Họ chấp nhận thử thách để phát triển, đổi đời, giúp người. Họ chịu khó tìm tòi hướng đi mới, không ngừng học hỏi để hoàn thiện tay nghề, hoàn thiện bản thân. Họ được gia đình đồng cảm, hỗ trợ. Và họ đã thành công.
Một mình lèo lái công ty
Những ngày này, văn phòng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoa Mỹ Flower (Q.3, TP.HCM) nhộn nhịp tiếng xe chở hàng, tiếng gọi nhau bốc hàng, kiểm đếm. Tiếng điện thoại liên tục réo vang. Đó là những cuộc gọi đặt hoa cho ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).
|
Chị Nguyễn Thị Mỹ - người sáng lập thương hiệu Hoa Mỹ Flower - Ảnh: Tam Nguyên |
Chị Nguyễn Thị Mỹ - người sáng lập thương hiệu Hoa Mỹ Flower - nói: “Tôi khởi nghiệp từ con số không. Hành trang duy nhất tôi có là sự ủng hộ hết mình của chồng”.
Khi chồng sắp cưới bị tai biến mạch máu não dẫn đến liệt tay trái và chân trái, chị Mỹ vẫn quyết định gắn bó cùng anh trọn đời. Chị quyết định nghỉ việc ở công ty để có thời gian đưa chồng đi bệnh viện, tập vật lý trị liệu. Nhưng từ khi có con, gánh nặng tài chính dồn lên vai chị nhiều hơn. Do ảnh hưởng từ ca phẫu thuật, tính tình chồng chị thay đổi, hay nhăn nhó, bực dọc.
Trong hoàn cảnh đó, chị Mỹ tìm hướng giải quyết tích cực, đó là bản thân phải có công việc ổn định, đồng thời có giải pháp thay đổi tính khí của chồng. Chị đọc các tài liệu của nước ngoài thì thấy các nhà khoa học có nghiên cứu cho thấy rằng, khi trong phòng có hoa tươi hoặc cây xanh, bệnh nhân cần ít thuốc giảm đau sau phẫu thuật hơn, huyết áp và nhịp tim ổn định, ít lo lắng và mệt mỏi hơn. Năm 2012, chị quyết định kinh doanh hoa để trong nhà lúc nào cũng có nhiều hoa, có thể giúp chồng chị thay đổi tâm trạng.
Ban đầu, chị Mỹ liên tục gặp thất bại do ngành hoa lúc đó còn khá sơ khai, chị cũng chưa có nhiều kiến thức về nó. Nợ càng chồng nợ, chị suýt bỏ cuộc nhưng nhờ chồng động viên, chị quyết định bán số nữ trang cưới ít ỏi để đầu tư tiếp.
Chị nhận thấy, nếu cứ cắm theo kiểu “hàng chợ” thì không thể cạnh tranh với các cửa hàng lâu năm, cũng không có khách hàng riêng. Chị tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các thợ cắm hoa giỏi để tạo ra những bình hoa, lẵng hoa giàu tính nghệ thuật. Thế nhưng, không dễ để đưa sản phẩm đến với đông đảo người dùng. Suốt mấy năm liền, ban ngày, chị bán hoa ở tiệm; buổi tối, chị đem hoa đến cổng trường đại học, công viên bán thêm nhưng thu nhập không mấy khả quan.
|
Chị Nguyễn Thị Mỹ - người sáng lập thương hiệu Hoa Mỹ Flower ẢNH: TAM NGUYÊN |
Năm 2016, thương mại điện tử dần phát triển, chị mạnh dạn kinh doanh online với mong muốn có nhiều người biết đến thương hiệu Hoa Mỹ. “Người ta thường tặng hoa cho nhau vào dịp kỷ niệm quan trọng. Nếu khi giao, hoa tươi, nguyên vẹn thì khách cũng có kỷ niệm đẹp với mình, ngược lại thì mất khách ngay. Do đó, bộ phận giao hàng phải được đào tạo kỹ” - chị Mỹ nói. Nhờ giao hoa tươi, đẹp, thương hiệu Hoa Mỹ ngày càng phát triển. Hiện công ty của chị có gần 20 nhân sự.
Thấy nông dân ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trồng sen đá rất cực mà giá bán lại quá rẻ, chị Mỹ nghiên cứu các mẫu hoa để tận dụng được loài sen đá, nâng giá trị của loài này. Ngoài thu mua từ các nhà vườn, chị còn tự trồng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách. Nhờ có khiếu thẩm mỹ, sản phẩm của chị nhanh chóng được thị trường đón nhận, chị có thêm kinh phí lo cơm nước miễn phí, trả 50 - 70% lương cho bộ máy nhân sự trong suốt các tháng phải đóng cửa do giãn cách xã hội.
Tiên phong trong việc tạo bó hoa và lẵng hoa từ 100% sen đá, chị còn tiên phong bán hoa và dạy cắm hoa trên mạng xã hội TikTok. Mỗi video của chị trên TikTok thu hút hàng triệu lượt xem.
Dù bận rộn kinh doanh, chị vẫn dành khá nhiều thời gian cho chồng và con. Biết chồng không giỏi kiếm tiền nên chị càng phải tế nhị hơn trong lời ăn tiếng nói để anh không tự ái, tổn thương. Chị cười: “Nếu lời nói có thể làm cho gia đình vui vẻ thì mình dại gì mà không nói. Khi anh làm việc nhà, tôi luôn khen ngợi, khích lệ để anh thấy mình luôn có ích với vợ con. Tôi luôn áp dụng phương châm “cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.
Mẹ đơn thân vượt khó
Chị Nguyễn Thúy Kiều là mẹ đơn thân. Năm 2014, chị về nhà mẹ ở xã Phú Cường, H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để sinh con. Chị vay tiền để mở quán bán trà sữa nhưng không có lãi.
Mấy phụ nữ gần nhà mẹ chị đi lột vỏ hạt điều ở tỉnh Bình Phước về cũng than không có việc, mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn đồng tiền công. Tỉnh Đồng Tháp là vùng trồng sen nhưng cuộc sống của người trồng sen luôn bấp bênh do thị trường lúc cần, lúc không. Chị Kiều nhớ lại: “Tôi thấy mình đã khổ mà xung quanh toàn người cùng cảnh. Tôi nghĩ, mình phải làm gì đó để thoát nghèo và giúp bà con, làng xóm”.
|
Nhờ có sự hỗ trợ của gia đình, chị Nguyễn Thúy Kiều đã vượt qua nhiều sóng gió để khởi nghiệp thành công |
Năm 2016, chị Kiều dẹp xe trà sữa, mày mò nấu sữa hạt sen. Lúc đầu, chị chỉ nấu với số lượng ít rồi đến các quán nước, thuyết phục chủ quán nhập hàng của chị. Thấy không mấy người mặn mà, chị ký gửi, chủ quán bán được thì hưởng tiền lời, chị chấp nhận lỗ vốn trong thời gian đầu. Dần dà, khách hàng quen và thích vị sữa hạt sen, đặt mua ngày một nhiều. Các cửa tiệm, quán nước nhận ký gửi cũng trở thành đại lý của chị.
Cũng từ lúc đó, 4g sáng, chị nấu sữa, đóng chai. Nấu xong, chị đi giao hàng bằng chiếc xe máy gắn khung sắt đằng sau, tới chiều tối mới về nên mẹ con ít khi ở bên nhau. Các chị hàng xóm cũng phụ chị làm sữa hạt sen, công việc ổn định hơn trước. Chị cũng thu mua hạt sen từ ba hộ trồng, giúp họ có đầu ra ổn định.
Hai năm nay, có được đại lý, khách hàng ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ, TP.HCM, chị đầu tư mua máy làm bột sen. Chị cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho vay tiền mua xe tải đi giao hàng, mỗi tháng trả góp 12 triệu đồng. Từ cơ sở nấu sữa hạt sen đơn sơ ban đầu, chị Kiều thành lập Công ty TNHH Ba Tre, mỗi tháng bán được 2.000 hộp sữa.
Chị Kiều chia sẻ: “Tính tôi nhát từ nhỏ, ngại giao tiếp. Nhưng cái khó đã đưa tôi vào con đường kinh doanh nên giờ đỡ nhát hơn. Trò chuyện cùng bà con, hàng xóm, tôi mới tìm được lối ra, giúp mình và người xung quanh thoát nghèo. Nhiều lần, tôi cũng chịu thiệt với bạn hàng để duy trì công việc, giúp bà con ở quê có công ăn việc làm”.
Chị biết ơn cha mẹ, anh chị luôn đỡ đần việc nhà cho chị. Con chị nay đã học đến lớp Ba. Các ban, ngành tỉnh Đồng Tháp cũng thường xuyên tạo điều kiện để chị tham gia các lớp đào tạo khởi nghiệp nên chị cũng dần biết cách quản lý doanh nghiệp nhỏ của mình, biết cách thay đổi bao bì, thiết kế để sản phẩm bắt mắt hơn.
Thành công nhờ được chồng lo "hậu tuyến"
32 tuổi, chị Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI - là một trong 10 Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2021, một trong 18 Nông dân thủ đô tiêu biểu năm 2022. Chị còn là chủ một spa, là Trưởng làng nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia.
|
Chị Nguyễn Thị Thu (bìa trái) - Trưởng làng nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia, Giám đốc Công ty Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI |
Năm 2016, chị Nguyễn Thị Thu bỏ vị trí trưởng phòng marketing của một công ty, rẽ sang con đường nông nghiệp. Khởi đầu từ việc nông dân Thanh Hóa bị dụ mua cây giống chùm ngây về trồng đại trà rồi phải phá bỏ, chị Thu dồn số tiền vốn ít ỏi để mua lá chùm ngây giúp bà con, thuê đơn vị chế biến. Thấy ruộng đồng quê mình bị bỏ hoang hoặc canh tác kém hiệu quả do lạm dụng hóa chất, chị Thu học cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên rồi hướng dẫn bà con cách cải tạo đất đai, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
Nhờ những kiến thức mà chị truyền đạt, bà con tỉnh Sơn La đã chế biến được bún dâu tây, rượu vang thanh long, bà con tỉnh Điện Biên làm được giấm táo mèo, sản xuất được rượu táo mèo bằng phương pháp lên men từ táo tươi… Chính chị Thu lại tìm hướng giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm này.
Nhờ sự kết nối, thu mua, điều phối hàng hóa và bán chéo sản phẩm giữa các thành viên, chị Thu đang là đầu mối của hơn 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ, phân phối khoảng 200 sản phẩm là đặc sản vùng miền. Đặc biệt, đó đều là những sản phẩm được bà con sản xuất theo tiêu chí xanh, sạch, minh bạch mọi quy trình. 2020 là năm khó khăn do dịch bệnh, nhưng cách làm của chị Thu đã giúp nông sản chế biến của bà con tăng lượng tiêu thụ 20%.
Năm 2021, chị Thu nhận thêm nhiệm vụ Trưởng làng nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia, chuyên tổ chức hướng dẫn bà con canh tác nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ để chế biến sản phẩm một cách tiết kiệm, thông minh; cùng lãnh đạo nhiều huyện, tỉnh xây dựng hướng đi cho nông nghiệp địa phương; hướng dẫn kỹ năng khởi sự kinh doanh cho thanh niên, phụ nữ nông thôn.
Lịch làm việc dày đặc nhưng chị vẫn dành thời gian cho hai cô con gái năm tuổi và tám tuổi. Hoạt ngôn, luôn giòn giã tiếng cười nhưng chị lại dễ xúc động khi nhắc đến gia đình, nhắc đến người chồng nghỉ làm giám đốc một công ty để tạo điều kiện cho chị phát huy hết khả năng.
Mỗi lần nói về chồng - anh Phạm Trọng Kỷ - chị Thu đều xúc động: “Tôi đã rất may mắn khi có được một người chồng sẵn sàng gánh phần chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa. Với riêng tôi, mọi khó khăn trong công việc đều có thể chia sẻ với chồng. Nếu không có hậu phương là anh thì chắc chắn tôi không thể làm được nhiều việc, cũng không có được những thành công như ngày hôm nay”.
Hoa Lài - Mỹ Huyền - Uông Ngọc