Phiêu bạt qua vùng châu thổ

22/08/2021 - 06:53

PNO - Tập bút ký "Nẻo đời phiêu bạt" của nhà văn Trương Chí Hùng vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành giúp độc giả có nhiều khám phá thú vị về vùng châu thổ miền Tây.

Trương Chí Hùng là giảng viên Khoa Sư phạm, Trường đại học An Giang, nhưng đam mê sáng tác văn chương. Anh đã đi khắp miền Tây để có những trải nghiệm thực tế cho từng trang viết của mình. Tác giả nói: “Từ lâu, tôi đã thích phiêu lưu, đến nỗi trước mỗi chuyến đi xa, tôi thường thấp thỏm không ngủ được. Chẳng hiểu sao những vùng đất lạ lại có sức quyến rũ kỳ diệu đối với tôi, nhất là trong những cuộc viễn du đơn độc. Tôi ý thức được rằng thế giới diệu kỳ hiện hữu ở muôn nơi, góc biển chân trời”.

Tác phẩm thơ đầu tay của anh là Một nửa quê nhà do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành vào năm 2014. Tiếp sau đó, anh cho ra đời hàng loạt tác phẩm mang đậm hơi thở vùng đất miền Tây, như: Trong sương thương má (tản văn), Miền Tây lạ lắm à nghen (tản văn), Man mác Vàm Nao (bút ký). Tập bút ký Nẻo đời phiêu bạt cũng là kết quả của nhiều chuyến đi khắp các tỉnh, thành miền Tây để sáng tác. Tập bút ký này được nhà văn Nguyễn Đức Phú Thọ nhận xét: “Trang viết Trương Chí Hùng như làm sống lại những vùng quê yên bình, đánh thức nơi thẳm sâu người đọc sự bình dị, thân thương nhất”.


Thật vậy, qua từng trang sách, tôi được biết thêm nhiều điều mới lạ về phong tục, tập quán, nét văn hóa, tên gọi địa danh… ở miền Tây. Chẳng hạn, tên gọi “Miệt Thứ” trong tác phẩm Buồn như Miệt Thứ, tác giả viết: “Miệt Thứ là cách người dân Nam bộ gọi khu vực huyện An Minh và An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang hiện nay. Ở đó, người ta gọi địa danh theo “thứ”. Điển hình là từ cầu Bàu Môn thuộc ấp Rọc Lá, xã Tây Yên, huyện An Biên là Thứ Nhứt. Rồi theo hướng Quốc lộ 63 xuôi về phía cầu Tắc Cậu dọc theo kênh Xẻo Rô cứ thế mà tăng lên thành Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy (thuộc huyện An Biên); Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Chín Rưỡi, Thứ Mười, Thứ Mười Một (thuộc huyện An Minh). Qua khỏi Thứ Mười Một là tới địa phận tỉnh Cà Mau”.

Trương Chí Hùng hay đưa thơ, ca dao, câu hát, điệu hò vào tác phẩm để làm tăng tính văn chương, đồng thời giúp người đọc không cảm thấy chán với khối lượng chữ nghĩa. Trong tác phẩm Buồn như Miệt Thứ dẫn hai câu ca dao: “Em yêu anh nên đành xa xứ/ Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau” hay câu hát: “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà…”; tác phẩm Gởi em “xứ Nẫu” dẫn hai câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc”. Nhà văn Trần Tùng Chinh đánh giá trong tập bút ký Nẻo đời phiêu bạt: “Trương Chí Hùng đã có ý thức gia công, chưng cất chất văn để hương vị trữ tình thấm qua câu chữ, hình ảnh và chi tiết được chắt lọc trên trang viết của mình”.

Từ lâu, độc giả miền Tây khá quen thuộc với Trương Chí Hùng ở thể loại bút ký văn học. Anh từng đoạt giải nhất cuộc thi Bút ký văn học khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2017, đồng thời thường xuyên có bài đăng trên các tạp chí văn học của Trung ương.

Đọc từng dòng, lật giở từng trang bút ký của Trương Chí Hùng, độc giả có thể sẽ bị cuốn theo những dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình - tác giả, bởi lúc kể, lúc tả đan xen vào nhau. Qua Nẻo đời phiêu bạt, người đọc có thể biết thêm nhiều vùng đất mới, những nét văn hóa độc đáo chưa từng khám phá được thể hiện trong từng tác phẩm để từ đó thêm hiểu, thêm yêu vùng đất “Chín Rồng”. 

Dương Út

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI