Philippines phớt lờ phán quyết Tòa trọng tài quốc tế để bắt tay với Trung Quốc

12/09/2019 - 19:28

PNO - Tổng thống Philippines quyết định phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế để thực hiện thăm dò dầu khí chung với Bắc Kinh ở Biển Đông. Các chuyên gia nói rằng đây là động thái vi phạm hiến pháp, hoặc là một bước đi thông minh.

Tổng thống Duterte khiến nhiều nhà phân tích và vô số nhà phê bình đau đầu khi ông tuyên bố hôm thứ Ba rằng Manila sẽ bỏ qua phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016, để tiếp tục liên doanh thăm dò dầu khí với Trung Quốc gần bãi Cỏ rong (Reed Bank).

Các chuyên gia hàng hải trước đây cảnh báo rằng Tổng thống Philippines có động thái hạ thấp phán quyết, làm mạnh thêm quyết tâm của Trung Quốc trong việc theo đuổi các yêu sách lãnh thổ trên biển.

Philippines phot lo phan quyet Toa trong tai quoc te de bat tay voi Trung Quoc
Tổng thống Duterte gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 8/2019 ở Bắc Kinh.

Tòa án ở The Hague từ chối công nhận đường chín đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để chiếm phần lớn biển Đông, bao gồm bãi Cỏ rong mà Philippines tuyên bố chủ quyền thuộc Vùng đặc quyền kinh tế 12 hải lý (EEZ). Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận phán quyết.

Nhiều nhà quan sát mô tả động thái mới nhất của Duterte là bước ngoặc đáng chú ý khi chỉ vài tuần trước, ông hứa sẽ “phân rõ trắng đen” cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du tới Bắc Kinh.

Kết quả vào thứ Ba 10/9, chỉ vài ngày sau khi trở về từ chuyến thăm, ông Duterte cho biết khu vực kinh tế độc quyền là một phần của phán quyết trọng tài mà Philippines sẽ bỏ qua để theo đuổi hoạt động kinh tế với Trung Quốc.

Theo ông, các quan chức Trung Quốc đồng ý cấp cho Philippines sở hữu 60% cổ phần của bất kỳ thỏa thuận nào về thăm dò chung giữa hai nước.

Quyết định của ông Duterte ngay lập tức gây ra sự phản đối từ nhiều chuyên gia, bao gồm cựu nghị sĩ Neri Colmentares, chủ tịch đảng Bayan Muna cánh tả. Ông Neri nói rằng hiến pháp Philippines cấm các nỗ lực thăm dò chung trong vùng đặc quyền kinh tế, đòi hỏi chính phủ kiểm soát hoàn toàn mọi hoạt động thăm dò hoặc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, Teodoro Locsin Jnr, thư ký về vấn đề nước ngoài của ông Duterte, đã đưa ra những bình luận ngắn trên Twitter vào thứ Tư: “Trung Quốc chưa bao giờ đặt yêu cầu gạt bỏ phán quyết trọng tài sang một bên làm điều kiện tiên quyết cho bất cứ điều gì; ngược lại, Trung Quốc tôn trọng quan điểm về chủ quyền của Philippines”.

Philippines phot lo phan quyet Toa trong tai quoc te de bat tay voi Trung Quoc
Người dân Philippines biểu tình phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: EPA)

Mặc dù vậy, các nhà phân tích khác vẫn chia sẻ những lo ngại liên quan đến hiến pháp. Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cho biết trên Facebook rằng ông Duterte dường như đang suy xét về tình trạng “đồng sở hữu” với Trung Quốc.

Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines cho biết rằng sự sắp xếp của ông Duterte với Trung Quốc đòi hỏi việc kiểm soát chung, ra quyết định chung, quản lý chung và lợi ích chung.

Điều này nằm ngoài quy định của Hiến pháp năm 1987 hoặc luật pháp về dầu khí hiện hành, vốn giả định rằng Philippines sẽ có hoạt động thăm dò và phát triển dầu khí được thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân, hoàn toàn chịu sự quản lý của quốc gia và đảm bảo chủ quyền.

Ông nói thêm rằng quy định này cản trở việc hợp tác cùng Công ty Dầu khí ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), một công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước và kiểm soát hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Batongbacal không cho rằng việc cùng khai thác là bất hợp pháp. Thay vào đó, ông nói rằng nó chính phủ có thể yêu cầu giải thích pháp lý bổ sung về hiến pháp, đưa ra luật hỗ trợ bổ sung và một thỏa thuận hợp đồng riêng biệt theo luật pháp Philippines.

Các nhà phân tích khác lạc quan hơn về động thái này. Lucio Pitlo III, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương, cho biết sự sắp xếp có thể khả thi về mặt pháp lý vì phán quyết trọng tài đã không loại trừ trường hợp hợp tác khai thác.

Thêm vào đó, ông Duterte có thể lập luận rằng ông mang lại cho Trung Quốc một đường lui sau phán quyết “bẽ bàng” bằng cách cung cấp thỏa thuận hợp tác theo luật pháp và với điều này, Bắc Kinh sẽ ngừng quấy rối các hoạt động dầu khí của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Philippines phot lo phan quyet Toa trong tai quoc te de bat tay voi Trung Quoc
Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro López Locsin và người đồng cấp Vương Nghị

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro López Locsin tuyên bố rằng Trung Quốc đang làm dịu lại vị trí của mình trên Biển Đông. Ông kể người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị đã nói với ông vào năm 2018 rằng “hãy báo động” nếu phát hiện Trung Quốc cố tình trì hoãn việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử chung trên biển Đông.

Theo ông Locsin, Trung Quốc không còn khăng khăng về yêu sách Biển Đông, mà đã đặt triển vọng về một bộ quy tắc ứng xử công bằng, chính đáng và khách quan.

Linh La (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI