Phía sau "bản danh sách tử thần"...

08/11/2020 - 17:02

PNO - Sau một đêm, có những đứa trẻ vĩnh viễn biến mất, có những đứa trẻ hóa mồ côi, lưu tên trong bản danh sách lạnh lùng...

Huyện Nam Trà My: 7 em tử vong, 6 em mất tích, 15 em bị thương và em mồ côi. Trước mắt tôi là bản danh sách thật dài những đứa trẻ bị thiệt hại do Sở Lao động - Thương binh xã hội tỉnh Quảng Nam thống kê. Cùng lúc ấy, tôi đọc tin 14 ngôi nhà bị xoá sổ sau trận lũ ở Trà Leng ngày 7/11.

Sau một đêm, có những đứa trẻ vĩnh viễn biến mất, có những đứa trẻ hóa mồ côi, nhìn vào bản danh sách, tôi không thể lý giải thứ vừa nhói lên trong tim mình là gì.

Bọn trẻ còn sống sót, chỉ ngang tuổi con cháu tôi, đang chơ vơ không làng, không nhà, không cha không mẹ, chỉ còn ánh mắt trống không với câu nhắc đi nhắc lại: “Con muốn về nhà!...”.

Hơn cả đau thương, đó là nỗi kinh hoàng có thể ám ảnh đời người.

Bản danh sách đau thương của huyện Nam Trà My, Quảng Nam
Bản danh sách đau thương của huyện Nam Trà My, Quảng Nam

Đã đành trong cuộc đời, bất trắc tai ương là điều khó tránh. Mưa nắng bão lũ muôn đời nay đâu riêng dải đất hình chữ S nhỏ xíu này. Động đất ở Haiti, sóng thần ở Thái Lan, Nhật Bản, Philippines… từng làm thao thức cả nhân loại. Nhưng sao cái cách đồng bào miền Trung gánh bão, gánh những tàn khốc của thiên tai cứ oan ức, tức tưởi, khiến đồng bào cả nước thương đến đứt ruột đứt gan.

Sao bao nhiêu năm, người Việt cũng chỉ đầu trần chân đất đọ gan cùng cao xanh tuế nguyệt? Sao bao năm cũng chỉ là miếng lá lành này đùm miếng lá rách kia? 

Bạn tôi gọi danh sách những đứa trẻ mồ côi sau thảm họa ấy là “danh sách tử thần”, bạn không dám nhìn lâu, không dám đọc rõ từng cái tên. Con người, nếu không còn tình thân ruột rà, nếu không còn nơi nào để về, nhất là những con người nhỏ xíu lâu nay sống dựa vào cha mẹ, chưa thể tự sinh nhai ấy, chúng sẽ trải qua những ngày tiếp theo thế nào?

Tôi cứ nghĩ, có cách nào để các nhà chức trách nhìn thấy thứ phía sau bản danh sách này, để nghĩ đến những đứa trẻ không còn chỗ dựa trên đời, để thấy sự nguy hiểm của muôn nóc nhà vẫn dựa núi hôm nay, mà hiểu rằng những con số thiệt mạng sẽ không dừng lại...

Mưa vẫn rơi, lũ vẫn về, rừng vẫn mất và những "dòng sông gỗ" khó hiểu vẫn giạt về hạ nguồn như một chứng cứ khó chối cãi về việc huỷ diệt môi trường. Làm sao để chấm dứt phá rừng, dừng các công trình xây dựng, các vụ nổ mìn phá núi ảnh hưởng tới địa chất. Làm sao cảnh báo và di dời người dân khỏi vùng sinh sống có nguy cơ không an toàn tính mạng... Vô số câu hỏi không chỉ nóng trên nghị trường, mà cồn cào lòng dạ người có lương tri.

Cậu bé Lê Thanh Tú ( phải) dựa vào thầy giáo khi vẫn chưa hết kinh hoàng nỗi mất cha - Ảnh: Việt Dũng
Cậu bé Lê Thanh Tú (phải) dựa vào thầy giáo khi vẫn chưa hết kinh hoàng nỗi mất cha - Ảnh: Việt Dũng

Hôm nay, tin bão lụt đã giảm dần trên các phương tiện truyền thông, những đoàn cứu trợ rồi cũng rời đi, chỉ có nỗi đau, mất mát thì ở lại.

Trong những tình cảnh khốn cùng, con người còn biết bấu víu vào gì, nếu không phải là sự giúp đỡ và sẻ chia. Liệu các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân có quên những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ cha mẹ bị thương nặng trong bản danh sách lạnh lùng kia không?

Các con còn có thể đến trường ngày mai, khi trời sáng lên? Có còn một chỗ dựa yêu thương tin tưởng nào không? Không phải một, hai ngày mà cả một đoạn đường dài, các con cần được sưởi ấm, để thấu hiểu về đặc ân còn được sống trên đời, để đủ niềm tin mà hiểu về tình yêu thương, lòng nhân ái của xã hội...

Cầu mong ai đó nghe thấu và tặng các con những điều ấy...

Tường Lam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI