Phiên đấu giá đất ở Sóc Sơn bị “phá hoại” ra sao?

04/12/2024 - 15:04

PNO - Nhóm 5 đối tượng bàn bạc với nhau về kế hoạch "phá hoại" phiên đấu giá các thửa đất tại huyện Sóc Sơn.

Ngày 4/12, Công an TP Hà Nội đang tạm giữ Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, trú huyện Đông Anh) cùng Ngô Văn Dương (30 tuổi) và Nguyễn Đức Thành (32 tuổi), Nguyễn Thế Trung và Nguyễn Thế Quân (cùng 30 tuổi). 5 người này bị cáo buộc vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Nhóm đối tượng tại cơ quan công an - Ảnh: CACC
Nhóm đối tượng tại cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tháng 11, Tuấn biết tin UBND huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Vì thế, Tuấn nhờ Dương mua giúp hồ sơ đấu giá.

Theo tính toán của Tuấn, mỗi lô đất có giá ước tính 1,7 - 3,9 tỉ đồng, tính bình quân khoảng 30 triệu đồng mỗi m2. Nhằm “vây thầu”, Tuấn bàn với Dương, Trung, Quân và Nguyễn Thị Quỳnh Liên lên phương án thổi giá.

Nhóm này thống nhất rằng nếu ở vòng thứ 4, người trả cao nhất vẫn ở dưới mức giá đã ghi trong bảng tính thì nhóm sẽ tham gia tiếp vòng 5 và 6. Tuy nhiên, mức giá không được cao quá so với giá do Tuấn đã dự tính từ trước.

Ngược lại, nếu vòng 4 có người trả vượt mức Tuấn đưa ra, những người còn lại sẽ đưa ra mức giá "cao chót vót" tại vòng thứ 5 rồi bỏ đấu giá vòng 6. Làm như vậy sẽ khiến việc đấu giá buộc phải dừng để tổ chức lại vào lần sau.

Với việc hủy ngang chừng như vậy, nhóm của Tuấn sẽ không mất tiền đặt cọc và có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.

Đúng như kịch bản, Tuấn nhận tiền của những người còn lại rồi chuyển khoản 3,6 tỉ đồng cho công ty đấu giá để đặt cọc.

Ngày 29/11 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất, diện tích từ 90 đến 224 m2, giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2, tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).

Ban đầu, nhóm Tuấn đấu giá theo trình tự để hướng tới mức giá có thể mua được. Tuy nhiên, 36/58 lô đất được trả giá vượt mức tối đa mà Tuấn vạch ra từ trước, nên kịch bản thổi giá được kích hoạt.

Tuấn trả 30 tỉ đồng/m2, cao gấp 12.000 lần giá khởi điểm. Dương cũng trả 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất. Quân và Trung trả 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất. Hàng chục thửa khác được trả từ 50,4 đến 68,4 triệu đồng/m2 .

Đến vòng đấu cuối cùng, nhóm Tuấn không tiếp tục trả giá 36 thửa đất nêu trên nữa, khiến 36 lô đất đấu giá không thành công.

Hôm 1/12, sau khi cuộc đấu giá gây bão dư luận, trả lời báo chí tại nhà riêng, Tuấn khẳng định quyết định trả giá 30 tỉ đồng/m2 thể hiện ý chí của mình. Tuy nhiên sau đó, nhiều khách hàng khác đã lập tức "dọa nạt, lăng mạ" khi thấy anh Tuấn trả giá như vậy. Tuấn cảm thấy "rất tự ái, rất cáu” nên đến vòng 6 đã quyết định bỏ cuộc.

Nói về mức giá trên trời mà mình đã trả, Tuấn nói với tầm nhìn chiến lược, rất thích các thửa đất này vì hợp với phong thủy và nhu cầu đấu giá đất để sử dụng là có thật.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI