Bài 1: 60 năm sống bằng tên họ mượn
“Sáu chục năm qua tôi sống và hoạt động bằng họ mượn, giờ là lúc tôi phải trở về đúng với tên họ thật của mình. Chiến tranh đã lùi xa, và nếu những gì tôi đã cống hiến góp phần làm cho giải phóng Sài Gòn không có thương vong, không có đổ máu và đổ nát như những gì người Mỹ khẳng định trong cuộc phỏng vấn tôi năm 1985, thì tôi cho rằng, cuộc đời mình đã quá hạnh phúc rồi”.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Đại tá tình báo Nguyễn Thành Trung mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình giữa cơn mưa bất chợt của tháng 4 Sài Gòn đổ lửa.
Đổi họ lúc 10 tuổi
Nguyễn Thành Trung là nhân vật lịch sử nổi tiếng trong trận ném bom vào dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng không phải ai cũng biết ông mang họ Đinh với tên đầy đủ hoàn toàn khác xa với cái tên mà nhiều người đã từng biết và nhớ. Họ và tên thật của ông là Đinh Khắc Chung.
Phi công Nguyễn Thành Trung (bên phải) cùng đồng đội vui mừng sau trận ném bom vào Dinh Độc lập ngày 8/4/1975
|
Sinh ngày 9/10/1947, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Đinh Khắc Chung là con trai thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Nói thêm về ông Tư Dậu, cha của Đinh Khắc Chung. Ông là Bí thư huyện ủy Châu Thành, tỉnh Bến Tre, hoạt động cách mạng cùng thời kỳ với bà Nguyễn Thị Định.
Những năm sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Bến Tre là một trọng điểm cần phải bình định của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 17/1/1960, tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre diễn ra cuộc biểu tình phản đối, sau đó lan ra các huyện trong tỉnh làm bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa hoang mang. Cũng trong thời gian này, ông Tư Dậu tham gia lãnh đạo Đồng khởi tại huyện Châu Thành (Bà Nguyễn Thị Định là một trong những người lãnh đạo Đồng khởi của tỉnh Bến Tre). Phong trào hoạt động rất mạnh nên địch phản kích dữ dội. Ngày 7/2/1963, trong một trận biệt kích, cha ông đã hy sinh.
Đinh Khắc Chung nghe tin cha mất khi đang ngồi trong lớp học. Ông lặng đi, nhìn vô định lên bảng đen, lời cô trên bục giảng hư ảo xa xôi và ông cứ bất động gần như không chớp mắt, cho đến cuối buổi học. Ngay sau đó, ông và anh trai chạy vội về làng để mong được nhìn thấy xác cha nhưng mọi lối về đã bị bao vây. Hai anh em đành ngồi trên phà, cứ thế đi hết từ bờ bên này sang bờ bên kia cho đến khuya. Có lẽ đó là khoảnh khắc khủng khiếp nhất của cuộc đời Đinh Khắc Chung.
Nhưng đó cũng là phút giây hun đúc ngọn lửa căm hờn, thôi thúc và quyết chí bằng mọi giá: Mình phải trở thành phi công để ném bom vào dinh thự của Ngô Đình Diệm, trả thù cho cha. Thời khắc ấy, Đinh Khắc Chung không còn là cậu bé 14 tuổi non nớt, sợ hãi mà đã trở nên vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn và sắc bén hơn.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Khắc Chung và vợ
|
Sau này, trước khi trút những quả bom vào dinh Độc Lập, Đinh Khắc Chung nhớ đến cha, nhớ đến chiếc phà chông chênh đêm ấy. Và ông đã phần nào toại nguyện lời hứa trước linh hồn cha, người đã để lại di sản vô cùng quý giá cho ông, đó là trí tuệ, lòng dũng cảm và tình yêu sâu nặng với Tổ quốc.
Năm 1957, khi vừa học xong năm cuối của bậc tiểu học thì mẹ dẫn ông lên Tòa án tỉnh Bến Tre để làm lại giấy khai sinh (thế vì khai sinh). Từ đó, trong tờ giấy khai sinh của ông mang tên Nguyễn Thành Trung, lý lịch ghi rõ chỉ có một mẹ một con và mục “tên cha” đề là “vô danh”.
Trong suy nghĩ của một cậu bé lên 10, Đinh Khắc Chung hoàn toàn không lý giải được vì sao mẹ mình lại phải làm tất cả điều này. Ông không hề biết rằng, đó là sự sắp đặt rất chặt chẽ, có tính toán kỹ càng của cách mạng để nuôi dưỡng và đào tạo ông trở thành tình báo cộng sản dưới danh nghĩa là phi công của Việt Nam Cộng hòa sau này.
Trở thành nhà tình báo
Năm 1965, Nguyễn Thành Trung tốt nghiệp Tú tài đôi và thi vào Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên). Đây cũng là thời điểm ông chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản dưới sự dìu dắt của đồng chí Phạm Văn Yên (Năm Yên), Trưởng ban Binh Vận Khu 8, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là người đồng chí, đồng đội thân thiết của cha ông và đồng chí Thái Văn Trực (Năm Trực).
Sau 60 năm sống dưới tên họ khác, Đại tá tình báo Đinh Khắc Chung trở về với tên họ thật của mình và sống bình yên bên gia đình
|
Cách mạng lúc này rất cần người có tri thức và có điều kiện hoạt động tại nội thành Sài Gòn, để có thể tiếp cận những địa điểm mà Khu 8 không thể vào được. Nguyễn Thành Trung chính là nhân tố đầy đủ tố chất và là thời điểm hợp lý nhất để có thể đào tạo ông trở thành tình báo.
Năm 1968, khi hoàn thành 3 chứng chỉ cử nhân đại học thì xảy ra sự kiện Tổng công kích - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968. Việc học hành của ông đành dở dang. Cuộc chiến tranh giữa ta và địch đang ở trong giai đoạn ác liệt và căng thẳng, nhiều cơ sở hoạt động của ta ở Khu 8 bị lộ. Đồng chí Năm Yên và Năm Trực động viên Nguyễn Thành Trung đăng ký đi sĩ quan. Sau đó, Nguyễn Thành Trung nhận chỉ đạo thi tuyển vào ngành không quân của Không lực Việt Nam Cộng hòa.
Việc trúng tuyển phi công để hoạt động trong hàng ngũ của địch cũng là một câu chuyện đấu trí ngoạn mục mà phần thắng thuộc về người chủ động và thông minh hơn. Cũng giống như các cuộc sát hạch tuyển phi công quân sự khác, Nguyễn Thành Trung phải trải vòng tuyển lựa gắt gao về thể lực, tiếng Anh, trình độ văn hóa…
Mọi yêu cầu ông đều vượt qua dễ dàng nhưng bước cuối cùng và khó khăn nhất, chính là lý lịch. Chỉ cần địch biết thành phần đúng của ông thì việc thi tuyển coi như bị loại. Ngoài sự chuẩn bị kỹ càng cho câu trả lời trùng khớp, hợp tình hợp lý về thông tin lý lịch thì Nguyễn Thành Trung cho rằng, có cả sự may mắn về thời cuộc cũng giúp ông vượt qua yếu tố quyết định này.
Đó là từ năm 1960, gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre, chính quyền các xã đã về tay cách mạng sau khi diễn ra phong trào Đồng khởi. Chính vì chính quyền đã thuộc về cách mạng nên việc điều tra hồ sơ gốc của Nguyễn Thành Trung khiến phía Việt Nam Cộng hòa gặp trở ngại...
Đinh Hoa - Đinh Quang Tuấn
Bài 2: Hai lần xác định chết và một lần mong được chết