Chẳng ai mong chờ tết
Buổi chiều nắng nhạt, con đường dẫn vào trung tâm dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (469 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, TP.HCM) yên ắng với những chùm hoa vàng đang nở bung rạng rỡ. Nằm bình yên bên bờ sông Sài Gòn, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng máy tàu thuyền vọng lên từ phía sông, đây là nơi các xơ trong dòng tu nữ Bác Ái chăm sóc 64 cụ già không nơi nương tựa.
Sau một hồi chuông, các cụ tập trung tại nhà ăn để chờ nhận những phần quà từ một nhóm bạn trẻ thiện nguyện. Cụ Võ Hồng Gia (SN 1935) đã thay mặt tất cả các cụ, xúc động nói lời cảm ơn các bạn trẻ đã mang đến trung tâm chút không khí mùa xuân.
|
Các bạn sinh viên mang đến cho những người nghệ sĩ già chút niềm vui cuối năm. |
Được sống ở trung tâm dưỡng lão Vinh Sơn, với cụ Nguyễn Thị Mai (84 tuổi), “đó là hạnh phúc cuối đời được tạo nên bởi một phép màu” mà cụ cũng không dám mơ ước. Sinh ra trên đất Bình Định, mẹ cha mất khi cụ còn rất nhỏ. Mồ côi, cụ nương nhờ chú bác. Nhưng chiến tranh ác liệt đã gây bao cuộc ly tán. Một trận bom dội xuống, những người thân, họ hàng cưu mang cụ cũng ra đi.
Vậy là năm 12 tuổi, những bước chân của cụ lang bạt khắp nơi, làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Đến khi về già, không còn đủ sức khỏe làm những công việc nặng nhọc nữa, cụ Mai lãnh vé số bán và thuê một căn phòng ọp ẹp nằm sâu trong con hẻm chợ Xoài để có chỗ ngả lưng. Cách đây ba tháng, kiệt sức vì cái nắng oi bức của thành phố, cụ ngất xỉu bên đường khi trên tay vẫn còn nguyên xấp vé số.
Tỉnh dậy, cụ thấy mình nằm trong viện dưỡng lão Vinh Sơn, xung quanh có bao nhiêu người già như mình. Trong cơn mơ màng, cụ chỉ nhớ mang máng ai đó đã cõng cụ vào thẳng nhà dưỡng lão Vinh Sơn, cầu xin các xơ cho một nơi tá túc để sống hết tuổi già.
Ngồi nhìn khoảng sân rộng hiu hắt cùng những vạt nắng cuối ngày vương vãi in trên nền tường cũ, cụ Võ Hồng Gia (82 tuổi, quê Sóc Trăng) người đã có hơn 40 năm bảng đen phấn trắng trải lòng về cái tết của người neo đơn trong dưỡng lão Tình thương Vinh Sơn: “Vào dưỡng lão, những nỗi lo ngày thường cũng tan, các cụ dường như không còn biết gì đến thời gian nữa. Vậy nên chỉ khi các đoàn thiện nguyện đến thăm và tặng quà tết mới biết đã hết một năm. Cũng chẳng ai có gia đình để mong chờ cái tết”.
Bóng chiều như chùng xuống khi các cụ nhớ về một đoạn đời đã qua. Đoàn từ thiện đi, trả lại nơi ấy khoảng không gian im vắng lọt thỏm giữa chiều tàn. Những cái nhìn dường như xa thẳm. Khi ngoài kia đón tết, các cụ lại trở về với nhịp sống lặng lẽ hơn cả ngày thường.
Theo chân Hội Tác giả TP cùng một nhóm sinh viên trường Đại học Văn Hiến, chúng tôi đến thăm khu nhà dưỡng lão Nghệ sĩ (314/65 Âu Dương Lân, Q.8, TP.HCM). Đây là mái nhà chung được xây dựng để làm chốn nương náu cho các nghệ sĩ trong tuổi xế chiều.
Sân nhà yên tĩnh, xung quanh rợp bóng cây xanh nhưng không khí đượm vẻ u buồn. Nghe tin có người đến thăm, họ ra ngồi hai hàng ghế đá trước sân nhà đợi khách. Nhìn những dáng hình ấy trong tuổi xế chiều, ít ai nghĩ rằng họ đã từng sống cuộc đời lấp lánh sắc màu dưới ánh đèn sân khấu.
Nhà dưỡng lão với 20 cụ từng là diễn viên, đào kép cải lương, tuồng cổ, nhạc công… Trong khi ngoài kia, cả thành phố đang rộn ràng để chuẩn bị đón tết, thì với “những ngôi sao một thời” ở đây, cái tết chỉ hiện diện trong chút quà bánh mang đến từ những tấm lòng thơm thảo, còn lại chỉ là thời gian để đối diện sâu sắc hơn với nghèo khó, tuổi già, bệnh tật và sự cô độc.
Là cháu NSND Phùng Há, cũng là nhạc công piano chuyên đệm nhạc cho các nghệ sĩ cải lương biểu diễn, cụ Lê Thị Tâm (được biết đến với nghệ danh Ngọc Bê) thời trẻ theo nhiều đoàn hát nổi tiếng biểu diễn khắp nơi. Chồng mất, người con duy nhất cũng theo cha, bỏ lại cụ một mình cô độc đem tiếng nhạc làm vui để sống hết phần đời.
Đến năm 1998, khi nhà dưỡng lão được xây dựng, cụ về ở đây, chấm dứt những tháng ngày rày đây mai đó. Không thể đi lại bình thường vì trải qua cơn tai biến từ tết năm ngoái, cuộc sống của cụ gói gọn trong căn phòng hẹp chỉ độ chừng 6m2 và hoàn toàn tách biệt bên ngoài.
Nghe có người đến thăm, cụ gượng dậy: “Tết rồi hả cô? Tết buồn lắm khi nhìn lại mình cô độc, không gia đình, người thân…”. Giọng cụ lạc đi, những giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi già chực trào ra cám cảnh phận mình.
“Khi cánh màn nhung khép lại rồi/ Chỉ còn hiu hắt tuổi đơn côi/ Xiêm y trả lại cho sân khấu/ Cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi”… ngoài sân, có ai đó ngân lên khiến người nghe chạnh lòng. Mới đầu ngày mà sao cảm giác buồn lạ.
Tôi đi bộ dọc con đường phủ đầy bóng mát từ sân ra đến cổng, cảm nhận những âm thanh cuộc sống đang dội vào. Nhưng điệu buồn vẫn cứ cất lên, hòa trong những dòng người và xe cộ, xoáy vào ngày cuối năm một nỗi niềm mênh mông khó tả.
Để người già có cái tết trọn vẹn
Không phải cái tết ở đâu cũng mang một sắc màu buồn. Hôm đến dự buổi họp mặt cuối năm do Hội LHPN TP tổ chức, cụ Ba Đoan bảo tôi: “Tết cháu rảnh thì vào chơi, trong đó ăn tết bốn ngày, vui lắm”.
Muốn biết cái vui cụ khoe, tôi đến Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khi tết còn chưa đến. Đó là buổi sáng ngày 20 tháng Chạp âm lịch. Không khí của nhà dưỡng lão rộn ràng hơn vì đó là ngày họp mặt cán bộ hưu trí của trung tâm.
Nhiều cô chú đã nán lại rất lâu sau buổi họp mặt để đến từng phòng thăm hỏi và dành thời gian trò chuyện với các cụ. Câu chuyện hôm ấy ngoài những lời thăm hỏi, động viên còn rôm rả vị bánh chưng bánh tét. Có hơn 20 năm làm hộ lý ở đây, cô Trần Thị Hoa và cô Hồ Thị Ngàn nhớ lại: “Tết năm nào cũng tổ chức nấu bánh chưng bánh tét. Các cụ hưởng ứng nhiệt tình và làm rất khéo”.
Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè hiện nay chăm sóc hơn 140 cụ. Trước đây, khi mới thành lập (năm 1996), trung tâm chỉ nhận nuôi dưỡng những người già neo đơn thuộc diện chính sách, không nơi nương tựa… với số lượng ban đầu khoảng trên dưới 100 cụ. Ngót nghét 20 năm, trong số các cụ đã lần lượt ra đi vì tuổi già, bệnh tật.
Trong khi nhu cầu xã hội về một nơi ở cho người già đang cấp thiết, ban lãnh đạo đã nghĩ đến việc tiếp nhận những người già theo diện dịch vụ có thu phí. Hầu hết các cụ được gởi vào đây đều có gia đình, con cái. Cụ Bùi Đức Tân (SN 1940) thảnh thơi ngồi bên ghế đá trò chuyện cùng ba người bạn già suốt buổi sáng.
Từng làm chuyên viên Văn phòng Chính phủ, rồi Giám đốc Xí nghiệp gốm sứ Hòa Bình (Hậu Giang), con cái thành đạt cả nhưng cụ quyết định vào viện dưỡng lão vì muốn được “độc lập, tự chủ”. Là một trong số ít những cụ đăng ký về nhà ăn tết với con cháu, nhưng với cụ, không khí trong viện dưỡng lão vẫn vui hơn vì có những người bạn già để trò chuyện: “Tết về nhà cúng ông bà, ở với con cháu hai, ba ngày rồi quay lại đây. Tôi thích không khí
trong này”.
Sở dĩ như vậy vì tại ngôi nhà này, các cụ cũng được đón tết. Ông Nguyễn Tường Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè chia sẻ về những hoạt động mà bao nhiêu năm qua, tập thể cán bộ và nhân viên trung tâm đã cố gắng thực hiện để các cụ được đón một cái tết ấm áp: “Trung tâm sẽ tổ chức tất niên và ba ngày tết cho các cụ theo lệ thường niên. Trong đó, sẽ phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tổ chức nấu bánh chưng bánh tét, chủ yếu là để bày ra cho nhân viên và các cụ cùng làm cho có không khí. Vì điều kiện sức khỏe và đảm bảo việc ngủ nghỉ, trung tâm sẽ tổ chức để các cụ đón giao thừa sớm”.
Tôi đến thăm cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, là người vào trung tâm dưỡng lão Thị Nghè khi nơi này mới thành lập. Mọi thứ ở đây quen thuộc và ấm áp như đó là ngôi nhà của chính cụ.
97 tuổi, việc đi đứng có phần khó khăn nhưng cụ vẫn giữ nụ cười tươi tắn. Chỉ tôi tờ báo Xuân Phụ Nữ nhờ cô hộ lý mua từ mấy hôm trước đang đặt ở đầu giường, cụ khoe: “Tôi mua để dành tết đọc”. Rồi lật từng trang, chỉ vào từng bức hình, cụ cười: “Đọc để biết thế hệ trẻ sống thế nào, giỏi giang ra sao”.
Bị điếc cách đây bốn năm, phải giao tiếp với cụ thông qua một tờ giấy nhưng bất tiện ấy không còn đáng kể khi cụ say sưa kể về những chuyện đã qua, những chuyện mà theo cụ là “kể hoài không hết”.
Theo chồng làm cách mạng trên miệt Củ Chi, rồi chồng bị Tây bắn chết, sau đó cụ bị bắt bỏ tù… Giữa chừng câu chuyện, cụ hướng mắt ra cửa sổ, thích thú nhìn người qua lại. Lay vai tôi, cụ nói: “Tui thích tết vì tết có người đến thăm, còn được xem văn nghệ nữa”. Nói đến đây cụ cười, đôi mắt già nua sáng lên niềm vui.
Thu Lê