Phép thử COVID-19

15/04/2020 - 08:14

PNO - Phép thử COVID-19 không chỉ ứng dụng trong cơn đại dịch, nhưng chính trong cơn quay quắt sống còn này, lòng quý mến và trân trọng của công dân đã hiển thị trước sự nhạy bén, tập trung và tận tụy của chính quyền. Nó sẽ là “hàn thử biểu” cho một phương thức điều hành thành phố nói riêng, đất nước nói chung, ở thời hậu dịch.

Ngày 13/4, khi cảnh báo các quốc gia trong việc dỡ bỏ cách ly xã hội quá sớm, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói: “Trước hết, bảo vệ sức khỏe con người phải luôn là một chọn lựa ưu tiên và phải dựa trên những gì mà chúng ta đã biết rõ về cách thức hoạt động của virus”. 

Hôm nay, 15/4, ngày cuối cùng trong chuỗi cách ly xã hội tại Việt Nam. Cho dù 24 giờ tới, người đứng đầu Chính phủ sẽ quyết định việc dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội hay tiếp tục thực hiện và thực hiện theo tình hình dịch, tình hình kinh tế từng nhóm địa phương thì “bảo vệ sức khỏe nhân dân” đã là lựa chọn từ đầu, xuyên suốt, nhất quán và là mục tiêu tối thượng của Chính phủ Việt Nam. 

Đường đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM trong ngày 1/4 - Ảnh: Tam Nguyên
Đường đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM trong ngày đầu cách ly toàn xã hội - Ảnh: Tam Nguyên

Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhớ từ ngày 20/2, khi đâu đó còn… dung dăng dung dẻ, dắt trẻ tới trường thì chính quyền thành phố đã kiến nghị tạm dừng việc học cho đến hết tháng Ba, trên cơ sở “sức khỏe cho học sinh luôn phải được đặt lên hàng đầu” và “tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới”.

Trong sáu nhóm tiêu chí mà WHO khuyến cáo, nhóm đầu tiên chính là “phải kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh” trước cả nhóm “đảm bảo hệ thống y tế có đủ năng lực trong phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị”. Cuộc chiến phòng, chống dịch tại TPHCM, từ nguyên lý đến phương thức điều hành và giải pháp thực hiện đều luôn đặt để tính kiểm soát sự lây lan lên hàng đầu.

Một khi khống chế lây lan, cách ly theo nhóm đối tượng có dấu hiệu tiếp xúc gần, lây nhiễm thì kiểm soát được con số tăng, ở cấp số cộng - từ ca thứ 100 đến 500, hoặc dưới 1.000, trong vòng 39 ngày liên tiếp, để không bùng phát thành cấp số nhân - ca thứ 1.000 trở đi - theo số liệu phân tích dịch tễ của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. 

Phép tính trên đã được hạ giải bằng tổng thể các nhóm giải pháp mà quan trọng là luôn tuân thủ trên cơ sở của dịch tễ học, của quy luật sinh học và cam kết chính trị “sức khỏe nhân dân phải đặt lên hàng đầu”. 

Và ở góc nhìn… gia cảnh, lại không khỏi chạnh lòng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, tiềm lực y tế, kinh tế đều chưa dồi dào thì việc ra sức chằng chống để kiểm soát cơn lây lan trong khả năng ít tốn kém nhất có thể mà cũng hiệu quả nhất có thể, không để dịch bệnh bùng phát, hiểm họa sẽ khôn lường là một lựa chọn gần như duy nhất.

Thành phố này, một khi đảm bảo là phòng tuyến vững vàng, an toàn nhất thì cũng có nghĩa là cho chính nó và cho cả nước - trên mặt trận chống dịch lẫn duy trì, phục hồi đòn bẩy kinh tế. 

Chính vì vậy, với một quyết định “cân não” như tạm dừng hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, để bảo chứng cho mục tiêu kép là bảo vệ sức khỏe công nhân - nhân dân, không ngăn cấm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chính là Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp tự xây dựng “bộ tiêu chí” và đánh giá, cơ quan chức năng ban hành Bộ chỉ số và kiểm tra đánh giá các đơn vị, hai bên cùng đối chiếu, kiểm tra và cùng ra giải pháp khắc phục. Từ diễn biến thực tế cho đến các tiêu chí tham chiếu và trước khi đi đến quyết định cuối cùng, tất cả đều công khai, trung thực, không cảm tính, duy ý chí hay “cản trở” lẫn nhau. 

Từ việc tạm dừng hoạt động một doanh nghiệp như Pouyuen Việt Nam hay sắp tới, chuẩn bị cho phương án đi học trở lại của học sinh, sinh viên thành phố, sẽ đưa ra một bộ chỉ số đánh giá trường học an toàn, nó không phải là phép đánh dấu trắc nghiệm “nên” hay “không nên” để ủy thác sự định đoạt vào tâm lý số đông mà là phải đáp ứng các tiêu chí chức năng của việc phòng, chống dịch bệnh. 

Trong cuốn Bàn về chính quyền, chương Về luật pháp: cách thức vận hành một chính quyền lý tưởng, chính trị gia lỗi lạc, nhà hùng biện trứ danh M.Tullius Cicero, người sống ở thành Rome, cách chúng ta hơn 2.000 năm đã nói “nếu không có sự nhạy bén, tập trung và tỉ mỉ của họ (quan chức) thì không có nhà nước nào tồn tại được”. Và chỉ khi đạt được các “chỉ số” ấy thì “đảm bảo các công dân không chỉ tuân lệnh quan chức đúng theo bổn phận, mà còn thực sự tôn trọng và yêu mến họ”. 

Phép thử COVID-19 không chỉ ứng dụng trong cơn đại dịch, nhưng chính trong cơn quay quắt sống còn này, lòng quý mến và trân trọng của công dân đã hiển thị trước sự nhạy bén, tập trung và tận tụy của chính quyền. Nó sẽ là “hàn thử biểu” cho một phương thức điều hành thành phố nói riêng, đất nước nói chung, ở thời hậu dịch. Mong là vậy! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI