Phía trước người đàn bà

19/10/2016 - 07:47

PNO - Phía trước của người đàn bà là bé gái. Nhưng phía sau của những trẻ em gái đâu chỉ là một người đàn bà, nó là hành trình của những cơ hội, những lựa chọn, những điều kiện.

Năm 1999, trong cơn lũ lịch sử cô lập Huế và các tỉnh miền Trung, tôi theo đường Trường Sơn trên không đi vào rốn lũ. Những nền nhà toang hoác, bão quét, lũ cuốn, nơi nơi tan tác. Nhưng ám ảnh tôi vẫn là đôi mắt của đứa bé gái ở Bảng Lãng, xã nằm cuối thượng nguồn sông Hương, nước dâng trong tích tắc, nhà trôi, người chìm, hai mẹ con trong cơn cùng quẫn, bám được sợi dây điện, bụi tre ngã đổ, vướng vào, thế là đêm ấy, con bé đu dây điện, bám bụi tre mà ngủ. Sáng ra, ca nô của bộ đội chạy qua, thấy hai mẹ con vắt mình giữa dòng nước bạc. Tôi không dám nhìn sâu đôi mắt thất thần ấy.

Và sáng 18/10/2016, lại là đôi mắt của một bé gái, giữa vùng nước trắng xóa, giữa cái đói, cái tan hoang của những cơn tai ương liên tiếp, tơi bời đổ xuống dải đất miền Trung.

Có lẽ thế mà khi lời kêu gọi hướng về đồng bào đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, ngay những phút đầu tiên tại phiên họp trù bị Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X, ngày 17/10/2016, vang lên; từng dòng người lặng lẽ nhanh chóng tiến về nơi đặt thùng quyên góp, tôi cứ nhìn thấy những “vì sao lạc” năm nào…  

Phia truoc nguoi dan ba


Như nỗi ám ảnh về con sóng bạc Bodrum cuộn lấy giấc ngủ của thiên thần Aylan Kurdi trên bước đường chạy trốn sự hủy diệt từ Kobahi - Syria.

Những thảm kịch rơi vào trẻ con bao giờ cũng vọng lên từ lương tri người lớn những sám hối tận cùng. Nhưng hình như, chẳng bao giờ có lời sám hối sau cùng…

Cũng tại kỳ đại hội nói trên, khi người ta bàn đến việc ra sức thực hiện cuộc vận động “5 không - 3 sạch”, nghe qua, hội chứng “dị ứng khẩu hiệu” dễ khiến chúng ta phớt lờ, bàng quang nhưng kỳ thực, đọc kỹ những cái Không - như một lời tuyên chiến với không đói nghèo, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không có tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình… thật sự, đó là biểu thị cho một tinh thần nhập cuộc mạnh mẽ, một thái độ tự giải cứu chính mình với các căn bệnh xã hội mà nạn nhân của nó không ai xa lạ là phụ nữ và trẻ em.

Mặc dù, trong cái “5 không” ấy, không đói nghèo - đâu hẳn chỉ là có bữa cơm no; nó vẫn đang kéo theo cái đuôi của những lạc hậu, hủ tục, định kiến mà thi thoảng qua sách báo, mạng xã hội, lại vẳng lên mấy “lời ru buồn” của những bà mẹ trẻ con. Mặc dù, trong cái “5 không” - không sinh con thứ ba - nhưng lỡ rơi vào một bề thì cái gọi là “lỗi định mệnh” do không biết đẻ (con trai) đổ xuống hết người vợ và hai đứa con gái. Mặc dù, trong cái “5 không” - không có bạo lực gia đình - nhưng từ cái cúi đầu cam chịu, tiếng khóc câm lặng trước bóng đen của thói gia trưởng, vũ phu cùng sự lệ thuộc vào đói nghèo đến cái bước chân để vượt khỏi lằn ranh của sĩ diện, của ảo ảnh, vuốt ve hết sức tội nghiệp, đâu là thang đánh giá…

Đằng sau thông điệp mạnh mẽ ấy, do chính những phụ nữ tiến bộ viết nên, vẫn cứ lê thê cái vĩ thanh buồn, trĩu nặng, bất an…

Rõ ràng, phía trước của người đàn bà là bé gái.

Nhưng phía sau của những trẻ em gái đâu chỉ là một người đàn bà, nó là hành trình của những cơ hội, những lựa chọn, những điều kiện để những đứa trẻ gái hôm qua, thiếu nữ hôm nay và người đàn bà của ngày mai bộc lộ bản thân mình qua nghề nghiệp, sở thích, cuộc sống, từ đó, năng lực, “giá trị đàn bà” được thừa nhận, được khẳng định bằng những thông số đảm bảo cân bằng cho sự lưu thông, tính tăng trưởng và phát triển xã hội.

Tôi lang thang qua những trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, lạc giữa rừng sản phẩm điện tử tiêu dùng. Có quá nhiều sản phẩm gia dụng công nghệ cao, nào là máy giặt bằng hơi nước, sạch, nhanh, tiết kiệm điện; tủ lạnh dung tích ngày càng lớn, có chức năng kháng khuẩn để giữ thực phẩm tươi lâu; nồi cơm điện nhưng không chỉ nấu cơm mà nấu cháo, xôi, bánh; máy chăm sóc sức khỏe thì từ tập thể dục đến massage, ngâm chân… Một con số nói lên được nhiều điều: chỉ riêng tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim, các sản phẩm này tăng trưởng bình quân từ 30- 40%/ năm.

Sự lên ngôi của văn minh vật chất cũng đồng thời giải phóng một bộ phận lớn thế hệ “phía sau” ra khỏi những công cụ gia dụng thủ công - nơi bó buộc thời gian và cũng là một tiêu chí để định nghĩa cái gọi là “thiên chức” đàn bà. Khi được “phóng thích” khỏi khối thời gian không tên từ nơi không gian có tên bếp núc, nhà kho, sân vườn, chợ búa, người phụ nữ ít nhất sẽ có một khoảng trời be bé cho chính mình. Và chấm lên đấy một điểm nhỏ: Mình đang ở đâu và làm gì trong chính cuộc đời mình?

Yên tâm đi, ngay cả khi cuộc giải phóng này có muộn màng thì cũng chẳng sao bởi có ai đó đã nói khẽ vào tai tôi rằng, toàn bộ cuộc đời làm phụ nữ đã cho họ kỹ năng mà giờ họ được tự do dùng, chẳng cần chuẩn bị gì thêm… (trích từ một nghiên cứu không xuất bản thuộc Đại học Columbia, Mỹ - năm 1961).

Vậy, hãy tìm mọi cách để chăm sóc, trang bị, bảo vệ và… tận hưởng cho một thế hệ “phía trước” - nếu không muốn kéo theo một thế hệ “phía sau” nhiều khốn khổ với những thứ “trang sức” lấp lánh mà kỳ thực lại nặng đeo, vây siết.

Theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 - một cuộc bầu cử khá… kỳ quặc, và cả hai phiên tranh luận xấu xí, mặc cho những diễn tiến tưởng chừng không… đỡ nổi, tôi lại ấn tượng bởi một câu hỏi - một câu trả lời: Cử tọa: điều gì tốt đẹp nhất mà bà có thể nhìn thấy ở đối thủ? Ứng cử viên Hillary Clinton: - Tôi không đồng ý với hầu hết những gì Trump phát biểu nhưng nhìn vào các con ông, tôi tôn trọng. Các con của ông ấy rất đáng tin cậy và đầy sự cống hiến.

Trên đường đua chính giới khốc liệt, họ đã không khoan nhượng, xúc phạm, thậm chí đại diện Đảng Cộng hòa là người có vẻ rất khoái chí chà đạp, dè bỉu, khinh bỉ phụ nữ.

Trên lối đi vào nhà, họ nhìn thấy bóng râm che phủ, bảo bọc những đứa con; và sự tôn trọng duy nhất giữa họ - những người làm cha làm mẹ - là đến từ những đứa con.

Ngay cả lý do để người đàn bà sở hữu “quyền lực thông minh” ấy bước vào cuộc đua tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ lại cũng là từ tình yêu và tương lai mà bà muốn nhìn thấy phải thật sự tươi đẹp cho chính cô cháu ngoại Charlotte. Hay những tranh luận, thậm chí là đấu tranh gay gắt trên các diễn đàn, các cuộc đàm phán quốc tế bởi sự khác biệt, bởi những xung đột lợi ích giữa hai quốc gia khổng lồ, thì phút “đời thường” nhất có thể, trong một chuyến công cán tại Washington, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Đới Bỉnh Quốc đã rút ra từ túi áo một bức hình bé xíu của cô cháu gái và nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton rằng: “Chúng ta làm mọi việc là vì điều này”.

Vì điều này - chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em, trao cho họ cơ hội và họ tự tạo cơ hội để làm những phụ nữ năng động - trí tuệ - trung hậu - đảm đang. Thông điệp của một kỳ đại hội không ngoài những phẩm chất, tính cách và đòi hỏi nhân văn ấy.

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI