>> Phía sau những cuộc hồi hương chạy dịch - Bài 1: Gian nan ngày về
“Đốt đuốc” tìm việc làm
Cũng như nhiều thanh niên khác ở làng Dừa (P.Hải Dương, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đến tuổi trưởng thành, anh Võ Ngọc Mạnh vác ba-lô lên đường vào TPHCM lập nghiệp, sau đó lập gia đình. Vợ chồng anh làm công nhân cho một công ty may ở Q.Tân Phú, tiền lương chỉ đủ trang trải sinh hoạt, trả tiền thuê nhà trọ và nuôi hai con nhỏ. Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, vợ chồng anh Mạnh thất nghiệp hai tháng ròng, tiền tích cóp sắp cạn nên quyết định mua vé tàu về quê.
“Khi về tới ga Huế, chúng tôi được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tỉnh chở đi cách ly tại P.Phú Thượng, TP.Huế. Mong muốn của tụi tôi là sớm tìm được việc làm sau khi cách ly. Nói thiệt, ở Huế chừ (bây giờ) xin việc khó lắm, bởi bà con về quá đông mà chỗ làm thì ít” - anh Mạnh trầm tư.
|
Chị Nguyễn Thị H. - quê ở H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế - cùng chồng và hai con chạy xe máy hơn 1.000km từ TPHCM trở về Huế - Ảnh: Thuận Hóa |
Chị Nguyễn Thị H. - quê ở H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa cùng chồng con chạy xe máy về từ TPHCM - tâm sự: “Ở lại Sài Gòn thì không đi làm được, cũng không có tiền cầm cự nên liều chạy xe về. Về thì không lo chuyện cách ly mà chỉ lo cách ly xong không có việc chi làm, tạo thêm gánh nặng cho gia đình”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả H.Phú Vang chỉ có một khu công nghiệp với diện tích trên 100ha nhưng chỉ có ba nhà máy nhỏ lẻ, trong khi có khoảng 2.000 người vừa trở về từ TPHCM.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh này có khoảng 95.365 người vào Nam làm việc, riêng TPHCM là 50.566 người (chỉ có hơn 31.000 người lao động có giao kết hợp đồng lao động). Tính đến hết ngày 4/8, toàn tỉnh có hơn 14.000 trường hợp từ các tỉnh phía Nam hồi hương, đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung.
“Như cá mắc cạn”
Hơn 80 ngày qua là quãng thời gian nhàn rỗi bất đắc dĩ của vợ chồng chị Phạm Thị Cúc - ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cuối tháng 5/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TPHCM, vợ chồng chị Cúc về quê tránh dịch. Cứ nghĩ chỉ về tạm thời nên chị Cúc vẫn giữ lại phòng trọ làm nơi để đồ đạc, dụng cụ buôn bán hủ tíu. “Tưởng năm bữa nửa tháng, ai ngờ kéo dài hơn 80 ngày rồi. Ở quê nhưng ngày nào vợ chồng tôi cũng theo dõi tình hình dịch ở Sài Gòn. Quanh năm buôn bán tất bật, giờ ở quê nhàn rỗi, tôi như cá mắc cạn, ngày ngày xách cuốc ra làm cỏ quanh nhà cho đỡ buồn tay, buồn chân” - chị Cúc tâm sự.
|
Người lao động ở tỉnh Thừa Thiên - Huế làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: Thuận Hóa |
Từ đầu những năm 1990, ở quê ít ruộng, mùa màng lại bấp bênh nên vợ chồng chị Cúc quyết định vào Nam lập nghiệp, để lại mấy sào ruộng cho anh em bên chồng canh tác. Trong gần 30 năm mưu sinh ở Sài Gòn, cũng có vài lần, vợ chồng chị định hồi hương tìm sinh kế, nhưng chưa bao giờ họ trụ được ở quê quá ba tháng. Chị Cúc kể: “Cách đây khoảng bảy năm, người ta đồn hủ tíu bỏ thịt chuột, buôn bán ế ẩm quá nên vợ chồng tôi về quê. Chưa đầy hai tháng, tụi tôi phải vô Sài Gòn buôn bán trở lại vì về quê thì chỉ có làm ruộng hoặc đi phụ hồ, thu nhập không đủ nuôi ba đứa con”.
Trong đợt về quê tránh dịch lần này, nhiều người khuyên vợ chồng chị Cúc tìm sinh kế lâu dài ở Quảng Ngãi vì dịch bệnh ở TPHCM chưa biết khi nào mới dứt. Nghe vậy, chị Cúc chỉ biết lắc đầu. Mùa này, quê chị đang nắng nóng, lúa gieo sạ đều chết khô. Chị nói: “Bây giờ, mấy người chuyên làm nông ở quê cũng không có việc làm thì ai đâu mà thuê mướn tụi tôi. Năm nay tôi gần 50 tuổi, cũng chẳng công ty, nhà máy nào tuyển dụng nữa. Tôi chỉ mong Sài Gòn hết dịch bệnh để vô buôn bán, nuôi đứa con gái học đại học năm hai”.
5 năm qua, ông Phạm Công Năm - trú tại thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - đã ba lần về quê mưu sinh nhưng rồi bám trụ không nổi, lại phải ly hương. Gần đây nhất, hồi giữa năm 2020, ông Năm từ TP.Đà Nẵng quay về Quảng Ngãi mưu sinh bằng nghề phụ hồ. Đầu năm nay, ông Năm một lần nữa quyết định rời quê, vào Nam mưu sinh. Thế nhưng, dịch bệnh lại khiến ông Năm một lần nữa quay về. Ở quê, ông Năm có ba sào ruộng. Những ngày ông đi làm ăn xa, ruộng vườn để cho người anh họ canh tác. Nhờ số ruộng của ông Năm để lại, người anh họ mới có đất để làm, có dư chút đỉnh. Nếu ông Năm về quê sinh sống, lấy lại ruộng thì gia đình người anh họ cũng sẽ rất khó khăn.
“Quê tôi có hàng chục ngàn người đi làm ăn ở các tỉnh khác. Họ đi để tìm kế sinh nhai cho mình nhưng cũng để người ở lại quê có thêm nguồn sống. Nếu bây giờ mà tất cả quay về quê, cùng làm ruộng thì sẽ chẳng ai sống nổi. Nhiều căn nhà khang trang mọc lên trong xã mấy năm gần đây cũng nhờ mấy người làm ăn xa tích cóp gửi tiền về xây. Hầu hết những người làm ăn xa về quê tránh dịch đợt này đều đợi qua dịch sẽ rời quê đi làm ăn xa tiếp” - ông Năm chia sẻ.
Bố trí việc làm là bài toán khó
Tại thị xã Đức Phổ - nơi ghi nhận có nhiều ca mắc COVID-19 - có gần 900 người về quê “tránh dịch”. Ông Vũ Minh Tâm - Chủ tịch UBND thị xã - cho biết, tạo sinh kế cho người dân ở các tỉnh phía Nam về quê là việc làm lâu dài. Hiện tại, chính quyền thị xã đang tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Lê Minh Hưng - Chủ tịch UBND xã nông thôn mới Tịnh Thiện, TP.Quảng Ngãi - thông tin: chính quyền xã đã họp bàn giải pháp tạo công ăn, việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động. Chỉ có hai hướng giải quyết: những bà con lớn tuổi, buôn thúng, bán bưng ở TPHCM về quê, có thể tiếp tục làm nông hoặc buôn bán nhỏ; những người trẻ từ TP.HCM về thì chính quyền ký duyệt hồ sơ nhanh để họ vô các nhà máy, khu công nghiệp trong tỉnh xin việc làm, đặc biệt là Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
Trả lời về công ăn, việc làm cho người dân sau khi dịch COVID-19 được khống chế, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - thẳng thắn: “Chính quyền tỉnh đang trong cao điểm chống dịch nên chưa xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề này vì chưa khả thi và không sát thực tế. Đối với những người từ các tỉnh phía Nam về quê, chúng tôi phải phân loại theo độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, mới tính toán, bố trí được”.
Kỳ Sơn là huyện miền núi phía tây tỉnh Nghệ An, giáp với Lào, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Lãnh đạo huyện này cho biết, song song với khâu chuẩn bị đón công dân trở về quê tránh dịch, UBND huyện cũng đang rà soát, tìm kế sinh nhai cho người dân sau thời gian cách ly. Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy H.Kỳ Sơn - nhận định: “Thanh niên trở về quê nhiều, nếu không có việc làm thì dễ sinh ra các tệ nạn xã hội. Do đó, giúp người dân có việc làm vừa để bà con sớm ổn định cuộc sống ở quê nhà, vừa góp phần giữ an ninh trật tự địa phương”. Nhưng ông cũng cho hay, Kỳ Sơn là huyện miền núi, không có các khu công nghiệp, công ty nên khó bố trí việc làm cho lượng lớn người hồi hương.
Nhưng vẫn phải làm bằng mọi cách
Ông Bùi Văn Hiền - Phó chủ tịch UBND H.Quế Phong, tỉnh Nghệ An - cho biết, người dân huyện biên giới này chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi và trồng rừng. Một số hộ đi tiên phong nuôi cá lồng, trồng cây chè hoa vàng, cho thu nhập ổn định. Do đó, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trở về quê nhà, UBND huyện đã yêu cầu các xã rà soát số lượng, khảo sát khu vực sản xuất để có hướng hỗ trợ bà con.
“Nếu dịch kéo dài, người dân không thể tiếp tục đi làm ăn xa thì chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho từng đối tượng phù hợp với từng mô hình sản xuất. Cây chè hoa vàng hiện đang cho thu nhập tốt, ngoài trồng thì người dân có thể nhận khoanh nuôi bảo vệ cây chè hoa vàng trong rừng, hoặc bà con có thể tham gia bảo vệ rừng” - ông Bùi Văn Hiền nói.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho hay, ưu tiên số một của tỉnh là đưa bà con vào khu cách ly tập trung; sau đó, khi bà con về nhà, chính quyền sẽ phân loại theo tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp đã làm trước đây để đào tạo, giúp người dân tiếp cận công việc. UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TBXH phối hợp với UBND các huyện, thị thực hiện các việc này.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, ông đã làm việc với một số chủ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng, chế biến nông sản, yêu cầu tạo điều kiện cho bà con có việc làm; nếu bà con không muốn quay trở lại TP.HCM thì cũng có việc làm ổn định tại quê nhà.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Nam - cho biết, còn ba ngày nữa, những người từ TPHCM về trong đợt đầu sẽ hoàn thành thời gian cách ly. Sở sẽ khảo sát độ tuổi, ngành nghề trước đây từng làm, nguyện vọng để từ đó bố trí đúng người, đúng việc. Hiện tại, do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên trung tâm giới thiệu việc làm phải dừng hoạt động, các doanh nghiệp cũng đang khó khăn nên chưa thể tuyển dụng. Tuy nhiên, bằng mọi cách, chúng tôi phải tạo công ăn, việc làm cho họ.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 300/3.013 doanh nghiệp dừng hoạt động, 7.504/92.130 lao động bị dừng việc hoặc mất việc làm. Ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết 5.182 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 74,6 tỷ đồng. Có 322 lao động được hỗ trợ học nghề theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh này - cho biết, sở đang phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về, đồng thời rà soát, đánh giá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tỉnh để kết nối nhà tuyển dụng với người lao động. Đối với lực lượng lao động tự do, lao động mong muốn chuyển đổi ngành nghề, sở sẽ vận dụng các chính sách hiện có, trong đó bao gồm Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người lao động học nghề, nâng cao tay nghề.
|
Vừa qua, dư luận quan tâm câu chuyện 47 người H’rê đi bộ từ tỉnh Khánh Hòa về H.Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, được xe của lực lượng quân đội tỉnh Khánh Hòa “giải cứu”, chở về nhà.
Những người này được thuê vào Khánh Hòa để chặt keo (cây rừng trồng), bóc vỏ đưa lên xe, với tiền công hơn 200.000 đồng/ngày. Mức giá này không chênh lệch nhiều so với ở quê nhưng họ chấp nhận vì có việc làm thường xuyên. Dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh Khánh Hòa giãn cách xã hội, họ quyết định về quê nhưng không thuê được ô tô nên phải đánh liều đi bộ trong cái nắng đổ lửa. Sau họ, 147 người H’rê khác cũng được đưa về quê.
Theo ông Lữ Đình Tích - Phó Chủ tịch UBND H.Ba Tơ - người dân huyện miền núi này đa số sống dựa vào nguồn lợi từ rừng, đặc biệt là từ cây keo, thời gian thu hoạch sau khi trồng từ 5-7 năm. Công việc thường ngày của người dân là làm ruộng, nhưng do thời gian nhàn rỗi nhiều nên họ thông qua những mối quan hệ để đi làm ăn xa, kiếm thêm thu nhập, tích lũy để làm nhà, mua xe chứ không phải vì đời sống quá khổ sở. Tổng số người đi làm ăn xa là gần 1.000 người.
|
Nhóm Phóng viên
(Còn nữa)