Trong bài phát biểu trước Sư đoàn pháo binh số 10 ở thành phố Mawab (tỉnh Compostela Valley), ông Duterte khẳng định không muốn lính đặc nhiệm Mỹ (giữ vai trò cố vấn quân sự) rời khỏi Philippines như ông đã tuyên bố hôm 12.9, mà chỉ muốn họ rời khỏi đảo Mindanao, theo tờ The Philippine Star (Philippines) ngày 21.9.
“Tôi đã nói rằng sẽ có một lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ yêu cầu 117 lính đặc nhiệm Mỹ rời khỏi Mindanao để có thể tiến hành đàm phán hòa bình”, ông Duterte nói.
Ông phân trần rằng ông chỉ muốn lính Mỹ rời khỏi Mindanao bởi họ có nguy cơ bị lực lượng ly khai Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro bắt cóc và để Manila “có không gian” tiến hành đàm phán hòa bình với Moro. “Tôi chưa bao giờ bảo họ phải rời khỏi Philippines. Nói chung, chúng tôi cần họ ở Biển Đông”, ông Duterte nói.
Ông Duterte khẳng định ông “không chống lại Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh Philippines cần đồng minh Mỹ hỗ trợ để bảo vệ đất nước chống lại những hành động xâm phạm lãnh thổ ở Biển Đông.
|
Tổng thống Philippines dễ dàng quên đi những lời thóa mạ Tổng thống Obama trước kia để sẵn sàng nhờ vả Mỹ giúp đỡ lúc khó khăn. |
Theo ông Duterte, Philippines không có đủ vũ khí để tham chiến nếu chiến tranh xảy ra. Ông Duterte nói dù Mỹ cung cấp cho Philippines các chiến đấu cơ dưới thời chính quyền tiền nhiệm, nhưng những máy bay này không có hỏa lực, chẳng hạn tên lửa. “Vấn đề ở đây là họ không muốn cung cấp cho chúng ta tên lửa. Chúng ta có thể sắm tên lửa từ Hàn Quốc, nhưng họ sẽ không bán nếu không có sự đồng ý của Mỹ”, Tổng thống Duterte nói.
“Các máy bay của chúng ta chỉ để trưng bày, vì chúng không có tên lửa. Tôi thật sự không biết người Mỹ nghĩ gì và vì sao họ lại xem thường chúng ta”, ông Duterte chia sẻ.
Tổng thống Duterte đưa ra phát ngôn trên sau khi gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là “đồ khốn” (và đã xin lỗi sau đó), bày tỏ mong muốn sắm vũ khí của Trung Quốc và Nga, hủy bỏ việc tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông. Ông Duterte dù tuyên bố luôn muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ, nhưng ông lại thường xuyên cáo buộc Washington "đạo đức giả" vì chỉ trích chiến dịch chống ma túy đẫm máu do ông khởi xướng.
Philippines có phải là anh em tốt?
Trung tâm An ninh Mới (CNAS) - một cơ quan nghiên cứu có uy tín của Mỹ - mới đây đăng bài viết của hai chuyên gia Patrick M. Cronin và Anthony Woon Cho phân tích về mối quan hệ Mỹ - Philippines.
Theo bài viết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp tục chiến dịch chống Mỹ với hai phát ngôn gây xôn xao dư luận mới đây. Phát ngôn đầu tiên kêu gọi gần 200 quân nhân thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Mỹ đang huấn luyện và cố vấn cho quân đội Philippines rời khỏi miền Nam nước này.
Ông nói với báo giới: "Tôi không muốn một sự chia rẽ nhưng họ cần phải rời đi", và giải thích rằng nhóm khủng bố Abu Sayyaf sẽ giết ngay khi nhìn thấy họ - một tuyên bố nực cười bởi chính lực lượng Mỹ đang giúp đỡ Philippines chống lại mối đe dọa này trong nhiều năm qua.
Có lẽ động cơ thực sự của ông Duterte là tự mình điều hành quân đội và các hoạt động hành pháp mà không cần lo lắng về sự giám sát của quốc tế, đồng thời cũng để Trung Quốc thấy rằng ông đang sẵn sàng rời xa đồng minh nếu đó là cái giá phải trả cho những khoản đầu tư lớn.
Dù động cơ thực sự là gì thì ông Duterte cũng đã khiến cả thế giới sửng sốt khi yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng hợp tác với Trung Quốc và Nga chống buôn bán ma túy, chống lại các nhóm nổi loạn và kết thúc tuần tra chung trên Biển Đông cùng với Hải quân Mỹ. Ông tuyên bố: "Tôi không thích người Mỹ, đó đơn giản là nguyên tắc của tôi".
Cách nói của Tổng thống Duterte đã làm suy giảm mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ. Bên cạnh việc bị lên án về chiến dịch hà khắc chống buôn bán ma túy, đầu tháng này ông Duterte còn bôi xấu Tổng thống Obama bằng tiếng Tagalog. Lời nhận xét cay độc đã dẫn đến việc hoãn, sau đó là rút ngắn, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trong thời điểm hai bên cần phải đoàn kết để gặt hái nhiều thành công hơn.
Quan hệ Mỹ - Philippines bắt đầu phát triển trong những năm gần đây. Trong thập kỷ qua, hai bên đã có cái nhìn mới về quan hệ đối tác và thực hiện Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng để cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines.
|
Tổng thống Obama bị "hoang mang" bởi thái độ thay đổi liên tục của ông Duterte. |
Hai nước cũng đạt được thỏa thuận tuần tra chung ở Biển Đông và Mỹ hỗ trợ huấn luyện và bảo vệ chủ quyền Philippines, trong đó Philippines được viện trợ 41 triệu USD theo Sáng kiến An ninh Hàng hải để tăng cường năng lực đảm bảo an ninh tại Biển Đông.
Người dân Philippines cũng đền đáp lại mối quan hệ này. Cuộc thăm dò ý kiến của hãng Pew vào năm 2013 và 2015 cho thấy công chúng Philippines có quan điểm “thích Mỹ” với tỷ lệ tương ứng là 85% và 92%. Bất chấp sự cương quyết của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây, Mỹ vẫn là nước hỗ trợ đáng tin cậy của Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền, lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của Tòa Trọng tài.
Tuy nhiên, ông Duterte dường như đã ném mối quan hệ này xuống biển. Phản đối công khai Mỹ sẽ gây khó khăn cho quan hệ hai nước trong nhiệm kỳ của ông. Các quan chức Philippines đang tìm cách giảm nhẹ mức độ các phát ngôn của ông Duterte.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục thể hiện sự sẵn sàng duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với Philippines mà hai bên đã vun đắp trong nhiều thập kỷ qua. Tổng thống Obama đã khéo léo bỏ qua những phát biểu khiêu khích của ông Duterte và cho rằng điều đó chỉ là “tính cách bốc đồng” của ông Duterte. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn này sẽ không tồn tại mãi.
Các quan hệ liên minh dựa trên mối quan hệ cho và nhận giữa hai hay nhiều quốc gia. Mỹ và Philippines cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung. Chưa phải là quá muộn để Tổng thống Duterte rút lại lời nói và quan tâm đến mong muốn của người dân Philippines. Tuy nhiên, thời gian đang dần hết, ông Duterte phải bắt đầu suy nghĩ lại trước khi không thể tìm được đường rút lui.
Minh Đức