edf40wrjww2tblPage:Content
NGƯỜI TA KHỔ VÌ YÊU KHÔNG PHẢI CÁCH
Không ai phủ nhận được tài năng và danh tiếng của GS.TS Trần Văn Khê - một cây đại thụ của âm nhạc dân tộc, một diễn giả lừng lẫy đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới. Trong nhiều năm hoạt động khoa học, nghệ thuật, ông đã đi khắp nơi để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đào tạo nhiều thế hệ học trò mà trong số đó hôm nay có rất nhiều người nổi tiếng.
Hình ảnh GS.TS. Trần Văn Khê trên giường bệnh cùng lời kêu gọi cứu giúp đã khiến rất nhiều người xót xa
Dù đã hơn 90 tuổi, sức khoẻ yếu kém, ông vẫn thường xuyên có những buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc dân tộc giúp giới trẻ thêm yêu văn hóa nước nhà. Không như nhiều nhà khoa học khác thường thuần túy nghiên cứu, GS.TS. Trần Văn Khê còn là một nghệ sĩ và với tài diễn thuyết, ông có rất đông người hâm mộ, cả trong giới văn nghệ lẫn khán giả đại chúng.
Thế nên không ngạc nhiên vì sao thông tin ông nhập viện đã khiến nhiều người lo lắng. Đặc biệt, trước tin ông không tiền trị bệnh vì chi phí quá lớn, con cái đều ở xa chưa về, không ai chăm sóc và đang cần giúp đỡ khẩn cấp, nhiều khán giả đã gọi cho thân hữu, truyền thông hỏi cách để gởi tiền giúp ông. Nhiều người khác bức xúc đặt câu hỏi vì sao Nhà nước không có động thái nào giúp GS. Khê chữa bệnh khi mà những đóng góp của ông cho văn hóa Việt Nam là cực lớn.
Trong chuỗi chỉ trích đó, có những người còn kéo cả việc xây dựng Văn miếu ở Vĩnh Phúc, tượng đài ở Quảng Nam... vào để phê phán chính quyền.
Trên thực tế, ngay từ ngày đầu nhập viện, con trai của GS.TS. Trần Văn Khê - kiến trúc sư Trần Quang Minh - luôn túc trực bên cha. Các học trò của ông cũng thường xuyên đến bệnh viện thăm thầy chứ không phải không ai chăm sóc vị giáo sư già. Bên cạnh đó, như đến nay ta đã biết, chi phí điều trị bệnh cho GS.TS. Trần Văn Khê đều được TP.HCM chi trả. Các con trai, con gái, con dâu của ông hiện đã về nước lo cho cha.
Điều đặc biệt quan trọng là ý nguyện của GS.TS. Trần Văn Khê cùng gia đình - không muốn để mọi người lo lắng, tự lo việc điều trị và dành thời gian cho ông tịnh dưỡng.
Lời kêu gọi quyên góp, giúp đỡ phát đi từ trang cá nhân của một nhà báo kỳ cựu, trong trường hợp này, trở thành một sự xúc phạm đối với gia đình và các học trò của Trần Văn Khê và đương nhiên không đúng với sự thực khách quan.
Giải thích cho lời kêu gọi của mình, nhà báo này cho biết mọi thứ chỉ xuất phát từ tấm lòng và trước sự khẩn cấp của sự kiện. Ông mong mọi người thông cảm vì "Có thể trong cơn bức xúc trái tim nóng", ông "có phần nóng vội", "mong ông (GS.TS Trần Văn Khê - PV) và gia quyến thứ lỗi nếu có gì không đúng".
NHÀ BÁO VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
Lẽ ra chuyện bệnh tật của Trần Văn Khê đã không đến mức phải làm tổn thương nhiều người đến thế nếu nó được xử lý thận trọng hơn. Kiến trúc sư Trần Quang Minh sống và làm việc tại Sài Gòn. NGƯT Phạm Thúy Hoan và nhiều học trò của GS. Khê cũng ở tại Sài Gòn. Những nhân vật tầm cỡ như GS.TS. Trần Văn Khê luôn được TP.HCM hỗ trợ với nhiều chính sách đặc biệt. Chỉ cần một động tác gọi điện xác minh hoặc thông báo đúng người, sự việc sẽ có thể được giải quyết nhanh chóng, nhẹ nhàng.
Nhưng không. Ở đây, nhà báo kỳ cựu này đã phát lời kêu gọi lên trang cá nhân, nhờ "một tờ báo hoặc tổ chức uy tín nào đứng ra quyên góp giúp ông". Các trang tin, báo mạng thường xuyên hóng hớt Facebook, khi chộp được nguồn tin đã lập tức biến lời kêu gọi ấy thành những bài báo đầy thê lương, như thể vị giáo sư già bị bỏ rơi trong cảnh khốn cùng, khiến dư luận càng thêm bức xúc. Rõ ràng, các quy tắc nghiệp vụ báo chí đã bị bỏ qua trong sự việc này.
Những thông tin sai lệch bị truyền đi. Hậu quả xã hội đã xảy ra. Sự thực đã được làm rõ. Những tổn thương đã xuất hiện. Nhưng những cá nhân, đơn vị có liên quan đã không xử lý đúng mực khi chỉ điều chỉnh vài chữ, cắt bỏ vài đoạn trong những bài viết đã đăng. Ngay cả vị nhà báo tên tuổi kia cũng chỉ mong mọi người thông cảm, vẫn giữ đầy đủ các thông tin sai trên trang của mình và đẩy trách nhiệm sang cho báo chí khi mọi người hỏi thăm ông về tình trạng bệnh tình của Trần Văn Khê.
Mạng xã hội xưa nay vẫn thường được gọi là chuyện cá nhân, tách biệt với con người thực. Song rõ ràng chẳng có điều gì là cá nhân và chẳng có gì tách biệt. Không phải tự nhiên mà hãng tin BBC yêu cầu nhân viên không bàn chuyện chính trị trên mạng xã hội và cũng không thể hiện chính kiến thiên vị bên nào trong số các đảng phái vì sẽ có thể khiến công chúng đánh giá sai về tính trung dung của báo chí.
Nếu không phải là một nhà báo với tên tuổi lớn hẳn lời kêu gọi của ông sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng đến vậy. Nếu không có tấm ảnh GS.TS. Trần Văn Khê nằm trên giường bệnh, sự xót xa của công chúng hẳn không lớn đến thế, khiến các trang mạng vào cuộc "giật tít" khủng khiếp đến thế.
Trân trọng tình cảm của vị nhà báo với GS. Khê, nhưng cũng mong ông hiểu trách nhiệm xã hội của người làm báo, dù là trên mạng xã hội hay ở trang cá nhân. Nhà báo có thể nói, có thể không nói. Song một khi đã nói, cần nói có trách nhiệm.
CHẤN HƯNG