Phép thử từ biến đổi khí hậu

23/06/2022 - 06:09

PNO - Vài năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe con người đang rõ dần ở nước ta...

Cách đây 10 năm, khi trò chuyện về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) lên sức khỏe con người trong thời đại ngày nay, một bác sĩ ngành nhiễm nói với tôi rằng, đó là chuyện xa vời đối với Việt Nam. 

Nhưng vài năm gần đây, tác động của BĐKH lên sức khỏe con người đang rõ dần ở nước ta. Giữa năm qua, 9 người ở tỉnh Hà Nam phải nhập viện do say nắng, say nóng, trong đó một người tử vong trước khi vào viện. Thời điểm đó, nhiều địa phương - đặc biệt là ở miền Bắc và miền Trung - đã hứng chịu một đợt nắng nóng 37 - 400C, thậm chí có nơi trên 400C. 

Trước đó, trong năm 2019, cả nước xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết (SXH) nghiêm trọng với hơn 200.000 ca mắc, tăng 2-3 lần so với năm 2018, trong đó có 50 ca tử vong. Trong năm đó, thời tiết nước ta biến đổi bất thường với nhiều đợt nắng nóng và mưa lớn. 

SXH cũng là vấn đề sức khỏe đáng quan tâm những ngày này, đến nỗi tuần qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM phải họp với ngành y tế về công tác phòng, chống SXH. Theo thống kê, đến ngày 2/6, các tỉnh, thành phố phía Nam có 39.317 ca mắc SXH, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 36 ca tử vong. Tính đến ngày 19/6, TP.HCM ghi nhận 16.057 ca mắc SXH, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 9 ca tử vong.  

Theo dự báo của phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - diễn biến bệnh SXH năm 2022 sẽ rất phức tạp vì mới đầu mùa mà số ca mắc đã tăng cao, trong khi nước ta lại đang hứng chịu những tác động của BĐKH.

Trong những năm gần đây, BĐKH đã trở thành vấn đề nghiêm trọng toàn cầu và ngày càng có nhiều nghiên cứu về tác động của nó lên sức khỏe con người. Giới nghiên cứu nhận thấy, nhiệt độ tăng cao sẽ làm tăng số người nhập viện và tử vong do các bệnh về tim mạch, hô hấp, thần kinh, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi. 
Khí hậu thay đổi cũng phá vỡ hệ sinh thái, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển của một số mầm bệnh cũng như véc-tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, chuột, gián), dẫn đến bùng phát các bệnh truyền nhiễm như SXH, tiêu chảy, sốt rét, tay chân miệng.

Ở nước ta, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất đang và sẽ hứng chịu nhiều tác động nhất của BĐKH. Dự báo, nhiều vùng ven biển và trũng thấp ở đây sẽ bị hạn, mặn tấn công nghiêm trọng, thậm chí bị nhấn chìm khi nước biển dâng cao thêm 1m vào năm 2100 do nhiệt độ trung bình ở nước ta tăng lên 30C. Khi đó, nguồn dinh dưỡng của con người sẽ bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt và lương thực, dẫn đến tình trạng di cư tự do ồ ạt. 

Theo nghiên cứu của phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Kim Oanh (Trường đại học Văn Lang) và cộng sự vào năm 2017, nguyên nhân khiến người dân ĐBSCL di cư là đời sống kinh tế và chất lượng môi trường sống sụt giảm nghiêm trọng do lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ tăng quá cao. Điểm đến gần nhất của phần lớn người này là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. 

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, việc tập trung một lượng người quá nhiều trên một diện tích nhỏ sẽ tạo điều kiện cho các loại bệnh truyền nhiễm (như lao, SXH, cúm, tay chân miệng) thâm nhập và phát tán bởi khoảng cách tiếp xúc giữa người với người quá gần. 

Sáng 21/6, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Quy hoạch vùng ĐBSCL lần này là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh thích ứng BĐKH, nước biển dâng.

Từ hội nghị lần này, ĐBSCL và những vùng xung quanh hứa hẹn sẽ phát triển về mọi mặt, gián tiếp thúc đẩy đất nước phát triển. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư. 

Để những mong muốn trên trở thành hiện thực trọn vẹn, đã đến lúc các ban, ngành liên quan cần quan tâm đến những tác động của BĐKH lên sức khỏe của người dân không chỉ ở ĐBSCL mà còn cả những vùng liên quan. 

Châu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI