Phía tây thành phố: Nhìn lại Sài Gòn những ngày thương

14/12/2021 - 10:32

PNO - "Những câu chuyện dịu dàng trong mắt bão COVID, và những chiều thưa bóng nhân gian” - lời đề từ trên bìa tập tản văn "Phía tây thành phố" của bác sĩ Lê Minh Khôi cùng bức tranh vẽ một bóng người lặng lẽ trên phố vắng, khiến độc giả nao lòng.

Tháng 8/2021, bác sĩ Lê Minh Khôi bắt đầu xông pha vào trận chiến với dịch bệnh tại Bệnh viện Dã chiến (BVDC) số 10, và nhận nhiệm vụ ở trung tâm hồi sức - bậc điều trị cao nhất trong các tháp điều trị COVID-19. “Mọi người trong trung tâm hồi hộp theo dõi hành trình của bệnh nhân đầu tiên, như tổ không lưu theo dõi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống đường băng mới mở” là những dòng hồi tưởng của bác sĩ Lê Minh Khôi về những ngày dịch bệnh căng thẳng, trong tập tản văn Phía tây thành phố (Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành).

Đường phố ngày tháng ấy im vắng, nhưng trong khu điều trị tích cực là “dòng âm thanh bất tận của máy thở, máy theo dõi sinh hiệu, máy truyền dịch, tiếng bộ đàm và điện thoại…”. Chỉ chưa đầy một tuần, khu điều trị quá tải, người này ra đi thì giường bệnh lại được lấp đầy bằng bệnh nhân nguy kịch khác…

Bác sĩ Lê Minh Khôi gọi nơi anh và đồng đội ngày đêm chống dịch suốt gần ba tháng là “Mặt trận phía tây”. Và anh đã viết sau khi thành phố trở về những ngày bình thường mới. Anh không kể nhiều về những mất mát trong đại dịch, mà chọn viết về những niềm thương và những chiêm nghiệm sâu sắc khi bước ra từ tuyến đầu.

Ba tháng ấy là “một phần đời không ai muốn trải qua, nhưng khi đã trải qua, đó sẽ mãi mãi là một khối hổ phách vàng tươi lưu giữ những thỏi thời gian hóa thạch, óng ánh sắc màu”. Các y, bác sĩ trong trung tâm hồi sức BVDC 10 hay bất kỳ nơi nào khác đều có những đêm trắng vắt kiệt sức lực, nhọc nhằn không kể hết. Ai cũng xác định mình có thể nhiễm bệnh, đã có những y, bác sĩ dương tính. Họ trở thành bệnh nhân được đồng nghiệp chăm sóc, hỗ trợ. Rồi khi khỏi bệnh, họ tiếp tục là những “chiến binh” bám trụ với đồng đội trong cuộc cứu người.

Những trang viết từ Phía tây thành phố rất nhẹ nhàng, nhưng rất sâu, cứ thâm trầm mà khiến người ta cay mắt. Anh dùng cụm từ “cái dâng hiến của hạt phù sa thầm lặng” để nói về bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - người được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 7-2020. Trong khu điều trị tích cực, người nữ bác sĩ ấy vẫn lặng lẽ thâu đêm trước hồ sơ bệnh án.

Anh kể về vị bác sĩ trẻ tên Thuận bằng giọng hài hước: “Hôm mới gặp nhau, tôi sững sờ: Trời, làm gì mà đen thui, tóc tai bặm trợn như mới ở tù ra vậy Thuận?”. “Dạ, ở tù người ta còn được nghỉ ngơi, chứ đi dã chiến thì quần quật suốt ngày đêm sếp ơi”. Bác sĩ Thuận sau thời gian chống dịch ở BVDC số 2, đã lên đường vào “Mặt trận phía tây”. Vợ anh mới sinh, còn anh ngày đêm bám trụ trong khu điều trị tích cực, nhận lãnh phần chăm sóc những bệnh nhân thở máy.

Toàn bộ lợi nhuận từ Phía tây thành phố và Sài Gòn chọn nhớ những điều thương (cũng là tập tản văn viết về COVID-19, nhiều tác giả, dự kiến phát hành vào cuối tháng 12) sẽ được góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM. Cuối tháng Mười vừa qua, Nhà xuất bản Trẻ cũng đã trao tặng 100 phần quà và dụng cụ học tập trị giá 200 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Kinh phí này từ nguồn ủng hộ của cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản Trẻ, đóng góp nhuận bút của các tác giả chuỗi chương trình “Chia sẻ cùng tác giả”, quỹ học bổng Sơn Nam…

 

Cuộc chiến với COVID-19 vẫn đang tiếp tục, nhưng đã qua giai đoạn khốc liệt nhất. Đọc lại những trang viết từ Phía tây thành phố, như thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh những ngày đau xót mà kiên cường, gian nan nhưng chưa bao giờ lùi bước. Bác sĩ Lê Minh Khôi tâm tình, với anh, ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương, nhớ về không phải để bi lụy, mà “để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều, và như từng hơi thở này đây…”. Hoặc những lúc nhìn lên bảng thống kê cuối ngày, thấy dãy số thông báo bao nhiêu người đã rời khỏi cuộc đời. Cả hình ảnh của những “chiến sĩ” trẻ đã dấn thân và trưởng thành như thế nào từ trận chiến này.

Trái tim của người bác sĩ sưởi ấm yêu thương cho các bệnh nhân đơn độc chống chọi với bệnh tật, trao truyền sức mạnh cho học trò để cùng vững tin chiến đấu; san sẻ với những số phận bên lề, nhìn về những hành trình hồi hương trong đại dịch… “Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ rệt về sự tương liên giữa vũ trụ, đất trời, cỏ cây với mỗi một thân phận như trong đại dịch này” - anh viết.

Phía tây thành phố gửi gắm nhiều điều về cuộc sống, chứa đựng “cái lẽ huyền diệu của đất trời và cái thơm thảo của lòng người”. Long lanh bụi nắng, bài thơ in trong tập sách được bác sĩ Lê Minh Khôi viết từ những ngày giãn cách nghe thương như ước vọng bình an: 

“Em có nghe không/ Lời người từ tuyến lửa?”…
“Nhất định ngày ấy sẽ tới/ Ta sẽ cùng đi một vòng như ngàn lời ước hẹn/ Lên Mù Cang Chải, ghé Lục Đầu Giang (…)/ Sẽ theo con cháu Đam San vít cần trong tiếng cồng chiêng bập bùng bay qua ngàn ngọn núi già, núi trẻ…
Rồi trở về thưa với mẹ:
- Mẹ cho con một góc vườn, có khoảng trời và một chiếc võng đong đưa”.

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI