Bài cuối:

Phía sau những cuộc hồi hương chạy dịch: Nông dân phải là trung tâm của phát triển nông nghiệp, nông thôn

13/08/2021 - 07:34

PNO - Cuộc di cư - hồi hương này không phải là vấn đề lạ, vì đó là di cư việc làm, nhưng do chưa từng có tiền sử nên có sự bất ngờ, bị động trong quản lý, xử lý, từ đó tất yếu dẫn đến những lúng túng và khuyết điểm. Nhưng nó lại cho chúng ta rất nhiều bài học về kinh tế, công nghiệp, con người, nông thôn, xây dựng nông thôn mới…

 

Ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới
Ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới

Đừng để chính sách như quả thị

Những ngày qua, chúng ta thấy người hồi hương chủ yếu là lao động miền Trung và Tây Nguyên. Đó là những lao động trẻ tách khỏi gia đình đi tìm việc làm, là những ông bố, bà mẹ trẻ đi tìm kế sinh nhai. Ngoài nỗi lo việc làm và thu nhập, người lao động còn mang theo một nỗi sợ về tính mạng và sức khỏe con người. Khi gặp những biến cố đó, họ hoàn toàn bị động, lắc lư, dễ ngã…

Một nỗi lo lắng nhãn tiền nữa là, người di cư đến các thành phố rồi trở về sẽ xảy ra mâu thuẫn về văn hóa với người tại chỗ. Mâu thuẫn thế hệ đã có trước khi họ ra đi. Khi đã ở môi trường phố thị nhiều năm và quay về, họ mang văn hóa công nghiệp, văn hóa thành thị về làng quê. Mâu thuẫn này rất dễ dẫn đến những hành động bột phát, gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội và lối sống.

Trở lại vấn đề lao động nông thôn miền Trung và Tây Nguyên di cư tự do về các thành phố lớn. Họ buộc phải đi vì khí hậu quá khắc nghiệt, thu nhập từ nông nghiệp lại quá thấp so với mặt bằng nông nghiệp của cả nước và công nghiệp hóa, hiện đại hóa không “về làng”, các doanh nghiệp cũng không muốn đầu tư ở những nơi đó vì không có thị trường, sức mua thấp và chi phí về môi trường cao hơn các nơi khác.

Cùng ba yếu tố đó là chiến lược phát triển công nghiệp cho miền Trung và Tây Nguyên thiếu hẳn một tầm nhìn. Chính sách xây dựng nông thôn mới ở hai vùng này cũng chậm, chất lượng thấp. Chính sách cho các vùng nghèo khó (do khí hậu khắc nghiệt, địa hình khó khăn chứ không phải do bà con không chịu khó lao động) vừa ít, vừa chưa đủ, vừa phi thực tế mà tôi gọi là “chính sách quả thị”, chỉ để ngửi. Rồi chính sách dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Các con số báo cáo của địa phương rằng 68 - 70%, thậm chí 80% lao động đào tạo xong có việc làm thực tế chỉ là những con số rỗng - cũng như quả thị - chỉ thấy hấp dẫn chứ không giải quyết được vấn đề. 

Bên cạnh đó, còn có một xu hướng chung của xã hội: thành phố tích tụ người ở nông thôn về và tích tụ người vào ở các chung cư; công nghiệp cũng tích tụ ở thành phố - nơi có điều kiện về cơ sở hạ tầng - tạo nên sự bất bình đẳng và khiến các cuộc di dân đi tìm việc làm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên ngày càng cao.

Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn nói chung và đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn ở miền Trung, Tây Nguyên nói riêng là phải tạo được không gian cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Trong không gian ấy, công nghiệp phải gắn với các vùng nguyên liệu nông sản chủ lực và xuất khẩu để tạo công ăn việc làm. Thêm vào đó, công nghiệp phải gắn với thương mại, dịch vụ và cần có chính sách riêng cho nông nghiệp, công nghiệp, làng nghề ở quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện, ưu đãi về thuế, về vị trí đất đai… cho những doanh nghiệp tiên phong đầu tư. 

Sản phẩm nông nghiệp đó phải được kết nối với làng xã, với địa phương thì mới có tình yêu, có sự đóng góp, bảo vệ của người lao động. Còn nếu công nghiệp trong nông nghiệp mà chỉ đứng “bơ vơ” như hiện nay thì vừa không hút được lao động, vừa trở thành gánh nặng cho nông thôn, môi trường và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, phải đào tạo nghề cho nông dân để nông dân có việc làm và đào tạo để nông dân sẵn sàng thay đổi việc làm, có khả năng thích ứng công việc khi đến địa phương khác. 

Vẫn “coi thường nông nghiệp, coi nhẹ nông dân” 

Nhiều chuyên gia cho rằng, để Việt Nam phát triển mạnh và nhanh, chỉ cần đầu tư vào hai nghề là nghề nông và tin học - phần mềm. Rõ ràng, nông nghiệp - thế mạnh của Việt Nam - đã đủ sức để chứng minh điều này. Năm 2020, nông nghiệp đóng góp vào GDP 15,8%, trước nữa là 18,4% và 21%. Ta vừa xuất khẩu 22 tấn quả sấu đông lạnh sang Australia, và giá trị của quả sấu khi đó đã tương đương quả cam. 

Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa về quê tránh dịch COVID-19 đang đối mặt với cuộc mưu sinh mới đầy bấp bênh -  ẢNH: THUẬN HÓA
Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa về quê tránh dịch COVID-19 đang đối mặt với cuộc mưu sinh mới đầy bấp bênh - Ảnh: Thuận Hóa

Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu nhờ nông nghiệp, nhưng do chính sách đầu tư và do chúng ta bỏ lỡ mất các cơ hội mà không nhận ra, không điều chỉnh và không dám tiếp thu cái mới. Chúng ta đã bỏ lỡ ba cơ hội. Cơ hội thứ nhất là giai đoạn 1993-2000, khi giao khoán đất cho dân, hộ dân vào hợp tác xã, chúng ta có nông sản xuất khẩu nhưng lại không duy trì, đầu tư và phát triển cho kinh tế tập thể; đến khi hội nhập, kinh tế tập thể bị văng ra ngoài lề vì không đủ năng lực để tiếp thu chuỗi cung ứng. 

Cơ hội thứ hai là năm 2007, chúng ta gia nhập WTO nhưng lại bỏ qua công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ. Chúng ta xuất khẩu nông sản thô và người nông dân chỉ nhận được đồng tiền lẻ trong chuỗi giá trị đó. Có thể tóm tắt tình hình xuất khẩu nông sản của nước ta trong suốt ba mươi năm qua là “đỉnh về lượng nhưng lại là đáy về giá”. Cơ hội thứ ba quy hoạch đất nông nghiệp cứ thay đổi nên đến bây giờ, mất bao nhiêu chi phí đổ vào mà vẫn là nền nông nghiệp sản xuất manh mún, hợp tác xã èo uột. Bỏ lỡ các cơ hội đó nên chúng ta đã tụt hậu khá xa. 

Nông nghiệp hiện nay đang gặp phải ba “không”: doanh nghiệp không muốn đầu tư; người làm chính sách không muốn làm chính sách cho nông nghiệp; bố mẹ không muốn con em mình học xong lại đi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cùng với ba “không” đó là nông nghiệp chưa được đầu tư tương xứng với mức mà ngành này đóng góp vào GDP, đồng thời không thực hiện được như trong Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết có nói, “đầu tư cho nông nghiệp năm năm sau phải cao gấp hai lần giai đoạn trước” nhưng thực tế, đầu tư cho nông nghiệp lại ngày càng giảm đi, từ 12,05% xuống 8,4% rồi xuống 6,05% và bây giờ là 5,08%. Theo lý luận về kinh tế thị trường thì khi một ngành đã đóng góp cho GDP bao nhiêu, phải trả cho nó mức đầu tư tương đương.

Nông nghiệp không được phát triển xứng tầm còn do một nguyên nhân nữa, đó là sự coi thường nông nghiệp, coi nhẹ nông dân. Điều này đã được nói đến trong một hội nghị của Hội Nông dân Việt Nam từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn không có gì thay đổi. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có “cách mạng nông nghiệp” lần thứ hai. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã hoàn thành nhiệm vụ của nó rồi, đã đến lúc cần được thay thế bằng nghị quyết mới.

Theo tôi, trong nghị quyết mới, vấn đề nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Nông dân phải là trung tâm của phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đó mới là hàm lượng giá trị kinh tế, xã hội chứ không phải nông dân là chủ thể của phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Huế đang cần người về quê có tay nghề

Là tỉnh có nhiều người hồi hương trong dịch COVID-19, ông Hồ Huy Hinh, Phó trưởng phòng Đầu tư, Doanh nghiệp và Lao động của Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết ban đã có thông báo đến các doanh nghiệp đang cần người để nắm bắt nhu cầu lao động hồi hương sau khi hoàn thành cách ly y tế tại địa phương. Nếu được tuyển dụng, những người này có thể được bố trí ngay vào những công ty đang thực hiện phương án sản xuất “ba tại chỗ” để họ vừa có chỗ ở, vừa có việc làm, qua đó hạn chế được tình trạng lây nhiễm…

Theo ông Hinh, đến thời điểm này, có khoảng mười doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tìm kiếm trên 8.000 lao động.
Hiện Công ty Scavi Huế (nhà máy tại Khu công nghiệp Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã có thư ngỏ muốn tuyển dụng người lao động ngành may đã, đang và sẽ trở về quê. Theo đó, Công ty Scavi Huế sẵn sàng tuyển dụng đối với lao động đã có tay nghề mong muốn lập nghiệp tại quê nhà. 

Để thu hút lao động vào làm việc cho công ty, lãnh đạo doanh nghiệp này thông báo áp dụng một số chế độ như hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc; hỗ trợ nóng 5 triệu đồng đối với công nhân có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức. Công ty sẽ áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, để có hình thức ký hợp đồng phù hợp cũng như áp dụng mức lương tương đương với tay nghề.

Thuận Hóa

Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới

 Minh Tuệ (ghi)

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI