PNO - PN - Con bé bị bệnh, người ốm nhom, xanh lè, chẳng buồn ăn uống. Chị ở Sài Gòn, đang đứng ngồi không yên, liên hệ khắp nơi kiếm thầy hay chữa bệnh dạ dày cho con thì dì Út gọi vô, giục: “Chị về mà coi, con nhỏ hễ ăn vào là...
edf40wrjww2tblPage:Content
“Thằng cha nó” là người đã bội bạc, bỏ đi biệt xứ 23 năm nay. 23 năm một mình nuôi con, bao nhiêu lần muốn quên đi là bấy nhiêu lần chị phải nhớ lại, vì những người trong nhà chị, chẳng ai chịu quên.
Hồi chị sinh con, nằm trong cái buồng ngăn với căn bếp bằng một tấm màn cũ; hễ em út xớ rớ xuống gần, mẹ chị lại xua tay đuổi lên: “Chỗ đàn bà nhớp nhúa, lại gần coi chừng bị u mê!”. Ba tháng ở cữ, mỗi ngày ba lần mẹ bưng chén cơm, tô canh vô, bưng cái thau tã dơ đi ra; còn thì chẳng ai ghé lại, thăm chơi. Một lần lén mẹ tạt qua phòng chị, dì Út nhón chân dòm mặt đứa cháu, rồi sa sầm nét mặt: “Giống y thằng cha, thấy ghét!”. Rồi quay ra bếp, nghe chị thút thít bên trong, dì Út bèn với vào, phân bua: “Tui ghét thằng cha, chứ có ghét mẹ con chị đâu mà khóc!”. Vậy mà câu nói ấy cứ khiến chị khóc hoài, mỗi lần thấy cái trán cao cao của con xô lại, cái miệng rộng toe toét cười, chị lại rớt nước mắt, vừa nhớ vừa đau.
Nhà chị nghèo, cha mất sớm, mình má bán bún bò gánh nuôi cả nhà. Dì Út là thợ may vừa mới ra nghề, tiền kiếm được chỉ đủ nuôi thân; chị lại không làm gì ra tiền, má chị phải gánh cả phần nuôi con bé. Mỗi lần nựng cháu, má lại cao hứng buông một câu, đại loại: “Gì cũng được, phải tội giống y cái bản mặt cơn cớn của cha mày, thấy ghét!”. Miệng nói ghét, nhưng thấy ngoài chợ có gì ngon, má lại mua về, rồi mỗi lần đưa cho cháu lại cẩn thận dặn dò: “Chỉ bữa nay thôi nha, mai mốt không có nữa đâu, ai kêu mày không có cha đặng nó đi làm đem tiền về cho”. Dì Út mỗi lần đi làm về chỉ tạt qua dòm, không bao giờ đưa tay ẵm bồng, lý do: “Nó không có cha, nựng hoài nó quen hơi, cực má nó”. Mỗi lần mua cho cháu bộ đồ mới, dì Út lại thầm thì dặn chị: “Để đám tiệc gì hãy mặc, nó vầy, mặc đẹp thiên hạ lại được cớ xôn xao”.
Mong muốn con bé phải tự lập hơn người, lúc nó ba tuổi, mỗi lần tới bữa, dì Út lại bắt nó ngồi vô mâm cơm với cả nhà, tự xúc ăn. Hễ rớt hạt cơm nào ra đất, con bé liền lấm lét nhìn gương mặt nghiêm nghị của dì Út, rồi vụng về bốc hạt cơm lên, quệt vội vô mâm. Chị xót con, tới bữa lại kiếm chuyện dắt nó ra ngoài, đợi qua giờ mới quay về, rồi lấy phần thức ăn cả nhà để phần, đút con từng muỗng. Dì Út đi qua đi lại, cằn nhằn: “Sướng quá lại sinh hư cho coi!”.
Chị mặc kệ. Những lần sau chị không thèm dắt con tránh đi, cứ thế lấy cơm đút cho con ăn trước rồi mới ngồi vô mâm. Cản không được, dì Út giật lấy cái chén, vùng vằng: “Một mẹ một con, có chiều chuộng tới hết đời được không?”. Quá lắm, chị giật lại, bất cần: “Tới đâu thì tới!”. Đôi đũa đang cầm trên tay, dì Út quăng xuống mâm, trước khi chạy đi còn kịp gào lên cái câu quen thuộc: “Chị khổ với cha nó chưa đủ sao, giờ còn đòi cực tới chết với nó!”. Cả nhà im ru, bữa cơm uể oải dừng lại. Chị như điếc như mù, cứ lẳng lặng vừa dỗ dành, vừa đút con ăn.
Dì Út lấy chồng, má chị yếu hẳn. Gánh bún ế ẩm, tiền thu vào chẳng đủ hai bữa chợ mỗi ngày. Dẹp tiệm, chị quyết định vào Sài Gòn. Ngày leo lên chiếc xe đò đề biển “Bến xe Miền Đông”, để lại đứa con 11 tuổi khóc nức nở dưới lề đường, chị cắn răng quay đi, quyết kiếm tiền gửi về, thay đổi cuộc đời của con, của má.
Rồi chị cũng kiếm được tiền. Làm công nhân nhà máy giấy, ở ghép cùng năm người khác trong phòng trọ chật chội, khoản tiền dư ra mỗi tháng đủ để chị lo một cuộc sống tươm tất cho hai bà cháu ở quê. Thời gian đầu, dì Út hay gọi vô kể chuyện “con nhỏ hay ngồi chỗ bậc cửa, ngó ra hoài”. Thời gian sau, mỗi lần thấy số điện thoại ở quê, tim chị lại quặn thắt, vì lại nghe thêm một điều gì “giống hệt thằng cha nó”. Mà, trong mắt người nhà chị, cha nó có điều gì là tốt đẹp đâu! Nào lầm lì, nào nói dối, nào tiêu hoang. Mỗi lần nghe méc, chị lại gọi điện về, thủ thỉ trò chuyện với con hàng giờ đồng hồ.
Có lần, dì Út gọi vô hối thúc chị về mau mau, “con nhỏ mới 16 tuổi đã cặp bồ, không nắn kịp là hỏng”. Chị quày quả trở về. Vừa tới ngõ, thấy con bé nhỏ thó kẹp nách một cái khăn, một tay cầm muỗng, một tay cầm chén cháo, đuổi theo đứa em họ năm tuổi chạy quanh sân. Chị bật khóc. Hỏi ra mới biết, con bé không được đi chơi, ở nhà… nói chuyện điện thoại với bạn, làm dì nó phải thanh toán cái hóa đơn khá nhiều tiền. Dì Út nổi trận lôi đình, kết luận nó có bồ… “trắc nết”.
***
Lần này, chẳng buồn “về mà coi”, nhưng chị xót con đau ốm, cũng thu xếp trở về. Trong bữa cơm đầu tiên, má chị già nua, nước mắt giàn giụa, miệng mếu máo: “Nhỡ nó có gì thật, biết tính sao? Thằng đó nhìn gian gian y hệt thằng cha nó vậy đó con ơi!”. Chị chẳng nói gì. Đến khi chị buồn bã đưa ra kết quả khám bệnh, con bé bị viêm loét dạ dày, thì má chị lại mừng rỡ kêu trời: “Ơn trời, nó mà “có gì”, chắc má chết mất!”.
MINHTRÂM
Thời gian đầu, dì Út hay gọi vô kể chuyện “con nhỏ hay ngồi chỗ bậc cửa, ngó ra hoài”. Thời gian sau, mỗi lần thấy số điện thoại ở quê, tim chị lại quặn thắt, vì lại nghe thêm một điều gì “giống hệt thằng cha nó”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.