Phép màu nào cho gương mặt hồi sinh

18/09/2015 - 14:01

PNO - "Trăm công ngàn việc em gánh được hết, chỉ có đau đớn của anh là em không gánh được. Bởi vậy anh phải ăn cho có sức... Ráng lên anh!"

Anh Huỳnh Văn Đạt (sinh năm 1964, ấp Hậu Hoa, xã Hậu Thành, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vẫn thường âu yếm bảo vợ: “Má nó đã chịu quá nhiều đau đớn, vất vả, sinh cho anh hai đứa con, giờ thì có việc gì nặng nhọc, anh gánh hết cho”.

Vậy mà, căn bệnh lạ khiến gương mặt anh bị hoại tử, những cơn đau thấu trời liên hồi hành hạ thân xác đã biến người chồng hiền lành, chu toàn thành kẻ thất hứa bất đắc dĩ.

Phep mau nao cho guong mat hoi sinh
Huỳnh Văn Đạt trong giấy CMND, thuở chưa mắc bệnh lạ

Buông tay sao cam...

Trước gương mặt ấy, có những cung bậc cảm xúc khác nhau, người ngớ ra, chua xót; kẻ nhoi nhói, điếng hồn. Nhìn hình anh trong giấy chứng minh nhân dân khá khôi ngô, càng thấy rõ nghịch cảnh hiện tại thật ác nghiệt. Nơi trước đây là sống mũi cao, đôi mắt đen sáng, miệng móm duyên… giờ trống hoác với những lỗ thông bên dưới là thực quản, khí quản.

Ở tuổi 30, anh Đạt khỏe mạnh, chỉ thỉnh thoảng chảy máu cam, viêm mũi, tứa nước mắt sống. Vài tháng sau khi khám bệnh và phẫu thuật chứng vẹo vách ngăn mũi vào khoảng năm 2005, anh được phát hiện trong vòm họng có lỗ rò nhỏ bằng chân nhang, ngày một lớn.

Vợ chồng anh bắt đầu hành trình chạy chữa, đi nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM, hốt thuốc Nam, thuốc Bắc ở khắp An Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, mấy công vườn bán hết, vay mượn tứ phương mà chẳng nơi đâu chẩn đoán được bệnh của anh.

Lỗ rò ngày càng lở loét, lan rộng, khoét sâu. Mười năm của tiến trình hoại tử, mũi anh bị sụp, tai rụng và rồi đôi tròng mắt cũng nổ. Bộ phận nào lìa thân xác cũng dội vào anh ngàn cơn nhức nhối như cố giằng lấy hết sức sống còn lại trên cơ thể còm cõi, rã rời.

Có những đêm nhà không còn đồng nào, vì quá đau lại đói, anh la hét, gào khóc. Cố dỗ chồng ngủ, đợi tảng sáng, chị Huỳnh Thị Triều, vợ anh Đạt chạy đi mua chịu hộp sữa.

Từ khi mất xương hàm, anh không uống được. Chị cho sữa vào bịch, dùng ống hút rót thật nhẹ, giọt thật nhỏ vào giữa cuống họng để anh không bị sặc và vì thành cuống họng sưng đau. Với cơm, thức ăn, chị nghiền thật nhuyễn và đút mỗi bữa ăn chỉ khoảng ba muỗng, ăn bảy-tám bữa mỗi ngày.

Anh không còn răng, hàm, chỉ còn lưỡi nên nuốt được một muỗng thức ăn là kỳ tích. Gương mặt anh là một vết thương lớn luôn sưng tấy, chị luôn tìm cách bảo vệ, đối phó với những tác động bên ngoài để anh khỏi đau, ngứa, rát, xốn.

Trời nắng nóng, gió bụi, chị che chắn cẩn thận và lau mát suốt, không thể dùng quạt máy vì những luồng gió có thể biến thành ngàn mũi kim chọc ngoáy khuôn mặt anh. Trời lạnh, chị dùng chai nước ấm áp hai bên hông anh, đặt đèn sưởi ấm.

Bệnh không có tên, không có phác đồ điều trị, chị chỉ giúp anh kéo dài sự sống bằng cách cho uống thuốc giảm đau, kháng viêm. Anh ăn quá ít, lại phải uống thuốc nhiều khiến bao tử không chịu nổi, chị chuyển sang chích thuốc giảm đau.

Cứ khoảng ba tiếng đồng hồ phải tiêm một mũi, ngày cũng như đêm, buộc lòng chị đến y tế xã học lóm kỹ thuật tiêm. Không nhớ đã tự tay chích cho chồ ng mấy trăm mũi, chị tái tê lòng khi nghĩ đến những tác dụng phụ sẽ tiếp tục tàn phá anh, nhưng nào có chọn lựa khác.

Chị không biết nơi đâu có chuyên môn điều trị và cũng không có tiền để đưa đi. Hiện tại, chi phí mua thuốc giảm đau mỗi ngày hết 250.000đ mà chị còn không kham nổi.

“Trong cảnh túng quẫn, ai thương cho vay mượn, từ từ tôi trả khi anh qua “căn đày kiếp đọa”. Chứ giờ anh vẫn nói chuyện được, tâm trí sáng suốt, sức sống mãnh liệt vầy, biểu tôi buông tay, tôi không buông được” - chị quay mặt, trào nước mắt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI