Vì không thể về được tận nơi sinh ra nên lý lịch của Nguyễn Thành Trung mà chính quyền Sài Gòn có thể điều tra được từ Tòa án tỉnh Bến Tre hoàn toàn trùng khớp với hồ sơ dự tuyển. Nguyễn Thành Trung còn nhớ, một ngày, Đại tá Ước – Trưởng ban Ban an ninh không quân mời ông lên làm việc. Rất nhẹ nhàng và lịch sự, Đại tá Ước nói:
- Anh đã qua được tất cả các vòng, chỉ còn vòng cuối cùng này để quyết định có nhận anh hay không. Lý lịch của anh, chúng tôi đã nắm rồi. Về lý, đúng là không có gì phải bàn nhưng về tình, có một điểm chúng tôi còn lấn cấn. Đó là mục “tên cha” vì sao lại ghi là “vô danh”? Ai mà không có cha, chỉ là chính thức hay không mà thôi. Vậy anh đã từng một lần được nghe người thân nói gì về cha chưa? Anh có biết ông là ai, là người như thế nào không? Tôi hoàn toàn không ép anh và anh có thể không trả lời nếu không muốn.
Nguyễn Thành Trung trở về trong vòng tay đồng đội
|
|
Rất chững chạc và tự tin, Nguyễn Thành Trung trả lời viên đại tá:
- Đại tá nói rất đúng. Tôi có quyền nói hay không về lý lịch của tôi. Nhưng vì tha thiết được trở thành phi công nên tôi sẽ nói ra toàn bộ sự thật và ông là người duy nhất biết câu chuyện bí mật này của tôi. Ông biết đấy, đúng là ai cũng có cha, nhưng đây lại là câu chuyện buồn mà tôi giữ bí mật cho riêng mình.
Nhìn thẳng vào ánh mắt đang chăm chú và tò mò của viên đại tá, Nguyễn Thành Trung tỉnh bơ “vẽ” ra câu chuyện mà ông đã chuẩn bị từ rất lâu vì ông biết trước sau gì cũng phải đến lúc nói ra.
- Hẳn đại tá biết rõ cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự kiện Nhật đảo chính Pháp, toàn bộ Đông Dương trở thành thuộc địa của Nhật. Theo tôi được nghe, thì mẹ tôi lúc đó đang buôn bán ở Mỹ Tho, bà có quen biết với một sỹ quan người Nhật và kết quả là tôi ra đời. Năm 1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, quân đội Nhật giải tán, rút khỏi Đông Dương sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có thể cha tôi đã không về nước ngay sau sự kiện này nên tôi đã được sinh ra mà mình chưa một lần biết mặt cha. Vì thế trong giấy khai sinh của tôi khuyết mục tên cha. Nỗi buồn tủi này, tôi không muốn bất cứ ai hay biết.
- Tôi xin lỗi vì khiến anh phải nói ra chuyện buồn của mình nhưng vì là công việc chung tôi không thể không hỏi anh! Như vậy trong dòng máu của anh là “half and half”. Người Nhật chắc chắn rất hận người Mỹ nhất là sau sự kiện người Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất nước của họ vào năm 1945. Anh có 50% dòng máu của người Nhật, vậy suy nghĩ và tình cảm của anh dành cho người Mỹ như thế nào? – Đại tá Ước tiếp tục phỏng vấn.
- Tôi được nghe loáng thoáng câu chuyện về cha như vậy chứ thực ra tôi chỉ biết mình là một cậu bé Việt Nam nghèo khổ, không có cha. Khi lớn lên, tôi hiểu mình là đứa con bị bỏ rơi nên tôi hoàn toàn không có tình cảm nào với đất nước Nhật cũng như với một người cha chưa một lần gặp mặt, chưa một lần nghe tên. Nên tôi khẳng định, tôi không căm hận người Mỹ!
Sau câu nói cuối cùng này, viên đại tá tuyên bố: “Anh đã trúng tuyển ngay ngày hôm nay!”.
Phi công Nguyễn Thành Trung trong buổi gặp mặt lãnh tụ Fidel Castro
|
|
Ngày 1/6/1969, sau cuộc phỏng vấn trên khoảng 1 tuần, Nguyễn Thành Trung nhận được giấy báo trình diện nhập ngũ. Trước đó một ngày, ngày 31/5, Nguyễn Thành Trung nhận chỉ thị của Ban binh vận Khu 8, quyết định kết nạp ông vào Đảng Lao động Việt Nam. Tức là ông đã trở thành Đảng viên trước khi vào ngành hàng không của Không quân Việt Nam Cộng hòa.
Buổi lễ kết nạp được tổ chức đơn giản, bí mật và nhanh chóng tại nhà ông Sáu Phát ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Bình tĩnh đón nhận sự kiện quan trọng này, Nguyễn Thành Trung hiểu rằng đây việc bắt buộc phải làm. Từ nay trong trái tim ông, có một chỗ trang trọng dành cho Đảng và ông hiểu trách nhiệm của mình trước niềm tin mà Đảng giao phó.
Sau hơn một năm huấn luyện tại Nha Trang, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở các căn cứ Hoa Kỳ tại các bang Texas, Louisiana và Mississippi. Ông học rất giỏi và được xếp thứ 2 trong tổng số 40 học viên của khóa. Trong thời gian học bên Mỹ, mọi liên lạc của Nguyễn Thành Trung với tổ chức Đảng vẫn diễn ra thông suốt và thường xuyên bằng những cánh thư tay, ngắn gọn, súc tích đầy đủ thông tin.
Năm 1972, Nguyễn Thành Trung về nước đóng quân tại căn cứ không quân Cần Thơ, Phi đoàn 526, Sư đoàn 4, bay máy bay A-37. Một năm sau, ông về căn cứ không quân Biên Hòa, biên chế trực thuộc Phi đoàn 540 Thần Hổ, Sư đoàn 3 không quân, Không đoàn 63. Tổ chức Ban Binh vận Khu 8, quyết định chuyển Nguyễn Thành Trung (lúc này đã là sĩ quan không lực Việt Nam Cộng hoà) sang sinh hoạt tại Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Võ Văn Kiệt làm trưởng ban. Người chỉ đạo trực tiếp mọi nhiệm vụ cho Nguyễn Thành Trung là Bí thư TW Cục miền Nam Phạm Hùng.
Hai lần xác định chết và một lần mong được chết
Lần thứ nhất xác định chết là trận ném bom vào dinh Độc Lập. Để hoàn thành nhiệm vụ cướp máy bay và ném bom vào dinh, phi công Nguyễn Thành Trung đã vận dụng tất cả những gì ông có, từ kinh nghiệm, trí thông minh, lòng dũng cảm và trên hết là quyết tâm làm được một điều gì đó cho Tổ quốc, góp phần để cuộc chiến này sớm kết thúc.
Đại tá Nguyễn Thành Trung thời làm Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines
|
|
Trên cũng xác định sự sống và cái chết của Nguyễn Thành Trung là 50-50, nên trước khi diễn ra sự kiện này, Bí thư TW Cục miền Nam Phạm Hùng sau nhiều ngày trăn trở, đã chỉ đạo Lê Quốc Lương (Bảy Lương) nói với Nguyễn Thành Trung về việc sẽ cho ông 1.000 lượng vàng để nếu ông có không trở về thì số vàng này sẽ giúp vợ con ông đỡ khổ.
Nguyễn Thành Trung khẳng khái nói với Bảy Lương: “Nếu các anh cho tôi 1.000 lượng vàng để thuê tôi đánh dinh Độc Lập thì tôi sẽ không làm. Tôi đã làm thì sẽ không lấy một xu của cách mạng, còn nếu làm vì tiền thì tôi sẽ theo Mỹ luôn”.
Với Nguyễn Thành Trung, giây phút đó ông chỉ nghĩ đến đất nước nhiều hơn là vợ con. Dù sau giải phóng có giai đoạn gia đình ông lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, chật vật nhưng việc từ chối vật chất để dấn thân cho cách mạng là suy nghĩ và hành động đúng mà cho đến bây giờ, nghĩ lại ông vẫn thấy rất thanh thản.
Lần thứ hai xác định có thể chết, chính là trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nguyễn Thành Trung xác định, phần chết nhiều hơn 50%. Nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều trận ném bom vào dinh Độc Lập vì 4 phi công bay cùng ông chưa sử dụng máy bay A-37 lần nào, “hang cọp” cũng còn rất đông các sĩ quan của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, lại không ai rành đường bay ngoài Nguyễn Thành Trung. Nhưng lần này, ông và đồng đội vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Vào thời điểm xảy ra hải chiến Hoàng Sa, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh điều 5 phi đoàn F-5E từ Biên Hòa ra Đà Nẵng để chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa. Dù xác định phần thắng chắc chắn 100% nhưng tất các phi công đều tuyên thệ sẵn sàng chết cho Hoàng Sa và ai cũng coi đó là cái chết vinh hạnh. Giây phút đó mới hiểu được tình yêu đất nước của người Việt Nam lớn lao và mạnh mẽ như thế nào.
Đại tá tình báo Đinh Khắc Chung - phi công Nguyễn Thành Trung trong đời thường
|
|
Nhưng bất ngờ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh không được hành động. “Lẽ ra được chiến đấu và được chết trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa thì tốt biết bao. Đó là một cái chết đẹp, một cái chết xứng đáng mà tôi ước gì được chết”. Nhớ lại giây phút này, Nguyễn Thành Trung vẫn còn day dứt khôn nguôi.
Cuộc phỏng vấn bất ngờ 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam
Năm 1985, 10 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hãng truyền hình CNN đăng ký phỏng vấn Nguyễn Thành Trung tại nhà riêng. Cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh kéo dài khoảng 1 giờ đã khiến ông vỡ ra nhiều điều.
- Hôm nay chúng tôi đến gặp ông Trung, một nhân chứng lịch sử và cũng là người Việt Nam nổi tiếng với hai trận ném bom vào dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất. Đến giờ này người Mỹ chúng tôi vẫn không giải thích được và chúng tôi rất cần câu trả lời từ ông để đưa vào lịch sử. Đó là trận đánh ngày 28/4/1975, vì sao ông có thể huấn luyện được đội bay chỉ trong mấy ngày loại máy bay chiến đấu A-37, trong khi nếu chúng tôi thực hiện đúng bài bản thì thời gian huấn luyện phải mất 3 tháng đối với một phi công?
- Thực ra việc chúng tôi làm không cần sách vở gì cả. Vì nếu chúng tôi làm đúng quy trình, đúng bài bản như người Mỹ thì phải mất gần một năm mới huấn luyện xong và như vậy không thể đánh trận này. Chúng tôi có cách làm của thời chiến, là chỉ những gì cần chúng tôi mới làm, ví dụ như chỉ cần biết đủ thao tác cất và hạ cánh, sử dụng ném bom ra sao, thế là chúng tôi thành lập đội bay. Và trước khi vào trận, chúng tôi xác định 8 phần chết, chỉ có 2 phần sống nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm được chết cho trận đánh này, điều này có lẽ người Mỹ không có.
- Giải thích của ông là hoàn toàn hợp lý. Còn điều mà người Việt Nam nói chung và bản thân ông nói riêng mà chúng tôi khẳng định hoàn toàn chưa biết, đó là ngày 28/4, còn 3.000 cố vấn Mỹ ở lại Sài Gòn để động viên binh lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chúng tôi biết phía các ông, quân số khoảng 200.000 quân, các ông có 200 xe tăng, 1.000 khẩu pháo và mục tiêu của các ông là tiến đánh Sài Gòn. Trong khi quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng còn đủ 6 sư đoàn, không quân rất mạnh, tăng và pháo nhiều hơn các ông… Nếu trận đánh này xảy ra thì Sài Gòn chỉ còn là đống gạch vụn, số người chết thì không đếm xuể... Trận chiến giữa lòng Sài Gòn sẽ là trận đổ máu nhiều nhất, tàn phá nhiều nhất cuối cùng đã không hề diễn ra như chúng tôi dự đoán. Ông có biết điều này là nhờ một phần rất lớn từ ông không?
Nghe đến đây, Nguyễn Thành Trung lặng người. Ông nghĩ, nếu thực sự mình đã làm được như vậy thì cuộc đời này đã là quá xứng đáng, quá ưu ái và những hy sinh của mình là quá đủ. Những cay đắng nghiệt ngã mà ông đã trải qua chỉ là chuyện thật nhỏ so với những gì ông đã cống hiến cho đất nước này.
Đinh Hoa - Đinh Quang Tuấn