Hành trình của mẹ - Bài 3

Phiên dịch viên đặc biệt

20/09/2023 - 06:14

PNO - Từ Nam Định, chị Nga lên Hà Nội đi rửa bát thuê, làm giúp việc, bán hàng rong… để có tiền cho mẹ con thuê trọ, có tiền cho cậu con trai khiếm thính học chuyên biệt.

Mẹ con chị Nga tại một sự kiện dành cho người khiếm thính năm 2019 - ẢNH: T.N.
Mẹ con chị Nga tại một sự kiện dành cho người khiếm thính năm 2019 - Ảnh: T.N.

Bản năng người mẹ

Sinh năm 1989, chị Tống Thị Nga (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) làm mẹ ở tuổi 22. Khi con trai chị - cháu Tạ Việt Vượng - được 6 tháng tuổi, chị đã cảm giác con “có vấn đề”.

Vượng 9 tháng, rồi 11 tháng, cảm giác đó của chị càng rõ rệt. Bỏ ngoài tai những lời “Ui dào, khám xét làm gì, mới 11 tháng, nhiều đứa 2-3 tuổi mới biết nói có sao đâu”, chị Nga ôm con đi kiểm tra thính lực. Kết quả là khả năng nghe của con ở mức rất kém. Chị Nga chia sẻ: “Có nhiều mẹ cũng gặp tình trạng tương tự, nghe những câu tương tự - “3 tuổi mới biết nói, có sao đâu” và bị lỡ mất giai đoạn vàng của con”.

Chị Nga bàn với chồng mua máy trợ thính cho con. Bấy giờ vợ chồng trẻ, lại sống cùng ông bà, 60 triệu đồng mua máy trợ thính là cả gia tài. Song, vợ chồng chị đồng lòng tất cả vì con. Có máy trợ thính, chị Nga cố gắng dạy để con có thể nhận biết thế giới xung quanh như đứa trẻ bình thường. Vượng đến tuổi đi nhà trẻ, chị đưa con tới trường nhưng không cô giáo nào dám nhận nếu Vượng đeo máy trợ thính. Các cô sợ trẻ nhỏ đùa nghịch, lỡ không may rơi máy, có hỏng hóc gì thì “của một đống tiền”, các cô biết làm sao? Mong ước cho con được lớn lên như trẻ bình thường vụt tắt. 

Chị Nga lên thành phố Nam Định, tìm đến trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Có cô giáo dẫn 1 em nhỏ giới thiệu với chị: “Ở đây, các cô dạy dỗ, có nhiều cháu nói được lắm”. Nghe cháu bé nói vài từ nhát gừng, chị Nga lại thấy đây không phải là con đường chị muốn dành cho Vượng. “Mục đích của tôi không phải là con nói được vài từ hay vài câu như vậy. Trung tâm lại nuôi dạy trẻ đa tật thì Vượng không thể phát triển tối đa được” - chị Nga chia sẻ.

“Tôi nhờ bạn bè, người làm việc ở Hà Nội hỏi giúp. Bấy giờ ở quê tôi, mạng internet hay điện thoại thông minh vẫn hiếm lắm. Sau khi nhờ hỏi, tôi được biết ở Hà Nội có 3 trường dành cho trẻ khiếm thính. Thế là vợ chồng tôi đưa con lên Hà Nội” - chị Nga chia sẻ.

Học cùng con

Chị Nga xin được cho con vào học ở trường Nhân Chính. May mắn, khi đó trung tâm có chính sách hỗ trợ hộ nghèo nên Vượng được giảm 70% học phí. Mỗi tháng, chị Nga chỉ phải đóng 300.000 đồng học phí và tiền ăn cho Vượng. Lúc Vượng đi học, chị Nga đi rửa bát thuê cho hàng bún chả gần đó. Nhưng, chỉ được 1 tuần, người ta không nhận nữa bởi sợ việc chị đưa đón con mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đến công việc. Trước nỗi lo tiền ăn học của con, tiền thuê nhà trọ, ăn uống sinh hoạt của cả gia đình, ai thuê mướn làm gì, chị Nga đều nhận.

Chồng chị Nga làm thuê ở 1 gara sửa chữa ô tô. Sau một thời gian, thấy việc duy trì học hành cho con, sinh sống của cả gia đình giữa phố thị thực sự chật vật; vợ chồng chị bàn nhau để anh đi xuất khẩu lao động, chị ở lại Hà Nội lo cho con. Nhắc đến quãng thời gian này, gương mặt chị Nga vẫn nở nụ cười, mà nước mắt lại trào ra: “Có thời gian tôi đứng bán bọc yên xe máy ở ven đường Láng. Bấy giờ không có xe máy, tôi phải đạp xe từ nhà trọ đến đường Láng bán hàng. Những ngày hè, giữa trưa, không thể nào quên được” - giọng chị Nga đứt quãng vì xúc động.

Khi Vượng 5 tuổi, có dự án cử giáo viên chuyên biệt đến tận nhà trẻ khiếm thính dạy ngôn ngữ ký hiệu, do tổ chức phi chính phủ tài trợ. Chị sợ bị lừa nên tâm sự với ông bà chủ nhà. Ông bà tốt bụng nói: “Cháu cứ để người ta đến dạy con, nếu có gì bất thường thì gọi ông bà chạy lên”. Hôm đó, chị Nga giãn bớt 1 ca giúp việc theo giờ để ở nhà cùng con. Chị không ngờ đó lại trở thành sự kiện làm thay đổi hoàn toàn con đường đồng hành của mẹ con chị.

Ngày đáng nhớ đó, không chỉ Vượng mà chị Nga cũng được học ngôn ngữ ký hiệu. Giáo viên dạy đến đâu, 2 mẹ con nhớ đến đó. Từ đó, mối liên hệ của chị với cộng đồng dạy và học ngôn ngữ khiếm thính cũng dần dần dày lên. Hễ biết ở bất cứ đâu trong phạm vi Hà Nội có chương trình về ngôn ngữ khiếm thính, chị Nga đều xin theo học. 

Vượng nhận huy chương tại một sự kiện  thể thao do Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc và Đại học Đồng Nai tổ chức - Nguồn ảnh: Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc
Vượng nhận huy chương tại một sự kiện thể thao do Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc và Đại học Đồng Nai tổ chức - Nguồn ảnh: Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc

Nỗ lực bù đắp cho con

Cứ vậy, dần dần chị Nga có thể “nói chuyện” trọn vẹn với con bằng ngôn ngữ ký hiệu. Song, để có được những cuộc “nói chuyện” với con, chị Nga đã phải học cũng như dạy con rất nhiều. “Vì trẻ khiếm thính không nghe được nên vốn từ tiếp nhận cũng như nhận biết về thế giới xung quanh rất hạn chế. Trẻ bình thường có thể biết nhiều loại ly uống nước qua nghe, nói hằng ngày nhưng với trẻ khiếm thính, để dạy cho con biết nhiều loại ly, mình phải có nhiều cái ly bày ra trước mắt và giải thích cho con hiểu. Khi đã nhận biết được rồi, con phải chuyển qua ngôn ngữ ký hiệu để “nói” cho mẹ hiểu những điều con muốn nói”. 

Chị Nga kể: “Khi Vượng 8 tuổi, một hôm, tôi phát hiện Vượng nói 3 từ mới mà tôi chưa từng dạy: vô tình, phát triển, kiệt sức. Cháu còn sử dụng đúng ngữ cảnh. Cháu nói: “Người nước ngoài đi giày xịn lắm mẹ ạ. Bạn Hùng vô tình giẫm lên chân 1 người nước ngoài nhưng họ không biết đâu, thế thì chắc giày phải cứng lắm, xịn lắm”. Chỉ vậy thôi nhưng với tôi, đó là niềm hạnh phúc to lớn”.

Vượng (thứ hai từ phải qua) nhận phần thưởng trong lễ tổng kết năm học 2022-2023 - Nguồn ảnh: Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc
Vượng (thứ hai từ phải qua) nhận phần thưởng trong lễ tổng kết năm học 2022-2023 - Nguồn ảnh: Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc

Chị bảo vì trẻ khiếm thính không nghe được nên nhận thức vô cùng hạn chế, suy nghĩ giản đơn, đôi khi khá ích kỷ… Những hạn chế ấy là do gần như tuyệt đại đa số cha mẹ không thể giao tiếp, trò chuyện cùng con. Trong khi đó, chị Nga không chỉ nói chuyện được trọn vẹn với con mà còn trở thành phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, rồi thành cô giáo dạy chuyên biệt. Chị dành tối đa thời gian ngoài giờ con lên lớp, mẹ đi làm để dạy dỗ, trang bị khả năng tự lập cho con. 2 năm nay, cậu bé Vượng được mẹ động viên đã một mình ăn học ở Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc (trực thuộc Đại học Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai). Bởi chỉ ở đó, Vượng mới có cơ hội học lên đến đại học. Ước mơ của Vượng là làm giáo viên để dạy những em bé đồng cảnh.

Chị Nga đang là cô giáo chuyên biệt, phụ trách các bé lớp Một và Hai, đồng thời cũng là “quản gia” một “ngôi trường” do cộng đồng cha mẹ có con khiếm thính dựng lên. Hơn 50 trẻ độ tuổi 6-17 từ khắp các tỉnh, thành do chị quán xuyến việc ăn ngủ. Bởi chị là người bình thường nhưng có thể nói chuyện trọn vẹn như người khiếm thính nên rất được bọn trẻ yêu quý, hỏi chuyện.

Có bữa trưa, gần 10 em ngồi chung mâm với cô Nga, mỗi em chỉ hỏi 1 câu là cô giáo đã lỡ bữa cả tiếng đồng hồ. Vì nói chuyện bằng tay nên cô không thể vừa ăn vừa trò chuyện cùng các bé. Vượng dường như hiểu được một phần công việc của mẹ. Vượng hỏi: “Con tự lập được ở trong này (Đồng Nai) rồi, sao mẹ không làm việc khác mà vất vả ở đây làm gì?”.

Chị Nga cười: “Lúc Vượng ở sân bay, có một bác không quen biết nhưng vẫn giúp con làm thủ tục lên máy bay, con thấy thế nào?”. Vượng trả lời: “Con vui lắm”. Chị Nga nói tiếp: “Đó. Mẹ ở đây dạy học cũng là muốn giúp đỡ, mang niềm vui cho những em nhỏ cùng cảnh khiếm thính như Vượng”.

Chị Nga chỉ vào Đồng Nai cùng Vượng lần đầu nhập học. Khi Vượng về nghỉ hè, rồi khi Vượng trở lại Đồng Nai, đều là một mình cậu nhóc đi xe khách, đi máy bay… Năm nay Vượng vào lớp Sáu. Nhìn cậu bé cao ráo, chững chạc, tự tin, gương mặt rám nắng cùng nét rạng rỡ thừa hưởng từ chị Nga, nhiều cha mẹ có con khiếm thính như được tiếp thêm nghị lực và hy vọng. Một số cha mẹ cũng nhìn vào chị Nga và Vượng mà cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu để có thể bước vào thế giới của con, nói bằng ngôn ngữ của con. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI