Phía trước còn bao điều tốt đẹp

04/11/2016 - 06:30

PNO - Có lần con gái hỏi: “Mẹ ơi, sao con không thể đi lại như các bạn khác?”, mẹ phải định thần một lúc mới có thể an ủi, động viên con.

Trong hàng ngàn tân sinh viên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM làm thủ tục nhập học, hình ảnh cô gái nhỏ Trần Ngọc Hạnh di chuyển trên xe lăn với nụ cười rạng rỡ, thu hút nhiều ánh mắt. Ít ai biết, để có ngày chạm tay vào giấc mơ đến giảng đường như hôm nay, em và cả gia đình đã trải qua chặng đường chiến đấu đầy khắc nghiệt.

Trần Ngọc Hạnh sinh ra bình thường như bao trẻ khác. Đến năm lên hai-ba tuổi, cái tuổi quá chậm để biết đi so với những đứa trẻ khác, gia đình đưa em đến bệnh viện để thăm khám. Khi con được chẩn đoán yếu cơ bẩm sinh, anh Trần Minh Tâm và chị Phan Thị Thương (EaSol - EaHleo - Đăk Lăk) không tin được vì cô con gái với gương mặt xinh xắn, lanh lợi không có dấu hiệu khuyết tật, cơ thể vẫn phát triển bình thường. Gom góp tiền của dành dụm và vay mượn thêm, anh chị đưa con đi Huế kiểm tra lần nữa. Kết quả vẫn là yếu cơ bẩm sinh, dẫn đến khuyết tật vận động.

Phia truoc con bao dieu tot dep

Thương con thiệt thòi so với các bạn, anh Tâm, chị Thương quyết tâm dù phải vay mượn, dù tốn bao nhiêu tiền cũng phải ráng chữa trị cho con. Nghe ở đâu có máy móc hiện đại, bác sĩ giỏi, họ lại khăn gói đưa con đi. Mỗi chuyến đi họ lại khấp khởi hy vọng có thể điều trị để con mình đi lại được. Chờ kết quả dài đằng đẵng, hy vọng điều may mắn sẽ đến với con mình, nhưng khi nghe bác sĩ thông báo không thể phẫu thuật được, anh chị thấy trời đất như sụp xuống. Họ quyết định không đưa con đi bệnh viện nữa, thay vào đó chăm sóc con thật tốt để cho con được phát triển như nhiều đứa trẻ khác.

Cha mẹ Hạnh không để con gái thiếu thứ gì, áo quần đẹp, đồ chơi… và lớn nhất là tình thương. Yếu cơ bẩm sinh nhưng Hạnh có thể vịn tường di chuyển nên ba mẹ mỗi ngày đều dành thời gian tập luyện để chân con cứng cáp hơn. Có lần con gái hỏi: “Mẹ ơi, sao con không thể đi lại như các bạn khác?”, mẹ phải định thần một lúc mới có thể an ủi, động viên con. Chị Thương kể: “Có hôm vào phòng thấy con bé ngồi khóc, con nói bị bạn bè chê cười. Những lúc con buồn còn không ra ăn cơm với cả nhà. Chúng tôi tìm những câu chuyện nghị lực vượt khó để con đọc. Con thương ba mẹ và dần lạc quan, yêu đời hơn”.

Khi Hạnh đến tuổi tới trường, ngày nắng cũng như ngày mưa, ba mẹ và anh chị thay nhau đưa đón Hạnh tới lớp. Lên cấp III, con đường từ nhà đến trường của Hạnh xa hơn. Lo việc đồng áng, việc nhà nhưng không bao giờ cha mẹ đón Hạnh trễ. Ngày nào cũng vậy, 11g25 tan trường thì 11g15, cha đã đứng ngoài lớp học chờ đón con. Hình ảnh người cha cõng con gái đến lớp đã quen thuộc với thầy cô, bạn bè tại ngôi trường Hạnh theo học.

Không muốn phụ lòng cha mẹ và sự giúp đỡ của mọi người, thành tích học tập của Hạnh luôn nằm ở top đầu toàn trường, là học sinh giỏi toàn diện 12 năm liền, gia đình được tỉnh Đăk Lăk công nhận là gia đình hiếu học. Cô gái 18 tuổi tâm sự: “Hồi đó, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, có khi em lả người đi vì đuối sức. Nhiều người thấy em lớn rồi nhưng ba vẫn bế, ngạc nhiên lắm. Như vậy chưa là gì đâu, đi đâu em cũng bị người khác nhìn bằng ánh mắt e dè, nhiều bạn còn bảo em là con què. Tủi thân lắm. Nên người ta cố gắng một thì em phải cố gắng gấp đôi, gấp ba”.

Chị Thương nói: “Vào tuổi trưởng thành, tâm lý con thay đổi, có khi rất “khó chiều”. Tôi biết, con nhìn bạn bè được tự do đi lại đây đó, rồi tủi phận mình ngoài giờ đến trường chỉ quanh quẩn trong nhà thành ức chế, nên tôi không nổi nóng với con mà nhẹ nhàng chia sẻ, lắng nghe tâm sự của con, quan tâm con nhiều hơn. Vợ chồng tôi trở thành bạn rất thân của con, có gì con bé cũng huyên thuyên với tôi và ông xã. Bây giờ con bé là niềm tự hào của gia đình, ngoan ngoãn, học giỏi, bạn bè thầy cô yêu mến”.

Phia truoc con bao dieu tot dep
Anh trai đưa em gái đến trường dự thi.

Anh Tâm kể: “Có lần con hỏi chúng tôi muốn nó học ngành gì, rồi con kể hoài bão ước mơ của mình mà tôi thấy xót xa vì biết con sẽ rất khó chạm tới. Nay con đã lớn, rồi con cũng sẽ phải tập tự lập dần nhưng vợ chồng tôi lo lắm. Chỉ mong con tự tin hòa nhập với cộng đồng”.

Hạnh chọn học khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Em chia sẻ: “Em từng tự hỏi sao mình lại sinh ra trên đời không được như người ta, cũng đôi lúc ý nghĩ tuyệt vọng xuất hiện trong đầu. Nhưng rồi có trách cũng chẳng được gì, chi bằng mình cứ tự tin, vui vẻ. Gia đình, thầy cô và bạn bè rất yêu thương em, để em có được như ngày hôm nay. Nhìn ba mẹ vất vả vừa lo việc nhà vừa lo cho em, em thương lắm, chỉ biết ráng học thật giỏi. Vào đại học rồi em sẽ phấn đấu để có suất học bổng du học Pháp, rồi sẽ đi làm để có thể tự lo được cho mình. Đó là món quà em muốn dành cho gia đình”.

Con gái xuống TP.HCM học, lần đầu tiên xa nhà bước vào môi trường mới, anh chị lo lắng: “Đi lại khó khăn, không biết xa gia đình rồi con sẽ xoay xở thế nào. Chúng tôi mong con khôn lớn, trưởng thành, luôn phấn chấn, lạc quan, sống có ích”. Không có ba mẹ bên cạnh, Hạnh được chị gái và bạn bè hỗ trợ để đến lớp. Với em, đậu đại học mới chỉ là đoạn đầu của ước mơ, còn cả chặng đường dài phía trước. Hạnh thường thầm nhủ: “Tự tin, mạnh mẽ lên, phía trước còn nhiều điều tốt đẹp”.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI