepney từ khi mới 28 tuổi, cho biết tìm một công việc khác lúc này với độ tuổi của mình là điều bất khả thi.

Chen chân cùng các tài xế thất nghiệp khác trên con đường chật chội bụi bặm với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, ông Bondoc thú nhận rằng, bụng đói đã khiến ông quên mất nguy cơ nhiễm virus.

"Thậm chí mới đây tôi còn suýt bị xe đâm. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Giờ tất cả những gì tôi muốn là có chút gì bỏ bụng mà thôi", ông Bondoc nói, giọng khản đặc bởi nước mắt đang ứa ra trên khuôn mặt già nua.

Thật ra cánh tài xế cũng có nhận được một ít tiền và hàng cứu trợ từ chính phủ; tuy nhiên, vẫn không bù đắp được sự thiếu hụt về mọi mặt của họ do mất việc.

Trong tháng Sáu, 6 tài xế xe jeepney đã bị cảnh sát bắt giữ do vi phạm lệnh cách ly khi tụ tập thành nhóm nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ. Chưa kể giới tài xế còn đang lo ngại chính phủ sẽ "xóa sổ" những chiếc xe jeepney bởi tuổi đời quá cao của nó gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở nội đô các thành phố lớn của Philippines.

Renato Gandas, tài xế 57 tuổi với hơn 30 năm hành nghề cho biết, bên cạnh lệnh cách ly do COVID-19, thì thông tin chính phủ sẽ cấm cửa loại xe này trong thời gian tới đã khiến anh quyết định bán tống bán tháo chiếc xe của mình. "Có thể tôi sẽ gia nhập đội quân ăn xin để tồn tại", Gandas cho biết khi được hỏi sẽ làm nghề gì để sống sau khi bán đi chiếc xe vốn là "cần câu cơm" chính của mình.

Một chiếc xe jeepney đã ngừng hoạt động do lệnh cấm của chính phủ Philippines trước làn sóng COVID-19 đang quay trở lại. Giờ đây nó đang trở thành nhà của những tài xế bị thất nghiệp - Ảnh: AFP
Một chiếc xe jeepney đã ngừng hoạt động do lệnh cấm của chính phủ Philippines trước làn sóng COVID-19 đang quay trở lại. Giờ đây nó trở thành nhà của những tài xế bị thất nghiệp - Ảnh: AFP

Nguyễn Thuận (Theo AFP)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI