Hành động thiết thực, chung tay chống dịch COVID-19
Từ đầu mùa dịch đến nay, các hãng mốt hàng đầu thế giới như Chanel, Dior, Louis Vuitton… liên tiếp gánh chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, lần lượt tạm ngưng hoạt động một loạt cửa hàng tại Trung Quốc đến Pháp, Ý và giờ là khu vực Bắc Mỹ.
Và khi tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhất là ở các quốc gia châu Âu như Ý, Pháp và Tây Ban Nha, thay vì cho công nhân nghỉ việc, ngừng hoạt động các nhà máy sản suất, các hãng thời trang xa xỉ nhanh chóng chuyển đổi mô hình từ sản xuất nước hoa sang gel rửa tay, từ trang phục, túi xách sang khẩu trang, đồ bảo hộ...
|
Các tập đoàn thời trang xa xỉ ủng hộ tiền và trang thiết bị y tế giữa mùa dịch COVID-19. |
Ngày 23/3, khi ít nhất 17 bác sĩ chết và 3.654 nhân viên y tế của Ý nhiễm virus corona chủng mới, thương hiệu thời trang nổi tiếng của quốc gia này - Prada bắt đầu đưa vào sản xuất 80.000 quần áo bảo hộ và 110.000 khẩu trang để giảm bớt phần nào tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế trầm trọng. Tất cả sản phẩm này sẽ được hãng cung cấp miễn phí cho đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Được biết, Prada sẽ mở cửa nhà máy liên tục cho đến ngày 6/4 để đảm bảo lượng lớn vật tư hỗ trợ cho ngành y tế. Đồng thời, đại diện thương hiệu cũng tuyên bố tặng 2 phòng chăm sóc đặc biệt ICU (Intensive Care Unit - phòng chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực) cùng nhiều trang thiết bị y tế khác cho các bệnh viện lớn nhất ở Milan, Ý.
Belenciaga và Yves Saint Laurent tiếp nối danh sách các thương hiệu thời trang cao cấp tham gia dây chuyền sản xuất vật tư phòng chống dịch bệnh COVID-19. Được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, 2 thương hiệu nhanh chóng bắt tay vào sản xuất khẩu trang. Đặc biệt, hãng mốt Balenciaga còn nhập khẩu 3 triệu mặt nạ phẫu thuật y tế từ Trung Quốc để hỗ trợ Pháp.
Tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH đặt 40 triệu khẩu trang (ước tính khoảng 21 triệu USD) từ một nhà cung cấp Trung Quốc giúp Pháp đối phó dịch bệnh bùng phát mạnh. Và các nhà máy sản xuất nước hoa chuyên dụng của hãng Givenchy và Dior (công ty con của LVMH) cũng chuyển đổi sang sản xuất nước rửa tay sát khuẩn cung cấp miễn phí cho các bệnh viện.
|
Các hãng chuyển đổi mô hình sản xuất từ nước hoa, quần áo sang khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. |
Kể từ khi dịch bệnh tại Mỹ và các quốc gia châu Âu diễn tiến phức tạp, nhiều nước ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc cũng là lúc các hãng thời trang của nước này bắt tay nhau chuyển đổi mô hình sản xuất. Fruit of the Loom, American Knits và nhiều hãng khác dệt may khác của Mỹ đã thành lập “liên minh khẩu trang” kể từ ngày 23/3 với mục tiêu mỗi tuần sản xuất 10 triệu khẩu trang y tế, kéo dài trong 1 tháng.
Nhiều thương hiệu như Moncler, Kenneth Cole và Zadig&Voltaire cũng khẳng định sẽ quyên góp tiền ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chống dịch cứu mình
Những quyên góp ủng hộ, hành động chuyển đổi mô hình sản xuất của các tập đoàn thời trang lớn trên thế giới phần nào giải quyết được tình trạng thiếu hụt lượng lớn trang thiết bị bảo hộ y tế tại các điểm nóng của dịch COVID-19. Nghĩa cử tốt đẹp này nhanh chóng nhận được nhiều lời khen ngợi từ tín đồ của các nhãn hàng trên toàn cầu, nâng cao hình ảnh của các hãng mốt.
Không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của các thương hiệu thời trang, tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, đây cũng là cách duy nhất giúp họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng khi doanh thu các hãng sụt giảm nghiêm trọng kể từ đầu mùa dịch. Một loạt cửa hàng đóng băng; nhiều tuần lễ thời trang, ra mắt bộ sưu tập đã bị hủy bỏ...
|
Doanh thu các hãng thời trang sụt giảm nghiêm trọng trong mùa dịch |
Chi trả tiền lương cho nhân viên, phí thuê mặt bằng đắt đỏ sẽ gây khó cho các hãng thời trang trong việc cân đối tài chính nếu lượng hàng bán ra giảm mạnh. Nhiều hãng còn đau đầu về việc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, điển hình là nguồn hàng dệt may khi nhiều cơ sở sản xuất tại Mỹ, Ý và Thụy Sĩ đã đóng cửa, trong khi đó, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu khôi phục sản xuất sau dịch.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault, chia sẻ về những khó khăn vì đại dịch COVID-19: “Nếu dịch bệnh được giải quyết trong vòng 2-2,5 tháng thì thiệt hại không quá lớn nhưng khi tình trạng kéo dài 2 năm thì đây là một câu chuyện hoàn toàn khác”.
Hơn ai hết, các hãng đều biết rõ nếu dịch bệnh kéo dài sẽ mất rất nhiều thời gian khôi phục kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. Bởi hậu đại dịch, nền kinh tế toàn cầu sụt giảm, hàng nghìn, hàng triệu người dân phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và bị cắt giảm nhân sự... điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định chi một khoản tiền lớn để mua sắm quần áo và làm đẹp.
Không chỉ chịu thiệt hại nặng nề khi dịch bệnh bùng phát mà hậu đại dịch còn là một câu chuyện và bài toán nan giải mà các tập đoàn thời trang xa xỉ phải giải quyết.
Chung Thu Hương