Phía trước sao vẫn mịt mờ, thăm thẳm?

06/08/2024 - 17:29

PNO - Sau cú sốc chia tay với mối tình sâu đậm, em gái tôi rơi vào trầm cảm nặng, để rồi quãng đời về sau liên lụy đến cha mẹ và người thân.

Em tôi từng là cô gái xinh đẹp giỏi giang, nhiều người săn đón (ảnh minh họa)
Em tôi từng là cô gái xinh đẹp giỏi giang, nhiều người săn đón (ảnh minh họa)

“Mẹ ơi, mau đến đi, bà ngoại và dì Nhung lại cãi nhau to rồi!”. Đang làm việc, nghe điện thoại của con trai, tôi vội chạy xe về nhà mẹ. Nhà cha mẹ tôi ở gần trường học, nên tôi gửi con trai ăn trưa nhà ông bà.

Trưa nay thằng bé chứng kiến bà ngoại và dì cãi nhau. Quá hoảng sợ, con gọi tôi mau đến.

Khi tôi đến, trong nhà đã yên ắng. Mẹ tôi ngồi trên ghế, mặt mũi phờ phạc, buồn bã. Trên má mẹ, một vết bầm tím xuất hiện. Nhung - em gái tôi - đã bồng con vào phòng riêng.

Lâu nay Nhung đưa con về sống với cha mẹ tôi, vì thế, những mâu thuẫn cãi vã của mẹ tôi và Nhung mỗi ngày một dày đặc, và hôm nay, tôi thấy mẹ bị thương, có thể do xô xát với con gái út, đứa con gái mà bà từng rất đỗi tự hào.

Tôi biết, dù rất giận, rất ức chế, nhưng mẹ tôi vô cùng xót thương Nhung. Nó trở nên như bây giờ có lẽ chỉ vì hai chữ “lụy tình”.

Nhung, em gái tôi rất xinh đẹp và giỏi giang. Ngay từ khi còn học phổ thông, Nhung đã được mọi người ngưỡng mộ, yêu quý. Mẹ tôi vì thế càng tự hào và nghiêng về phía Nhung, nhưng tôi chẳng so bì, trái lại, thấy đó là việc bình thường. Em gái mình như vậy, mình cũng tự hào lắm chứ!

Mọi việc bất ngờ đổi thay vào năm Nhung tốt nghiệp đại học ngành thiết kế nội thất và làm việc trong một công ty nổi tiếng, mức lương cao. Tại đây, Nhung yêu một cậu đồng nghiệp. Cậu ta đẹp trai, lại là con một gia đình có thế lực. Yêu nhau được 3 năm thì gia đình cậu trai đến gặp gia đình tôi đặt vấn đề qua lại và xin cưới.

Những tưởng một đám cưới tưng bừng sẽ diễn ra ngay sau đó, nhưng mẹ tôi ngăn cản, vì tuổi 2 đứa không hợp để làm đám cưới năm đó, mà phải chuyển qua năm sau. Mẹ tôi vốn rất quan tâm đến việc xem xét tuổi tác, phong thủy, ngày giờ hoàng đạo nếu làm bất cứ việc gì.

Đám cưới không tổ chức được trong năm thì lui lại năm sau, có sao đâu. Nhưng mọi việc không đơn giản như thế. Tất cả chúng tôi đều sốc nặng khi ngay sau đó, cậu người yêu của Nhung đòi chia tay. Và khi Nhung còn chưa kịp định thần, cậu ta đã làm đám cưới với… người yêu cũ.

Nhung lập tức phát điên. Tất cả sụp đổ trước mắt em, và cả gia đình tôi. Một thời gian rất dài cha mẹ tôi đưa Nhung đi thăm khám ở khắp các bệnh viện và cả các phủ công đồng. Bệnh viện bảo em ấy bị trầm cảm, bị sốc, bị rối loạn tâm lý tạm thời. Thầy bói bảo em bị “cô” đày, bị ma nhập.

Tất cả những phán đoán và các cách chữa trị cho em, cha mẹ tôi đều áp dụng, với hy vọng em sẽ khỏi, sẽ trở lại như trước. Cha tôi, trong một năm còn dắt em đi khắp các chùa xin nghe kinh kệ và viết sớ giúp người dân cầu nguyện.

Nhưng dường như Nhung chỉ bình tâm một chút chứ chưa hề khỏi. Dăm bữa em lại bỏ nhà đi, vượt mấy chục cây số để đến gõ cửa nhà người yêu cũ khóc. Có khi em vẫn mơ màng nghĩ rằng em và cậu kia vẫn đang yêu nhau, và em đến nhà người ta ăn tối, thăm hỏi như trước đây. Cứ mỗi lần như thế, tôi, chồng tôi, cha tôi đều phải thay nhau đến đón em về.

Đằng đẵng 5 năm sau Nhung mới có vẻ bình thường trở lại. Công việc ở công ty cũ đã mất, Nhung vẫn thể hiện được khả năng vượt trội trong một công ty mới. Tại đây, em lại gặp một đồng nghiệp khác. Cậu này lớn tuổi, gia đình ở nội thành, là con một. Đám cưới tưng bừng diễn ra, ai cũng mừng cho Nhung, cuối cùng em đã thoát được cái bóng ma tình cũ.

Vậy nhưng, sống với chồng và gia đình chồng, Nhung bị đối xử rất tệ. Mẹ chồng và các bà chị chồng thay nhau giám sát em. Tiền lương của em mẹ chồng buộc đưa hết bà giữ. Sinh con, em tự phải bỏ tiền ra lo cho bản thân và con từ khâu thăm khám nhập viện đến khi ra viện. Hồi đó đang dịch COVID-19, mới sinh chưa đầy 1 tuần em đã phải tự nấu ăn, tự chăm sóc bản thân và con mà không nhận được sự giúp đỡ nào từ 2 gia đình.

Sau đó họ không cho em chăm sóc con (vì sợ bệnh trầm cảm trước đây của em ảnh hưởng đến cháu họ). Em tái phát bệnh, bế con đi lang thang khắp các ngả đường thành phố, các anh công an phải đưa về nhà.

Việc gia đình chồng hắt hủi, cô lập Nhung vì họ biết Nhung đã lụy tình, đã trầm cảm, phát điên vì cậu người yêu cũ đã khiến cuộc hôn nhân của em gái tôi biến thành địa ngục. Cha mẹ tôi lại phải xin đưa Nhung về nhà chăm sóc.

Cuộc sống này đâu phải chỉ có tình yêu đã mất...(ảnh minh họa)
Cuộc sống này đâu phải chỉ có tình yêu đã mất... (ảnh minh họa)

Và rồi cứ dăm bữa nửa tháng Nhung lại cãi vã, xô xát với mẹ tôi kịch liệt. Có lẽ sâu thẳm trong tiềm thức em vẫn oán trách mẹ tôi đã ngăn cản đám cưới của em với cậu người yêu cũ kia. Chúng tôi vẫn tìm các cách để chạy chữa cho em. Và tôi cũng biết, dù việc gì có xảy ra, mẹ tôi cũng vất xót xa, yêu thương Nhung.

Tôi cũng đã từng yêu tha thiết mối tình đầu, cũng đau khổ, tưởng rằng sau này sẽ không thể yêu ai được nữa. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có tình yêu đã mất. Cuộc sống là món quà kỳ diệu mà cha mẹ đã ban tặng, nên tôi nhanh chóng tìm được cách vượt qua nỗi đau thất tình. Nhung có lẽ đã quá yêu, quá lụy tình vì một người đàn ông như cậu kia, để rồi giờ đây, cậu ta vẫn đang hạnh phúc, thành công. Còn em tôi, phía trước em sao vẫn mịt mờ, thăm thẳm?

Tôi phải làm gì để giúp em đây?

Yên Châu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Vân Vân 07-08-2024 16:08:11

    Nói với em : Nếu câu ta yêu em nhiều như em yêu thì đâu có chuyện nhanh chóng kết hôn với người khác. Trong lòng cậu ta hẵn đã có sự so sánh với người cũ ! Nỗi đau tình cảm là nỗi đau khó buông bỏ nhất khi trong lòng còn mãi một câu hỏi không có câu trả lời.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI