Philippines đóng cửa 'thiên đường' du lịch Boracay vì nước thải xả thẳng ra biển

05/04/2018 - 16:51

PNO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 5/4 ra lệnh đóng cửa Boracay, hòn đảo du lịch nổi tiếng thu hút mỗi năm 2 triệu du khách, vì nơi đây đã trở thành một nơi ô uế trầm trọng.

Nhà chức trách Philippines tuyên bố đóng cửa đảo Boracay trong thời gian sáu tháng vì lo ngại khu nghỉ dưỡng biển xanh cát trắng hoang dã trở thành nơi ô uế bởi hệ thống xả thải.

Trang Twitter của ông Harry Roque, người phát ngôn của tổng thống, cho biết ông Rodrigo Duterte ra lệnh đóng cửa đảo đối với du khách từ ngày 26/4. Lệnh đóng cửa Boracay không kèm theo giải thích chi tiết về lý do.

Philippines dong cua 'thien duong' du lich Boracay vi nuoc thai xa thang ra bien
Philippines đóng cửa đảo Boracay đối với du khách với lý do nó đã trở thành một điểm ô uế - Ảnh: len4foto/Getty Images/iStockphoto

Quyết định của chính quyền Philippines làm dấy lên câu hỏi về cuộc sống của hàng ngàn người phục vụ du khách trên đảo, nơi mỗi năm thu hút đến hai triệu du khách trong và ngoài nước.

Boracay có 500 cơ sở kinh doanh lớn nhỏ làm du lịch, năm ngoái đạt tổng doanh thu 56 tỷ peso (1,07 tỷ USD).

Tháng Hai vừa qua, ông Duterte lên tiếng chỉ trích các khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trên đảo xả thải trực tiếp xuống biển, biến biển xanh thành “một nơi ô uế”.

Các quan chức cảnh báo hệ thống nước thải của hòn đảo được dùng để xả nước thải chưa xử lý vào vùng biển xanh màu lam ngọc xung quanh.

Bộ Môi trường Philippines nói rằng 195 cơ sở kinh doanh cùng với hơn 4.000 hộ cư dân địa phương không kết nối vào hệ thống nước thải chung.

Philippines dong cua 'thien duong' du lich Boracay vi nuoc thai xa thang ra bien
Cát trắng Boracay - Ảnh: Pat Roque/AP

Chính phủ Philippines cho biết tổng cộng có 300 doanh nghiệp bị nhắc nhở về vệ sinh hay các vi phạm khác trên hòn đảo rộng 1.000 hectare. Trong đó, 51 doanh nghiệp đã nhận được cảnh báo vi phạm quy định về môi trường.

Tháng trước, thứ trưởng Bộ Môi trường Philippines Jonas Leones tuyên bố việc đóng cửa Boracay sẽ bao gồm việc đình chỉ các dịch vụ hàng không và phà, hạn chế việc cho phép tiếp cận hòn đảo và lập đồn cảnh sát “nếu cần thiết”.

Ông nói “cần một bàn tay thép để đưa hòn đảo trở lại nguyên trạng”.

Trong khi đó, hiệp hội doanh nhân trên đảo đề nghị chính phủ chỉ đóng cửa các doanh nghiệp vi phạm luật.

Bà Pia Miraflores của tổ chức Quỹ Boracay cho biết gần đây lượng du khách đến đảo đã giảm nhiều. Với hơn 500 khách sạn lớn nhỏ, Boracay có đội ngũ nhân viên phục vụ 17.000 người, ngoài ra ở đây còn có 11.000 công nhân xây dựng làm việc trên các dự án khác.

Tô Châu (Theo Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI