Trong những bài phát biểu chính trị tại Mỹ - đặc biệt trong phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump và các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề đó - từ ngữ rất quan trọng. Nhưng xa hơn đó là một tiên đề khác: Bối cảnh, dường như có thể thay đổi mọi quan điểm.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ, rõ ràng để khơi dậy cảm xúc của những người ủng hộ. Ông đã triển khai khái niệm “trận chiến” như một phép ẩn dụ chính trị mạnh mẽ và dường như đã đi quá xa so với một số chính trị gia khác.
|
Ông Trump có bài phát biểu trước những người ủng hộ hôm 6/1 |
Các luật sư của ông Trump thừa nhận tất cả những điều trên trong quá trình bào chữa tại phiên tòa luận tội ông hôm 12/2.
Nhưng họ khẳng định điều mà vị tổng thống thứ 45 đã làm vào ngày 6/1 - đứng trước Nhà trắng và sử dụng các từ “chiến đấu” hoặc “đấu tranh” 20 lần, cố gắng lật ngược kết quả một cuộc bầu cử hợp pháp - hoàn toàn không vượt qua ranh giới của tự do ngôn luận, hay đi sâu vào kích động bạo loạn tại Điện Capitol.
Ông Trump nói: “Chúng ta chiến đấu/đấu tranh như đang ở trong địa ngục. Và nếu bạn không chiến đấu/đấu tranh, bạn sẽ không còn đất nước".
Sự kích động trong lịch sử chính trường Mỹ
Phiên luận tội hiện tập trung vào Donald Trump, về những gì ông ấy đã nói trong ngày hỗn loạn 6/1 và những gì ông ấy nói chung. Nhưng cũng có thể - như luật sư Michael van der Veen của Trump đã chỉ ra - là về bối cảnh rộng lớn hơn của những bài phát biểu chính trị ngày càng cứng rắn và hung hăng ở nước cộng hòa liên bang Hoa Kỳ.
“Bài phát biểu ngày 6/1 không gây ra bạo loạn. Tổng thống đã không gây ra bạo loạn. Ông ấy không ngụ ý cũng như không kêu gọi sử dụng bạo lực hoặc hành động vô pháp luật một cách rõ ràng”, Bruce Castor Jr., luật sư chính của ông Trump, nói trước Thượng viện.
|
Michael van der Veen, luật sư cho cựu Tổng thống Donald Trump, phát biểu trong phiên tòa luận tội Trump lần thứ hai tại Thượng viện hôm 12/2 |
Tuyên bố hoàn toàn trái ngược với những gì mà Hạ nghị sĩ Joe Neguse (bang Colorado) - người quản lý cuộc luận tội từ Hạ viện - nói trong các cuộc tranh luận của đảng Dân chủ hôm 10/2. Ông nói: “Tổng thống đã sử dụng bài phát biểu như một lời kêu gọi vũ trang. Nó không hề mang tính tượng trưng".
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là người dân được quyền nói gì trong cuộc sống công cộng? Đâu là giới hạn của tự do ngôn luận? Đó là một khúc mắc cố hữu của hiến pháp Mỹ kể từ khi Tu chính án đầu tiên được thiết lập, và đặc biệt là kể từ khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Oliver Wendell Holmes Jr đưa ra lời giải thích đơn giản để quyết định đúng, sai.
“Sự bảo vệ nghiêm ngặt nhất về quyền tự do ngôn luận sẽ không bảo vệ được một người đàn ông giả dối hét lên rằng có lửa trong rạp hát và gây ra hoảng loạn”, ông Holmes viết trong một phán quyết năm 1917.
Nước Mỹ gắn liền với những ẩn dụ ngôn ngữ được xây dựng xung quanh chiến đấu, bạo lực và súng đạn - những ẩn dụ mà trong nhiều bối cảnh, từ thể thao đến các môi trường công ty, không thực sự mang tính bạo lực hoặc liên quan đến súng đạn.
“Đấu tranh cho quyền lợi của bạn”, “đấu tranh cho con cái bạn”, “hãy tham gia cuộc chiến chống ung thư vú”, “hãy chống lại sâu răng”… tất cả đều là những khẩu hiệu, câu quảng cáo xưa cũ từng được khuyến khích và hoàn toàn không liên quan đến bạo lực hay súng đạn. Một bộ phim hoặc chương trình truyền hình hay cũng có thể “thổi bay” khán giả, nhưng chắc chắn không phải theo nghĩa đen.
Van der Veen nói: “Đó là một cách hùng biện chính trị thông thường, hầu như không thể phân biệt với ngôn ngữ mà mọi người sử dụng trên khắp các lĩnh vực chính trị trong hàng trăm năm”.
Vì vậy, bối cảnh của câu nói chính là vấn đề lớn nhất và cũng gây tranh luận nhiều nhất tại Thượng viện trong tuần này.
|
Thượng viện lắng nghe phía luật sư của ông trump bào chữa hôm 12/2 |
Trách nhiệm về lời nói phụ thuộc hoàn cảnh
Với ông Trump và lời phát biểu của ông vào ngày 6/1 trước những người ủng hộ, nhiều người trong số họ đã xông vào Điện Capitol. Câu hỏi về bối cảnh đã đặt ra vấn đề khác: Liệu một diễn giả có phải chịu trách nhiệm nếu phép ẩn dụ tạo ra kết quả bạo lực, từ một đám đông hiểu điều đó theo nghĩa đen?
Theo quan điểm của các công tố viên luận tội, cách ẩn dụ trong một cuộc tranh luận hoặc một cuộc phỏng vấn khác xa với việc phát biểu trước một đám đông đang kích động về một điều cụ thể, có thể xảy ra trước mắt.
Quan điểm của Van der Veen: Tất cả chính trị gia lẫn người dân Mỹ đều nói những điều ẩn dụ và đừng quên điều đó khi cáo buộc ông Trump về tội xúi giục.
Vị luật sư phát biểu: "Thành thật mà nói, thực tiễn ngôn ngữ ẩn dụ gây bức xúc từ cả hai đảng rất đáng báo động, nhưng thói quen diễn thuyết chính trị này phải được coi là một phần của quá trình tố tụng, nhằm ngữ cảnh hóa lời nói của ông Trump”.
Nhìn chung, hét lên "Cháy!" trong bể bơi hoặc hét lên "Nước!" trong một rạp hát đông đúc chẳng có gì đáng lên án. Nhưng khi các từ đúng (hoặc sai) kết hợp với tình huống đúng (hoặc sai), kết quả sẽ thay đổi.
|
An ninh tiếp tục được thắt chặt tại đồi Capitol trong thời gian diễn ra phiên luận tội |
Cuối cùng, câu hỏi về “chiến đấu” hay “đấu tranh” cũng phụ thuộc tư cách của chính ông Trump - vị trí tổng thống của ông.
Là một công dân, ông có quyền tự do ngôn luận giống như bất kỳ người Mỹ nào. Nhưng bối cảnh của chính ông - với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp, và quyền kiểm soát quân đội mạnh nhất thế giới - liệu có phải là ngoại lệ?
Trong phần lớn các trường hợp, “đấu tranh” đồng nghĩa với “chiến đấu”. Vào ngày 6/1, bên ngoài và bên trong Điện Capitol, một số người Mỹ đã quyết định thực sự chiến đấu. Thế giới biết rõ kết quả của ngày hôm đó, một cách tổng thể và toàn diện.
Trong tương lai, khi diễn ngôn công khai ở Mỹ ngày càng phân cực, sự khác biệt giữa hai phiên bản của một từ đơn - nghĩa bóng hay nghĩa đen - sẽ tiết lộ nhiều điều về tự do ngôn luận, và rất nhiều điều về nước Mỹ.
Tấn Vĩ (theo AP)