'Phiên tòa' xử trẻ tinh nghịch

21/03/2018 - 14:29

PNO - Trò xử án coi vậy mà hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực đến tất cả thành viên, hiểu nhau hơn, thân thiết, vui vầy.

Trò xử án coi vậy mà hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực đến tất cả thành viên, hiểu nhau hơn, thân thiết, vui vầy. Với những thói tật khác của các thành viên, thỉnh thoảng gia đình cũng mượn chiêu pháp đình để can thiệp. 

'Phien toa' xu tre tinh nghich
Ảnh minh họa

Nhà nọ có sáu người: ông nội, bà nội, cha, mẹ, bé trai sáu tuổi, bé gái bốn tuổi. Cậu con trai được mọi người đặt biệt danh “siêu quậy tinh quái”, vì thường đánh em, chọc ghẹo bạn, phá phách đồ đạc nhưng không nhận lỗi và thường đổ thừa người khác…

Người lớn nhiều lần nhắc, kể cả đánh đòn vẫn không “linh nghiệm”. Tưởng hết cách, chỉ chờ lớn lên bé tự chỉnh đốn, một lần, người cha thử mở phiên tòa giả định. Cả nhà phân vai tham gia luận tội vừa vui vừa ấn tượng mà “siêu quậy” cũng có cơ hội nghiêm túc nhìn nhận và ít nhiều nhột nhạt về “thành tích” bấy lâu của mình. Diễn biến phiên tòa như sau:

Bà nội vào vai công tố là cô giáo của “siêu quậy”, phát pháo đầu tiên:

- Thưa quý tòa, “bị cáo” đang đứng đây thường ngày rất tinh nghịch, phá phách, trêu ghẹo, đánh bạn bè nhưng luôn đổ lỗi, chỉ thừa nhận khi có chứng cứ thuyết phục.

Bé gái vào vai nạn nhân chỉ vào vết trầy ở chân, mắng vốn bằng giọng đớt đát:

- Anh hai chọi trúng chon (con)!

Mẹ cũng vào vai nạn nhân, là bạn học từng bị “bị cáo” ăn hiếp, tiếp lời:

- Thưa quý tòa, tui xin bổ sung tình tiết, “bị cáo” hay đánh bạn mà còn lừa cô giáo bằng chiêu thức than van, khóc dối, giả vờ bệnh để được chiếu cố.

Người cha - vai chủ tọa phiên tòa gằn giọng:

- Bị cáo phá phách đồ đạc, đánh em, chọc bạn sao không thừa nhận?

“Bị cáo nhí” lừng khừng đáp: 

- Dạ, là do, tại, tại vì… Nhiều lý do lắm, bây giờ con nói lý do nào trước?

- Bị cáo thấy mình có lỗi không?

- Dạ thưa, có, nhưng… do bạn chọc con trước. Xin quý tòa tha cho con! Hu… hu… hu…

'Phien toa' xu tre tinh nghich
Ảnh minh họa

Đóng vai luật sư bào chữa - ông nội phân trần: 

- Bị cáo mắc lỗi gián tiếp bởi người khác xúi giục, tác động, do cô em cũng quấy phá nên bị cáo đổ quạu, làm càn. Hơn nữa, nhà mình hai cháu, duy nhất một trai, dạy phải nương tay, từ từ chỉ bảo… (ông nội làm điệu bộ như hát tuồng làm cả nhà cười ồ).

- Dạ đúng rồi đó! Tha cho con đi, con biết lỗi rồi mà, con không đánh bạn, phá phách nữa đâu quý tòa đẹp trai - “bị cáo nhí” lém lỉnh nói.  

Chủ tọa đằng hắng, làm mặt nghiêm, tuyên:

- Kết quả tại phiên tòa hôm nay: bị cáo thừa nhận tội danh “tinh nghịch” của mình. Lời nhận này phù hợp với lời khai nạn nhân, của cô giáo cũng như các tình tiết khách quan khác. Do bị cáo trẻ người non dạ, chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tòa tuyên bị cáo tự giam mình trong “góc suy nghĩ” khoảng một giờ, thi hành án sau bữa ăn tối nay. Vì bị cáo thành khẩn nhận lỗi “tinh nghịch” nên chủ yếu sử dụng chế tài “tự giác kỷ luật”, sử dụng “thanh gươm trung thực” để khắc phục thói quen xấu lấp liếm, đổ vấy cho người khác.

Về phía thầy cô, bạn bè, phụ huynh của “bị cáo” phải có sự phối hợp tốt trong việc giáo dục. Tôi lưu ý rằng, lứa tuổi 3-6 tuổi luôn nghịch ngợm nhưng sợ bị trừng phạt, đề nghị cô giáo quan tâm sâu sát hơn các cháu, đặc biệt là những cháu cá biệt, cá tính.

Trò xử án coi vậy mà hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực đến tất cả thành viên, hiểu nhau hơn, thân thiết, gắn kết, vui vầy hơn. Với những thói tật khác của các thành viên, thỉnh thoảng gia đình cũng mượn chiêu pháp đình để can thiệp. 

Mọi người ai cũng mong muốn con em mình có gương mặt sáng sủa, thông minh, nhưng như một quy luật hễ “trẻ thông minh thì thường tinh nghịch, bướng bỉnh hay đổ lỗi và khó dạy”. Thực tế, nhiều phụ huynh đã tự mâu thuẫn với chính mình là: “Muốn con thông minh nhưng dễ bảo”. Trẻ có tố chất thông minh, nhanh nhạy nếu được giáo dục đúng cách sẽ thành người tài và có ích cho xã hội sau này.

Và lứa tuổi mẫu giáo, các cháu thường sợ “đòn roi” nên nghịch phá thì hay đổ lỗi cho bạn bè, chị em. Mặt khác, nhiều phụ huynh không biết con em mình thuộc “hội chứng tăng động” và cũng không hiểu rõ ý nghĩa của hội chứng này nên có thái độ cáu gắt, đòn roi không cân nhắc với trẻ hoặc ra sức bênh vực không hợp lý.

Mọi thiếu sót liên quan đến giáo dục trẻ đều tác động đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này. Hành vi của trẻ chịu tác động bởi các yếu tố như: hành vi gương mẫu, trung thực của người lớn; xử sự tâm lý của phụ huynh, giáo viên; tác động của môi trường xung quanh…

Do vậy, tôi cho rằng, để dạy trẻ tinh nghịch, trước hết phụ huynh phải tâm lý, làm gương, trung thực và kiên trì, áp dụng nhiều giải pháp tương tác sinh động, đa chiều. Bên cạnh đó, phải có sự hỗ trợ, chia sẻ của các thành viên khác trong gia đình, của nhà trường, thầy cô với biện pháp tâm lý - giáo dục “đấm - xoa linh hoạt”.

Trần Hoài Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI