Phép thử

07/05/2018 - 08:54

PNO - Sự đánh giá, công nhận có công bằng, khách quan, trung thực hay không… tất cả đều quy về công tác cán bộ, quy về năng lực kiểm tra, giám sát và công cụ kiểm tra giám sát để kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên.

Hôm nay, ngày 7/5, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khai mạc. Không chỉ riêng cán bộ, đảng viên mà nhân dân cũng dành nhiều sự quan tâm, theo dõi hội nghị, tất cả hầu như đặt để trách nhiệm công dân cùng sự kỳ vọng vào ý chí, quyết tâm, hành động chấn chỉnh, xây dựng và phát huy sức mạnh của Đảng - yếu tố then chốt để tạo dựng bền vững niềm tin nhân dân. 

Phep thu

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII

Niềm tin ấy, một lần nữa là phép thử đối với sự sống còn của Đảng, chính xác là sự tồn tại và khẳng định giá trị, chức trách, bổn phận của từng cá thể đảng viên, của từng tổ chức đảng cơ sở trong sự vận động và phát triển của xã hội, của đất nước, của nhân dân.

Điều này sẽ được nhận diện và tiến tới chuẩn hóa thành một bộ tiêu chí để đánh giá cán bộ một cách xuyên suốt, khách quan; kiểm tra và giám sát cán bộ, đảng viên, giám sát kỷ luật Đảng một cách chặt chẽ, khoa học và liên tục nhằm thực hiện hiệu quả đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ - một trong ba đề án sẽ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7. 

Rốt cuộc thì cũng là con người. Tiêu chuẩn và cơ cấu, bằng cấp và năng lực, đạo đức và tài năng… đều được chứng nhận qua con người, cụ thể là cán bộ, đảng viên; mà từ đó, bộ máy, công việc có vận hành tốt, đúng, hiệu quả hay không; sự đánh giá, công nhận có công bằng, khách quan, trung thực hay không… tất cả đều quy về công tác cán bộ, quy về năng lực kiểm tra, giám sát và công cụ kiểm tra giám sát để kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên.

Đây là một thử thách lớn, là đòi hỏi tất yếu của tổ chức Đảng trong việc thiết lập và điều hành bằng thể chế, quy định mang tính pháp lý, chứ không chỉ và không thể chỉ là những điều lệ mang tính quy phạm đạo đức xã hội. 

Rõ ràng, nhìn vào 15 năm quan lộ của quan bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, sẽ nhận thấy: những sai phạm, dấu hiệu sai phạm đều lồ lộ, cái chính yếu là khi quyền lực tập trung vào một cá thể, xem nhẹ vai trò tập thể, sẽ không một ý kiến đảng viên hay kiến nghị của tổ chức Đảng nào - nơi mà bà Thanh kinh qua và sinh hoạt - lên tiếng hay phát giác.

Chuyện bây giờ mới thấy, ai cũng ngỡ ngàng. Nhưng ngỡ ngàng hơn cả là chừng ấy năm với chừng ấy thói vô tổ chức, vô kỷ luật; thói tham lam, vơ vét tư lợi cho cá nhân và gia đình; thói bất chấp và thiếu trung thực… lại cứ thế mà tiến lên dần, nắm giữ vị trí tót vời trong Đảng. 

Phep thu

Khi còn là giám đốc sở thì bà tay này thu tiền của dân tay kia chả hề chịu trách nhiệm ký duyệt xây dựng các cơ sở hạ tầng của dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất. Khi leo lên ghế Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà lại hào phóng ký tá lấy từ ngân sách Nhà nước khoảng 20 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án BOT Tân Cang (TP.Biên Hòa) mà sau này, công ty chồng bà (Hợp tác xã An Phát) liên doanh với một công ty để lập trạm thu phí…

Tôi hình dung cái chữ ký ấy múa may bay nhảy, chủ yếu là trên đôi ba lĩnh vực như đất đai, đầu tư khai thác bến bãi, thu phí BOT… nhưng khuynh loát cả một vùng, dọc ngang cả một tỉnh. 

Từ ngỡ ngàng mà không khỏi ngao ngán, 15 năm “hoàn thành tốt” “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”… (hẳn là thế!), nay bỗng dưng, trong cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai vừa qua, có đến 2/3 tổng số phiếu đề nghị khai trừ Đảng đối với bà Thanh. Lỗi này đâu chỉ mỗi tại Thanh, lỗi còn tại anh tại ả, nể nang, dung túng, thỏa hiệp, bao che…

Trong 14 điều nói về “Tư cách một người cách mệnh”, người sáng lập ra tổ chức Đảng, người vẽ ra con đường cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ “Tự mình phải:... Hòa mà không tư/ Cẩn thận mà không nhút nhát/ Ít lòng tham muốn về vật chất…”. Bác hiểu lòng người lắm nên mới ghi “ít lòng tham muốn…”, tự mình đấu tranh để “tri túc” mà biết đủ, để không rơi vào bẫy vô độ của ham muốn bản thân. 

Nhìn lại những chỉ số của PAPI 2017, CPI 2017 sẽ thấy tính minh bạch trong quy hoạch đất đai vẫn còn rất thấp, ngay tại địa bàn TP.HCM. Một khi yếu tố minh bạch chưa được chú trọng, đề cao và nhất là phải tôn trọng và tuân thủ, thì mọi nỗ lực cải cách hành chính sẽ chỉ nửa vời. 

Chiều 6/5, những kết luận bước đầu về việc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã cho thấy sự thiếu kiểm tra, giám sát một cách đầy đủ, đúng trách nhiệm của Văn phòng Thành ủy; Công ty Tân Thuận đã sang nhượng trái phép tài sản có giá trị lớn không đúng thẩm quyền, dẫn tới ý kiến chỉ đạo cho phép sang nhượng cũng chưa đúng thẩm quyền…

Một sự sai phạm về công tác quản lý kinh tế Đảng, dù đã được nhận thức và xử lý một cách nhanh chóng, thẳng thắn và đang tìm mọi biện pháp để khắc phục hậu quả, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra nhưng đây là một sự phản tỉnh cần thiết ngay trước thềm cuộc tăng tốc thực hiện Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM - một khi đã thông qua việc phân cấp - phân quyền thì đồng thời cũng tăng cường kỹ năng giám sát, kiểm tra để đi cùng quá trình kiểm tra giám sát quyền lực, minh bạch hóa quy trình tiếp nhận, thẩm định, đề xuất, phê duyệt… đảm bảo hiệu quả của việc thực thi quyền hạn và kiểm soát quyền lực. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI