|
Một số công nhân sử dụng một loại bột nhão màu vàng làm từ bột gạo và rễ cây địa phương làm lớp chống nắng. Tất cả trang bị họ có đều rất thô sơ, dù thường xuyên phải tiếp xúc hóa chất độc hại |
Trong ký ức của một cô gái 16 tuổi, ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời chính là khi cô bị ông chủ dùng tay kẹp chặt miệng và bắt đầu cưỡng hiếp giữa những tán cọ cao tại một đồn điền ở Indonesia. Sau đó, ông ta kề rìu vào cổ họng cô và cảnh báo: “Đừng bao giờ kể cho ai khác!”.
Tại đồn điền khác, một phụ nữ tên Ola phàn nàn về những cơn sốt, ho và chảy máu mũi sau nhiều năm phun thuốc trừ sâu mà không có đồ bảo hộ. Với số tiền lương ít ỏi 2 USD mỗi ngày và không có bảo hiểm sức khỏe, Ola không đủ khả năng để đến gặp bác sĩ.
Họ là hai trong số hàng triệu phụ nữ “vô hình” của ngành công nghiệp dầu cọ đang làm việc trên các đồn điền rộng lớn - cung cấp 85% lượng dầu thực vật đa năng nhất thế giới - trải khắp Indonesia và nước láng giềng Malaysia.
Dầu cọ được tìm thấy trong mọi thứ, từ khoai tây chiên, thuốc viên đến thức ăn cho vật nuôi và cũng có mặt trong chuỗi cung ứng của một số tên tuổi lớn nhất trong ngành kinh doanh làm đẹp.
Gánh nặng trên vai phụ nữ
Phụ nữ phải đảm nhiệm một số công việc khó khăn và nguy hiểm nhất của ngành, dành hàng giờ ngập sâu trong nguồn nước bị nhiễm độc, mang vác những vật nặng đến nỗi, theo thời gian, tử cung của họ có thể xẹp xuống và biến dạng. Nhiều người được thuê theo dạng thời vụ, dù họ vẫn thực hiện các công việc giống nhau cho cùng một công ty trong nhiều năm. Có những phụ nữ thậm chí làm việc không lương để giúp chồng đáp ứng các chỉ tiêu hằng ngày vượt quá sức người.
Chính phủ Malaysia cho biết họ không nhận được báo cáo nào về các vụ cưỡng hiếp. Thế nhưng, phía Indonesia thừa nhận tình trạng lạm dụng thể chất và tình dục đang ngày càng gia tăng.
Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 7,6 triệu nữ nhân công, chiếm khoảng 1/2 tổng lực lượng lao động. Ở Malaysia, các số liệu khó xác định hơn do số lượng lớn người nước ngoài di cư làm việc thời vụ.
Hãng tin AP phỏng vấn hơn 30 phụ nữ và trẻ em gái từ ít nhất 12 công ty trên khắp Indonesia và Malaysia. Ở cả hai quốc gia, AP thấy rằng nhiều thế hệ phụ nữ thuộc cùng một gia đình phải chôn vùi sức khỏe tại các đồn điền dầu cọ. Một số bắt đầu làm việc từ khi còn là những đứa trẻ.
Nhiều thập niên trôi qua, dầu cọ trở thành một thành phần thiết yếu cho ngành công nghiệp thực phẩm. Các công ty mỹ phẩm đã bị quyến rũ bởi những đặc tính kỳ diệu của dầu cọ như tạo bọt và làm ẩm thay cho thành phần có nguồn gốc động vật hoặc dầu mỏ. Trước nhu cầu tiêu thụ dầu cọ ngày càng tăng, lượng nhân công cũng không ngừng tăng lên, đạt gấp bốn lần chỉ trong 20 năm qua.
Chủ đề bị bỏ ngỏ
Nhiều gia đình sống tại các đồn điền kiếm không đủ tiền trang trải các chi phí cơ bản. Phụ nữ đôi khi bị ép sử dụng cơ thể để trả các khoản vay. Những phụ nữ trẻ hơn, đặc biệt là những người có nhan sắc, đôi khi được giao các công việc ít đòi hỏi sức khỏe như dọn dẹp nhà cửa của ông chủ, với nguy cơ bị xâm hại tình dục cao.
Trong một số ít trường hợp nạn nhân lên tiếng, các công ty thường ngó lơ, còn cảnh sát bác bỏ các cáo buộc vì chỉ dựa vào lời nói của người tố cáo. Quay lại câu chuyện của cô gái 16 tuổi bị ông chủ cưỡng hiếp vào năm 2017. Nạn nhân kể: “Ông ta dọa giết tôi và cả gia đình tôi”. Gia đình đã nộp đơn trình báo với cảnh sát nhưng đơn yêu cầu bị hủy với lý do thiếu bằng chứng.
Rosita Nengsih - Giám đốc Tổ chức Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em và gia đình ở tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia - cho biết hầu hết nạn nhân đều miễn cưỡng báo cáo về vụ cưỡng hiếp với chính quyền. Đôi khi cha mẹ ép con gái kết hôn với kẻ hiếp dâm để bớt xấu hổ. Tình huống này thường xảy ra khi nạn nhân có thai.
Một nhóm công nghiệp toàn cầu hùng mạnh - diễn đàn hàng tiêu dùng - công bố báo cáo năm 2018, cảnh báo 400 CEO của mạng lưới rằng phụ nữ tại các đồn điền phải tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm và “chịu những điều kiện tồi tệ nhất trong số những người tham gia sản xuất dầu cọ”. Nhưng trong số gần 100 vụ khiếu kiện ở Indonesia và Malaysia suốt thập niên qua, các vấn đề liên quan đến lao động nữ hầu như không được nhắc đến.
|
Một “nhà trẻ” tạm cho con em người lao động tại đồn điền ở Sumatra, Indonesia |
Doanh nghiệp né tránh trách nhiệm
Hãng tin AP đã sử dụng hồ sơ hải quan Mỹ, danh sách thành phần sản phẩm và dữ liệu từ các nhà sản xuất, thương nhân và người mua hàng để liên kết chuỗi cung ứng dầu cọ cho các thương hiệu phương Tây. Kết quả, sự lạm dụng phụ nữ liên quan đến các dòng sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như Tom’s of Maine và Kiehl’s, thông qua chuỗi cung ứng của công ty mẹ Colgate-Palmolive và L’Oréal. Bath & Body Works cũng có liên hệ thông qua nhà cung cấp chính, Cargill - một trong những nhà kinh doanh dầu cọ lớn nhất thế giới.
Coty, Inc., công ty sở hữu các mặt hàng chủ lực toàn cầu như CoverGirl và đối tác của những nhãn hàng mới thuộc thế hệ Z từ chối trả lời AP. Estée Lauder Companies Inc. - chủ sở hữu của Clinique, Lancôme và Aveda - thừa nhận họ gặp khó khăn trong vấn đề truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Cả hai công ty, cùng với Shiseido và Clorox - thuộc sở hữu của Burt’s Bees, Inc. - đều giữ bí mật tên các nhà cung cấp của họ. Riêng Johnson & Johnson công khai danh sách các nhà máy của mình nhưng từ chối cho biết liệu kem dưỡng da trẻ em mang tính biểu tượng của hãng có chứa các dẫn xuất dầu cọ hay không.
Những điều kiện mà người lao động chịu đựng hoàn toàn trái ngược với các thông điệp về quyền phụ nữ được các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp như L'Oréal - một trong những công ty mỹ phẩm hàng đầu thế giới, và Unilever - một trong những nhà thu mua dầu cọ lớn nhất cho hàng tiêu dùng - vẫn luôn đề cao.
Những phụ nữ ghét mỹ phẩm
Một nhân chứng tên Ita nói rằng công việc của cô ảnh hưởng đến khả năng sinh con khỏe mạnh. Cô đã giấu chuyện mang thai, vì sợ mất việc. Với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn ở nhà, Ita không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc quần quật để kiếm 5 USD/ngày. Trong khi đó, lao động nữ toàn thời gian cố định được hưởng ba tháng nghỉ thai sản có lương.
Ngay cả khi bụng to lên, Ita vẫn tiếp tục mang vác đồ đạc trên các mẫu ruộng, rải 400kg phân bón một ngày. Kết quả, cô đã mất cả hai đứa con trong tam cá nguyệt thứ ba. Ngoài ra, cô còn mắc kẹt với những hóa đơn y tế không thể chi trả.
|
Đằng sau slogan “vẻ đẹp dành cho tất cả mọi người” của một nhãn hàng nổi tiếng là thực tế đắng cay dành cho nhiều phụ nữ nghèo tại các đồn điền dầu cọ |
Khi được phóng viên AP đưa cho cây son trị giá 20 USD và cho biết nó có chứa dầu cọ, một công nhân tên là Defrida xoay nắp và nhìn chằm chằm vào chiếc que màu hồng lấp lánh. Cô nói rằng mình sẽ phải phun thuốc trừ sâu trên 12 ha rừng cọ hiểm trở chỉ để mua một cây son và nhắn gửi đến những phụ nữ mua các sản phẩm có chứa dầu cọ: “Xin hãy thấu hiểu cuộc sống của chúng tôi".
Ngọc Hạ (theo AP)